Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:16 (GMT +7)
Hãy luôn là người dùng thông thái trên mạng xã hội
Thứ 3, 11/04/2023 | 08:46:58 [GMT +7] A A
Xã hội ngày càng phát triển, việc sử dụng các loại thiết bị điện thoại thông minh phục vụ cho công việc, cuộc sống ngày càng nhiều. Sự nở rộ của các app chỉnh sửa hình ảnh trên điện thoại vừa tiện dụng, vừa đáp ứng nhu cầu sống ảo trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cùng với nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân ngày càng nhiều, điều này đã tạo cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để đánh cắp dữ liệu cá nhân, dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo với nhiều phương thức ngày càng tinh vi.
Dùng deepfake, giả người thân để vay tiền
Nổi lên trong những ngày gần đây, video Deepfake là một phương pháp AI tiên tiến sử dụng nhiều lớp thuật toán máy học (machine-learning) để học hỏi từ dữ liệu phi cấu trúc như khuôn mặt con người, chuyển động vật lý và giọng nói. Những hình ảnh giả mạo ngày càng trở nên thuyết phục. Điều này làm cho Deepfake trở thành một mối đe dọa mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ngày 27/03/2023, bà P.T.V (56 tuổi, trú tại TP. Hạ Long) nhận được tin nhắn qua ứng dụng Messenger từ tài khoản của một người bạn với nội dung hỏi vay 75 triệu đồng. Khi đọc tin nhắn, bà P.T.V đã gọi video để hỏi rõ về việc vay tiền, phía đầu dây bên kia hiện lên khuôn mặt và giọng nói của bạn mình, tuy nhiên âm thanh khó nghe, hình ảnh bị nhòe giống như sóng yếu. Do nghi ngờ, bà V đã tìm đến chuyên gia và xác định tài khoản Facebook đó đã bị "hack", video trên là giả mạo.
Vụ việc trên là một trong rất nhiều trường hợp đã xảy ra liên tục trong thời gian vừa qua; đây là thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đối tượng thu thập rồi lợi dụng các video hay ảnh đã từng được người dùng đưa lên mạng, rồi dùng app Deepfake để tạo ra clip mà người trong ảnh sẽ có các cử động khuôn mặt, máy môi giống như đang nói chuyện.
Theo các chuyên gia, dấu hiệu để nhận biết và phòng tránh cuộc gọi Deepfake, đó là khuôn mặt của nhân vật trong video thiếu tính cảm xúc và khá "trơ" khi nói, hoặc tư thế lúng túng, hoặc hướng đầu và cơ thể của nhân vật trong video không nhất quán với nhau. Màu da, ánh sáng, bóng của nhân vật, âm thanh trong video call cũng là những điểm cho thấy dấu hiệu giả tạo và không tự nhiên. Kết thúc các cuộc gọi video thường là giữa chừng, với lý do mất sóng, sóng yếu... Những điều này có thể sẽ là điểm rất đáng nghi ngờ, người dùng nên dừng lại để suy nghĩ.
Yêu nhầm kẻ lừa đảo, tiền mất tình tan
Thủ đoạn này không mới, truyền thông đã cảnh báo nhiều nhưng với sự tinh vi ngày càng tăng của các đối tượng, nhiều người vẫn tiếp tục dính bẫy, trở thành nạn nhân của việc "lừa tình" rồi lừa tiền ở tầm cao mới.
1 tỷ đồng, đó là số tiền mà anh N.K.V (SN 1980, trú tại Vân Đồn) bị lừa trong suốt thời gian từ tháng 1-3/2023, từ một người vốn là "bạn tâm giao" trên mạng xã hội Facebook. Công việc đặc thù vốn lênh đênh trên biển dài ngày, ngoài những lúc bận rộn, anh V thường dành thời gian online, khi thì đọc tin tức, lúc lại chat với bạn bè. Vì xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, lâu dần, anh nảy sinh tình cảm với một chủ tài khoản là một cô gái trẻ xinh đẹp. Những cuộc gọi tâm tình, những tin nhắn yêu thương được trao đổi giữa hai người ngày càng thường xuyên. Thế rồi, dần dần, anh được dẫn dụ tham gia đầu tư tài chính trên các sàn giao dịch “ảo” tên OKX, Tidex, CoinJab. Không hề nghi ngờ, anh V đã nhiều lần chuyển khoản, cứ mỗi lần số tiền cần "đầu tư" vào lại nhiều hơn lần trước, tổng số tiền lên đến 1 tỷ đồng. Chỉ đến khi muốn rút tiền ra mà không được, vì liên tục bị "sai lệnh"..., liên hệ lại "người yêu" không được, anh V mới tá hỏa biết mình bị lừa.
Theo Thượng úy Phạm Quang Lộc, Đội phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm TTATXH, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh), thủ đoạn chung của các đối tượng là tạo lập các tài khoản Facebook “ảo” có profile (hồ sơ cá nhân) sang chảnh, giàu có, công việc ổn định rồi kết bạn, làm quen với nạn nhân. Đối tượng tập trung vào nạn nhân là những người đang cô đơn, thiếu thốn tình cảm hoặc có vấn đề về gia đình, công việc, thường xuyên nhắn tin chia sẻ, hỏi han, quan tâm. Rất nhiều vụ việc như thế này, khi điều tra ra, đối tượng lừa đảo thường là sinh sống, thực hiện cuộc gọi từ nước ngoài, vì thế, rất khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt.
Khi nạn nhân đã tin tưởng hoặc nảy sinh tình cảm, đối tượng tiếp tục giới thiệu là các chuyên gia tài chính, hứa hẹn sẽ giúp họ làm giàu nhanh chóng với lãi suất khổng lồ, thậm chí còn hỗ trợ nạn nhân tiền để tham gia đầu tư. Sau đó, đối tượng gửi đường link sàn giao dịch tiền ảo cho nạn nhân tải về, hướng dẫn họ tạo tài khoản và vào lệnh, mỗi lệnh thời gian đầu tư thường là 30 giây kết thúc phiên giao dịch (lợi nhuận là 20% số tiền đầu tư) hoặc 3 ngày kết thúc phiên giao dịch (lợi nhuận là 60% số tiền đầu tư). Phần trăm lợi nhuận tỷ lệ thuận với số tiền và thời gian đầu tư, chính vì thế, đã đánh trực tiếp vào tâm lý, lòng tham của con người. Cuối cùng, nạn nhân sau khi "đầu tư" số tiền lớn, sẽ không thể rút ra được và hoàn toàn bị chiếm đoạt.
Cẩn thận "thủng ví" khi được mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng
Với hình thức lừa đảo này, đối tượng thường tập trung vào những chủ thẻ tín dụng, đặc biệt là các thẻ mới mở, kinh nghiệm sử dụng chưa nhiều.
Chị N.H.N (TP Hạ Long) đã rất nhiều lần phàn nàn với bạn bè về việc nhận được các cuộc gọi tự xưng là nhân viên của một ngân hàng thương mại điện tử, hỗ trợ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc vay tiền online với lãi suất thấp.
"Có ngày, tôi nhận được tổng cộng 3 cuộc điện thoại như thế, phiền phức vô cùng. Tôi đã nghĩ là nhân viên ngân hàng thật, và sau khi tiếp chuyện, tôi đề nghị họ gạch tên tôi khỏi danh sách khách hàng tiềm năng, vì tôi không có nhu cầu vay tiền hay rút tiền. Đó là khoảng thời gian tôi mới kích hoạt thẻ tín dụng được khoảng 1 tháng" - chị N chia sẻ. Sau khi phản ánh lên tổng đài ngân hàng về tình trạng bị làm phiền, được ngân hàng khẳng định đó hoàn toàn là cuộc gọi lừa đảo, chị N mới thở phào vì mình không dính bẫy.
Rất nhiều khách hàng của các ngân hàng đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này, hoặc bị làm phiền, giống như chị N. Sau khi chủ thẻ đồng ý, sẽ nhận được 1 mã hợp đồng gửi đến số điện thoại và yêu cầu cung cấp thông tin như: Mã xác thực thẻ (CVV), số thẻ, mã OTP… Khi khách hàng cung cấp các mã số này, các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…
Theo đại diện các ngân hàng, các lời mời chào hỗ trợ dịch vụ phát hành thẻ tín dụng, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, nâng hạn mức thẻ tín dụng hoặc tư vấn cho chủ thẻ chuyển đổi giao dịch thành khoản trả góp với mức phí, lãi suất thấp... từ các cuộc gọi tự xưng là nhân viên ngân hàng, đều là các cuộc gọi lừa đảo.
Rộ cuộc gọi dọa “khóa thuê bao điện thoại”
Trước thông tin sau ngày 31/3/2023, các thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin dữ liệu dân cư sẽ bị khóa; khiến cho hình thức lừa đảo bằng cách gửi các tin nhắn giả mạo, lừa đảo kích hoạt lại SIM, đăng ký lại thông tin để chiếm quyền sử dụng có chiều hướng gia tăng.
Rất nhiều người đã liên tục nhận được các cuộc gọi với nội dung thông báo sẽ bị cắt sử dụng dịch vụ sau 1-2 giờ do thông tin thuê bao không chính chủ và để giải quyết cần liên hệ tới số điện thoại “tổng đài” do đối tượng cung cấp.
Khi gọi lại số điện thoại trên, phía đầu dây bên kia yêu cầu khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như: Họ tên, địa chỉ, số CMND/CCCD… để được hỗ trợ kỹ thuật. Sau đó, ngay lập tức các đối tượng sẽ hướng dẫn khách hàng làm các bước tiếp theo như thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi… để chiếm quyền nhận cuộc gọi; rồi đăng nhập ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của người dùng và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tiền trong tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử của khách hàng.
Hãy luôn tỉnh táo
Để không trở thành nạn nhân của các đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa đảo trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link, trang web lạ khi chưa tìm hiểu kỹ để tránh bị đánh cắp tài khoản mạng xã hội; khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi video vay tiền từ người quen trên mạng xã hội, người được hỏi vay cần chủ động tạo ra các cuộc gọi video call lâu hơn để xác minh danh tính người gọi hoặc gọi điện trực tiếp qua số điện thoại quen thuộc của người đó để xác nhận.
Thượng tá Đinh Ngọc Văn, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh) khẳng định: Các đối tượng thường dùng chiến thuật thao túng tâm lý, khai thác trí tò mò, lòng tham của con người, hoặc dồn nạn nhân vào các tình huống khẩn cấp, không có thời gian suy nghĩ, cân nhắc. Vì thế, người dân cần luôn cảnh giác với các lời mời kết bạn làm quen, tán tỉnh qua mạng xã hội rồi giới thiệu, hướng dẫn tham gia đầu tư tài chính trên các sàn giao dịch tiền ảo. Đối với tất cả các lời mời chào tự xưng là người của ngân hàng, của các công ty tài chính, các sàn thương mại điện tử, các công ty viễn thông..., cần xác minh lại bằng cách gọi điện đến số điện thoại tổng đài. Đồng thời, thường xuyên cảnh giác, khi thấy các yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hoặc xác thực bằng cách nhấp vào các đường link, cung cấp mã OTP, chuyển tiền đóng các loại phí..., tuyệt đối không làm theo bất kỳ thông tin nào của các cuộc gọi.
Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi), chặn cuộc gọi từ các đầu số lạ, đầu số không ở Việt Nam và trình báo đến cơ quan Công an cấp huyện nơi mình cư trú để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()