Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:41 (GMT +7)
Hệ thống Patriot của Mỹ có thể không mang lại nhiều lợi ích cho Ukraine
Thứ 5, 15/12/2022 | 22:32:50 [GMT +7] A A
Nhiều phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin Lầu Năm Góc đang hoàn thiện các kế hoạch gửi các hệ thống tên lửa đất đối không MIM-104 Patriot tới Ukraine. Ngoài các vấn đề về hậu cần và huấn luyện binh sĩ, giới chuyên gia đã hoài nghi về khả năng vận hành của hệ thống.
Theo đài Sputnik (Nga), sau khi hàng loạt phương tiện truyền thông Mỹ cho rằng Washington sắp chuyển giao “lá chắn thép” Patriot tới Kiev, hôm 14/12, Nhà Trắng vẫn không thể xác nhận kế hoạch này. Phát biểu với các phóng viên ở Washington, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố: “Khi sẵn sàng công bố thông tiết chi tiết, chúng tôi chắc chắn sẽ làm điều đó”.
Truyền thông Mỹ không tiết lộ Washington có khả năng gửi mẫu nào của hệ thống Patriot tới Ukraine. Nhưng giới chuyên gia suy đoán Kiev sẽ nhận được khẩu đội Patriot gắn trên xe tải gồm 4 bệ phóng, có khả năng mang tới 8 tên lửa đánh chặn PAC-3.
Quân đội Mỹ từng giới thiệu Patriot là hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa dẫn đường hàng đầu của nước này. Loại vũ khí này được biên chế từ những năm 1980 và kể từ đó đã được chuyển giao cho hơn 10 đồng minh của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Patriot được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên không - từ máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và hành trình, đến máy bay chiến đấu và trực thăng. Phạm vi hoạt động của chúng thay đổi linh hoạt - từ 90 km đối với PAC-1, 160 km đối với PAC-2, và từ 30 - 60 km đối với PAC-3/PAC-3MSE. Các tên lửa có độ cao triệt hạ mục tiêu tối đa hơn 24 km và hoạt động ở tốc độ từ Mach 2,8 đến Mach 4, đủ để đánh chặn hầu hết mọi vật thể trên lý thuyết.
Song việc cung cấp hệ thống vũ khí tiên tiến như vậy cho Ukraine, đặc biệt nếu chỉ với khẩu đội duy nhất, có thể gây khó khăn cho Kiev.
Màn thể hiện đáng ngờ ở Iraq
Mặc dù được triển khai rộng rãi - chỉ riêng Quân đội Mỹ đã sở hữu trên 1.100 bệ phóng trong kho, cùng chi phí đắt đỏ 1-6 triệu USD/mỗi tên lửa và 1 tỷ USD cho đạn PAC-2 bao gồm 8 bệ phóng, nhưng lịch sử hoạt động của Patriot chưa chứng minh chính xác đây là loại vũ khí đáng mua.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh vào tháng 2/1991, tên lửa Patriot đã thất bại trong việc theo dõi và đánh chặn tên lửa Scud của Iraq nhắm vào một căn cứ của Mỹ ở Saudi Arabia. Tên lửa Scud đã đánh trúng một doanh trại và khiến 28 lính Vệ binh Quốc gia Pennsylvania thiệt mạng, khiến 100 người khác bị thương. Raytheon và Lầu Năm Góc coi sự cố này là trục trặc phần mềm, phân loại hệ thống này là vũ khí “thần kỳ” với hiệu quả vượt trội.
Tuy nhiên, báo cáo được trình lên Ủy ban Phân bổ Chính phủ của Hạ viện Mỹ hồi tháng 10/1992 đã tiết lộ rằng theo chiến lược riêng của Quân đội, Patriot chỉ bắn trúng 9% số đầu đạn của tên lửa Scud tham chiến. Với tốc độ của Scud, “những hạn chế của hệ thống tên lửa Patriot – như thất bại và khó khăn trong việc xác định mục tiêu – góp phần “làm tăng tỷ lệ thất bại”.
Hiệu quả thấp ở Saudi Arabia
Saudi Arabia là có nhiều hệ thống Patriot. Nước này đã trang bị hàng chục hệ thống, hàng trăm tên lửa PAC-3 và liên tục kêu gọi Mỹ chuyển giao nhiều hơn nữa.
Bất chấp kho vũ khí khổng lồ, Saudi Araboa đã phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái liên tục từ phiến quân Houthi ở nước láng giềng Yemen. Với hầu hết các thiết bị phòng không mua từ Mỹ, Saudi Arabia dường như vẫn yếu thế trong việc ngăn chặn làn sóng tấn công của các tay súng này.
Năm 2019, các tay súng Houthi đã làm giảm khoảng một nửa sản lượng dầu của Saudi Arabia trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào sâu trong vùng trung tâm sản xuất dầu của nước này. Thời điểm đó, giới chức không tìm thấy hệ thống phòng thủ Patriot nào. Một năm trước đó, cuộc tấn công của Houthi vào Riyadh đã khiến 1 người thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Hệ thống Patriot được triển khai đã không thể chặn được các quả đạn đang bay tới mặc dù đã phóng ít nhất 5 tên lửa đánh chặn. Đến tháng 3/2022, kho dầu khổng lồ ở Jeddah của Saudi Aramco đã bị tấn công.
Sau vụ tấn công ở Riyadh năm 2018, ông Theodore Postol - nhà vật lý nổi tiếng tại Viện Công nghệ Massachusetts - cho biết: “Không có gì khác ngoài một chuỗi thảm họa liên tục với hệ thống vũ khí này”.
Thất bại ở Nhật Bản?
Vào tháng 8 và tháng 9/2017, Triều Tiên đã phóng thử hai tên lửa đạn đạo tầm xa bay qua đảo Hokkaido phía bắc Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Sau cuộc thử nghiệm, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã hỏi riêng Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shinzo Abe tại sao Tokyo – nơi có hệ thống phòng không tinh vi bao gồm 6 tiểu đoàn Patriot và 7 tàu chiến được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis – lại không thể đánh chặn được các tên lửa này?
Truyền thông Mỹ đã đưa ra một lời giải thích khá đơn giản về lý do tại sao Nhật Bản không sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để chống lại tên lửa của Triều Tiên. Đó là những tên lửa này bay ngoài tầm đánh chặn của lực lượng phòng thủ tên lửa và phòng không.
Mục tiêu thử nghiệm
Hệ thống tên lửa Patriot là một thiết bị phức tạp. Ngoài các bệ phóng, loại vũ khí này bao gồm một radar AN/MPQ-65 được thiết lập để quét tìm mục tiêu, một trung tâm điều hành/kiểm soát chiến đấu, cột ăng-ten cao 31 mét và hệ thống điện EPP-III di động bơm năng lượng từ hai động cơ diesel 150 kW. Patriot là loại tên lửa di động, có thể được triển khai và sẵn sàng khai hỏa trong khoảng 30 phút.
Tuy nhiên, không giống như các hệ thống phòng không tầm ngắn di động độc lập hoặc pháo - có thể bắn bổ sung tên lửa hoặc rocket trong 1-3 phút và sơ tán (theo chiến thuật “bắn và chạy”), Patriot không nhanh nhẹn như vậy.
Hơn nữa, do tập trung thành khẩu đội, vệ tinh của đối phương có thể dễ dàng phát hiện các hệ thống này, khiến chúng trở thành mục tiêu thường trực của những quốc gia sở hữu tên lửa có khả năng “né” hệ thống phòng thủ thông thường, thậm chí là những nước có đủ tên lửa hoặc máy bay không người lái thông thường để áp đảo hệ thống.
Do đó, nếu Mỹ chuyển giao tên lửa Patriot cho Ukraine, điều này có thể nhanh chóng trở thành cơ hội giúp Nga kiểm tra hiệu quả của tên lửa siêu thanh Kinzhal đối với “lá chắn thép” đầy uy lực của Washington. Trên thực tế, đó rất có thể là mục đích thực sự của việc Lầu Năm Góc triển khai hệ thống ở Ukraine ngay từ đầu.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()