Trao đổi với PV, ông Lê Văn Quyết, Chủ nhiệm Hợp tác xã Long Thành Phát kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, giá gà lông trắng đã tăng từ 5.000 lên 17.000 đồng một kg. Tuy nhiên, mức giá này người dân vẫn đang lỗ khoảng 12.000 đồng mỗi kg so với giá thành. Như vậy, một con gà nặng 2-3 kg, người nuôi đang lỗ khoảng 27.000-35.000 đồng.
Ngoài ra, theo ông Quyết, hiện khâu tiêu thụ gặp khó do nhà máy giết mổ chưa hoạt động trở lại. Khâu này đang bị ảnh hưởng mạnh do có F0, F1, số khác thì chưa được tiêm vaccine dù đã đề xuất. Do đó, lượng bán ra hàng ngày chỉ khoảng 30-40% trên tổng đàn đến ngày xuất chuồng.
Ông Quyết cho biết thêm, theo thống kê của Hiệp hội, vùng Đông Nam Bộ đang tồn dư khoảng 5-7 triệu con gà đến ngày xuất chuồng. Hiện, người nuôi đã chủ động giảm đàn khoảng 40% để tránh lỗ nặng.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Bình Dương cho rằng, tiêu thụ gà đang vô cùng khó khăn. Mặt hàng trứng cũng đang khó tiêu thụ do các nhà máy sản xuất bánh trung thu không hoạt động như mọi năm. "Hiện mỗi ngày Bình Dương tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200.000 quả trứng cút", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương, Phạm Văn Bông thông tin.
Còn tại Đồng Nai, theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Lâm Sinh, ngoài ùn ứ hàng nghìn con heo, 200.000 con gà lông trắng, 80.000 con vịt, 6.000 con dê, 300.000 con chim cút, tỉnh này còn dư khoảng 50 tấn bưởi, 200 tấn cam quýt, 800 tấn củ đậu. Rau củ quả dư khoảng 1.000 tấn, thủy sản thừa khoảng 1.000 tấn.
Tại Bình Thuận, đại diện Hiệp hội thanh long cho biết, giá mặt hàng này chỉ còn 2.000-6.000 đồng một kg, loại chất lượng cao có thể hơn 10.000 đồng một kg nhưng vẫn khó bán nên nhiều nông dân đổ bỏ trên đồng.
Không chỉ Đồng Nai, Bình Dương..., tại các tỉnh Tây Nguyên, nông sản cũng đang dư thừa khá nhiều. Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, toàn tỉnh có khoảng 19.000 ha rau đã thu hoạch nhưng giá bán giảm 20-30% còn sản lượng tiêu thụ giảm 1/3.
Ông Có cũng cho hay, tỉnh này còn khoảng 1.500 ha rau với sản lượng 25.000 tấn tiếp tục thu hoạch, rau ngót còn 700 tấn. Các mặt hàng dù đã liên tục kết nối nhưng vẫn chưa tiêu thụ được. Với các hàng trái cây, tỉnh có hơn 7.500 ha chủ yếu là bơ, sầu riêng, nhãn đang vào giai đoạn thu hoạch rộ. Khoai lang với diện tích hơn 1.000 ha cũng khó bán.
Theo ông Quyết và lãnh đạo Sở Nông nghiệp các tỉnh, 3 tháng nay khi TP HCM và các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội khiến lượng hàng hoá tại nhiều tỉnh ùn ứ nặng. Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cơ quan ban ngành liên quan đã tìm cách kết nối, tháo gỡ nhưng tình trạng ùn ứ vẫn chưa giải quyết triệt để.
Nguyên nhân là sức mua thấp, kênh phân phối còn bị gián đoạn do giãn cách xã hội kéo dài. Mặt khác, đối với các mặt hàng gia súc, gia cầm lượng bán ra thị trường chỉ đạt khoảng trên 40%. Các cơ sở giết mổ vẫn chưa thể hoạt động lại vì nhân viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đang là F0, F1. Do đó, hàng bị dư thừa khiến giá giảm sâu. Đặc biệt, theo ông Quyết nếu 3 chợ đầu mối tại TP HCM không thể hoạt động trở lại, tình trạng này sẽ còn kéo dài.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai đề nghị chính quyền địa phương cần cho sớm mở lại các chợ đầu mối hoặc điểm trung chuyển hàng hoá có quy mô lớn để thúc đẩy tiêu thụ. Các cơ quan liên quan cũng cần đẩy mạnh thương mại điện tử, cung ứng lương thực thực phẩm cho các đơn vị sản xuất...
Tại tọa đàm "Kết nối cung cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM" mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị, chợ Bình Điền ngay tuần tới phải có buổi kết nối theo hình thức họp trực tuyến giữa hợp tác xã ở các tỉnh.
Đồng thời, tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp sẽ tham gia hỗ trợ, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Bộ đang có dự án về nâng cao chất lượng nông sản với sự hỗ trợ của Canada. Nếu chợ xây dựng được chuỗi liên kết tốt, Bộ sẽ thí điểm mô hình này tại Bình Điền.
Mới đây, Chợ đầu mối Hóc Môn đã xây dựng xong phương án mở lại điểm trung chuyển hàng hoá trong lòng chợ. Chợ đang chờ quyết định từ Thường vụ huyện ủy và sẽ mở trong 1-2 ngày tới. Ngày đầu tiên sẽ có khoảng 12 thương nhân. Việc mở lại điểm trung chuyển tại chợ này sẽ giúp nông sản được tiêu thụ tốt hơn.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cũng đề xuất tiếp tục triển khai kết nối với các hệ thống phân phối để có đánh giá, so sánh, tổng hợp nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, thành phố đã cho phép sàn thương mại điện tử cũng như doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hoạt động trở lại. Sắp tới, shipper sẽ được hoạt động liên quận, tạo điều kiện để người dân tiếp cận hàng hóa, giải quyết đầu ra cho người dân địa phương.
Theo ông Phương, 7 ngày thí điểm tại Bình Điền cho thấy lượng hàng tăng lên từng ngày, nếu ngày đầu chỉ hơn 10 tấn thì đêm 13/9 đạt hơn 100 tấn. Với kinh nghiệm triển khai thành công bước đầu ở chợ Bình Điền, có thể từ từ mở lại điểm tập kết tại các chợ khác.
Ý kiến ()