Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:58 (GMT +7)
HDMI ARC – Optical: Sự khác biệt là gì? Cái nào tốt hơn?
Thứ 3, 04/10/2022 | 15:49:58 [GMT +7] A A
Các hệ thống giải trí gia đình hiện đại thường phải có sự kết hợp hoàn hảo giữa TV, máy chiếu, bộ thu, loa, soundbar và nhiều thành phần độc lập, được kết nối thông qua các sợi cáp. Chúng có khả năng phát những bộ phim Blu-ray, stream nhạc hay thậm chí là thế hệ gaming tiếp theo. Và giữa “mớ bòng bong” dây nhợ kia, cáp HDMI đang cố gắng kết nối mọi thứ âm thanh và hình ảnh lại với nhau. Tuy vậy, cũng đừng quên những sợi cáp Optical cũng có khả năng truyền tải tín hiệu kỹ thuật số.
Trước khi HDMI ARC xuất hiện, vốn tích hợp khả năng gửi âm thanh kỹ thuật số thông qua cùng một sợi cáp với video kỹ thuật số, Optical đã phổ biến và được sử dụng rộng rãi như một cách truyền tải âm thanh số từ A đến B. Nhưng nếu đã có 1 chiếc máy nghe nhạc kỹ thuật số, tại sao chúng ta lại cần đến HDMI ARC?
Là những giải pháp âm thanh một dây duy nhất cho các thiết bị ngoại vi A/V, HDMI ARC và Optical giống nhau về một số mặt, nhưng lại rất khác nhau về một số yếu tố. Vậy kết nối nào trong số những kết nối mới này là kết nối phù hợp cho bạn và rạp hát tại gia của bạn? Và làm cách nào để kết nối mọi thứ với nhau một cách chính xác?
Cuộc chiến khả năng âm thanh
Như đã đề cập, về cơ bản, cả HDMI ARC lẫn Optical đều cho phép chúng ta gửi âm thanh kỹ thuật số từ phần cứng này sang phần cứng khác. Về mặt ý tưởng, chúng có thể gửi bất kỳ nội dung kỹ thuật số nào bạn định thưởng thức – từ TV đến đầu đĩa Blu-ray và hệ thống chơi game – vào một hệ thống âm thanh to lớn hơn, tốt hơn mà không làm giảm bất kỳ chất lượng nào. Nếu không có truyền tải kỹ thuật số, chúng ta cần phải chuyển đổi mọi tín hiệu số đó thành tín hiệu analog (tương tự), và phần việc đó dành cho những bộ thu A/V hoặc soundbar của chúng ta.
Cho dù đang xem phim hay chương trình truyền hình thông qua TV hay sử dụng thiết bị streaming, bạn có thể coi TV là trung tâm chính, tức mọi thứ đều kết nối (hoặc được tích hợp sẵn) với TV, và hệ thống âm thanh riêng biệt sẽ là thiết bị mà bạn gửi âm thanh đến.
Chúng ta có 2 cách để gửi tín hiệu đó từ TV đến thiết bị âm thanh: thông qua HDMI ARC (hay thường viết tắt là ARC) và Optical.
Optical: Công nghệ cũ vẫn phù hợp
Được phát triển bởi Toshiba vào năm 1983, cáp quang kỹ thuật số (Optical) hướng đến mục đích truyền tín hiệu âm thanh kỹ thuật số từ đầu đĩa CD và Laserdisc đến bộ thu A/V hoặc hệ thống âm thanh stereo. Nhờ có cáp quang và đầu nối độc đáo của nó – được gọi là cổng kết nối TosLink (viết tắt của Toshiba Link) – lần đầu tiên người dùng có thể gửi tín hiệu âm thanh kỹ thuật số giữa 2 thành phần.
Tín hiệu kỹ thuật số đó được gọi là SPDIF (Sony/Philips Digital Interface), và nó có thể được gửi dọc theo cáp quang dưới dạng một chùm ánh sáng đỏ, hoặc có thể được truyền từ A đến B thông qua cáp đồng trục RCA tốt nếu thiết bị của bạn hỗ trợ nó.
SPDIF có thể cung cấp âm thanh 2 kênh stereo không nén, còn được gọi là PCM, cũng như những định dạng âm thanh vòm bitstream nén như Dolby Digital hoặc DTS Surround System. Nhưng SPDIF chưa bao giờ có ý định mang nhiều thông tin hơn những định dạng kỹ thuật số này yêu cầu và không có cách nào để nâng cấp nó. Thế nên, kết nối quang học (hoặc đồng trục) kỹ thuật số cũng khá hạn chế.
Optical không thể truyền các định dạng cần băng thông cao hơn như Digital Plus, Dolby TruHD, hay DTS:X bởi đơn giản là khả năng truyền tải tín hiệu của nó không thể đảm đương nổi. Điều đó đồng nghĩa rằng nếu bạn muốn có âm thanh vòm dựa trên đối tượng Dolby Atmos hay DTS:X thì sợi cáp Optical sẽ không hoạt động.
Dĩ nhiên, bạn vẫn có thể có được kết nối âm thanh không dựa trên đối tượng, tối đa Dolby Digital 7.1 hoặc DTS cơ bản, nhưng nếu muốn có trải nghiệm những định dạng nâng cao như Dolby Digital Plus, Dolby True HD hoặc DTS:X, bạn cần sử dụng HDMI ARC hay eARC. Ngoài ra, nếu bạn tình cờ gặp phải các định dạng như DVD-Audio hoặc SACD, bạn cũng cần tận dụng HDMI ARC cho chúng.
Và dẫu cáp quang kỹ thuật số bị giới hạn ở các định dạng cũ hơn này, điều đó không có nghĩa là nó có vẻ tệ. Bạn vẫn có thể có được âm thanh vòm chất lượng thực sự tốt khi sử dụng kết nối quang học. Do đó, nếu đó là lựa chọn duy nhất của bạn thì hãy sử dụng nó.
Trên thực tế, soundbar Sonos Ray mới chỉ cung cấp kết nối quang học (Optical) bởi nó không hỗ trợ Dolby Digital Plus, Dolby True HD hoặc DTS: X, vậy tại sao lại sử dụng HDMI ARC? Optical vẫn đang được sử dụng trong các sản phẩm mới ngày nay, nhưng nếu muốn có âm thanh vòm chất lượng hàng đầu và tích hợp khả năng tương lai thì HDMI ARC hoặc eARC sẽ là lựa chọn phù hợp.
Liệu ARC và eARC có khác biệt không?
ARC và eARC có sự khác biệt, tương tự sự khác nhau giữa Optical và HDMI ARC. Kể cả HDMI ARC khá tuyệt vời theo quan điểm cải thiện băng thông, kết nối này cũng gặp hạn chế. Nó có thể hỗ trợ Dolby Digital Plus. Đây là thứ mà hầu như mọi dịch vụ streaming ngày nay đều sử dụng để mang lại âm thanh vòm chất lượng cao, có hoặc không Dolby Atmos. Nhưng đó là thứ cuối cùng của nó.
Nếu muốn gửi các định dạng âm thanh kỹ thuật số băng thông rất cao như Dolby TrueHD, DTS:X, DTS-HD High Resolution Audio hoặc DTS-HD Master Audio từ TV đến thiết bị âm thanh của mình, bạn sẽ cần thêm khả năng bổ sung từ HDMI eARC. Và dẫu hầu hết mọi cáp HDMI có hỗ trợ ARC cũng hỗ trợ cả eARC, thế nhưng, điều đó không đúng với mọi thành phần mà bạn sẽ kết nối. Hãy đảm bảo rằng cả TV của bạn lẫn những thiết bị đã kết nối có kết nối HDMI eARC trên các cổng tương tương ứng, nếu không, nó có thể không hoạt động.
HDMI ARC: điều khiển từ xa
Bên cạnh chất lượng âm thanh nâng cao, việc sử dụng kết nối HDMI ARC cho phép bạn tận dụng HDMI CEC (Consumer Electronics Control), cho phép bạn thay đổi âm lượng của soundbar hoặc bộ thu A/V bằng những nút âm lượng trên điều khiển từ xa của TV, khiến mọi thứ trong hệ thống có thể được bật hoặc tắt cùng một lúc chỉ bằng một nút nguồn hay thực hiện các thao tác thông minh khác.
Nói một cách đơn giản, nếu có tùy chọn sử dụng HDMI ARC (hoặc eARC) giữa các thiết bị của mình, hãy sử dụng tùy chọn này để có trải nghiệm rạp hát tại gia được tối ưu ưu hóa nhất.
Mang đến khả năng nghe và thấy đồng thời
Dù điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng có một yếu tố chính mà HDMI có thể thực hiện được trong khi Optical không có, đó chính là khả năng gửi cả âm thanh lẫn hình ảnh kỹ thuật số từ vô số nguồn đến TV, máy chiếu hoặc bộ thu A/V của bạn. Mặt khác, kết nối quang kỹ thuật số chỉ có khả năng truyền âm thanh từ thành phần này sang thành phần khác.
HDMI luôn sở hữu khả năng gửi video và âm thanh kỹ thuật số từ 1 thành phần đến chiếc TV của bạn, nhưng điều kỳ diệu thực sự liên quan đến việc bổ sung ARC/eARC chính là cùng một loại cáp có thể được sử dụng để gửi âm thanh kỹ thuật số ngược trở lại cùng một thành phần từ TV. Thế nên, một sợi cáp có thể có khả năng truyền tải đến 3 tín hiệu.
Sử dụng cáp Optical và HDMI như thế nào?
Việc kết nối cả 2 loại dây này khá dễ dàng, dù quá trình kết nối HDMI (và Optical) sẽ yêu cầu một vài tinh chỉnh trong những thiết lập TV hoặc bộ thu của bạn.
Với cáp quang, chỉ cần cắm 1 đầu cáp vào TV hoặc đầu xuất quang của một thành phần độc lập và đầu kia được cắm vào đầu quang của bộ thu A/V hoặc soundbar.
Với HDMI, chỉ cần kết nối một cầu cáp với cổng HDMI được đánh dấu ARC (hoặc eARC) trên bộ thu A/V hoặc sounbar và đầu kia được đánh dấu ARC (hoặc eARC) trên chiếc TV của bạn. Tuy nhiên, bạn cần thiết lập đầu ra âm thanh và chọn HDMI ARC hoặc Optical.
Đối với những người sử dụng kết nối quang học, bạn sẽ cần tiến thêm một bước nữa và chọn PCM hoặc bitstream. Chọn PCM nếu bạn có soundbar 2 kênh, ngay cả khi nó phát ra âm thanh vòm giả, ảo. Và chọn bitstream nếu bạn có soundbar âm thanh vòm giải mã Dolby hoặc DTS để nó nhận được tín hiệu âm thanh vòm phù hợp.
Nói chung, nếu có HDMI ARC trên TV và thiết bị âm thanh của mình, tốt nhất là bạn nên tận dụng nó thay vì Optical bởi những sự ưu việt và cải tiến của nó.
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()