Tất cả chuyên mục

Cụm thi đại học năm nay lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Ninh tạo điều kiện cho các sĩ tử của tỉnh rút ngắn được quãng đường di chuyển đến trường thi. Nhưng địa điểm mới cũng khiến các thí sinh, phụ huynh phải đôn đáo lo chỗ ăn, nghỉ khi đi thi...
Khu ký túc xá của Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng (TP Uông Bí) thu hút khoảng 300 thí sinh và người nhà ở trong thời gian dự thi. |
Giảm “nóng” điểm nghỉ
Tôi gặp Lý Thanh Tài, 23 tuổi ở xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) tại khu trọ miễn phí cho thí sinh của gia đình chị Đoàn Thị Hảo ở thôn Yên Hoà, xã Yên Thọ (TX Đông Triều). Tài là sinh viên vừa ra trường, đưa em gái đi thi tại điểm Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh. Tài bảo: “Khi đến làm thủ tục tại trường, các sinh viên tình nguyện đã tư vấn cho hai anh em về địa điểm nghỉ trong những ngày thi, với nhiều lựa chọn, như phòng có điều hoà, phòng trọ bình dân hay phòng ở miễn phí của những người làm tình nguyện. Em nghĩ là vào ký túc xá (KTX) đông người, nên khi được giới thiệu vào đây, thấy phòng rộng rãi, điện nước đầy đủ, chủ nhà vui vẻ, thoải mái, em lựa chọn luôn”.
Tài và em gái là 2 trong số hơn chục thí sinh, người nhà chọn khu trọ miễn phí này để tá túc những ngày thi. Chị Hảo, chủ khu trọ này chia sẻ với chúng tôi, những năm trước khi sinh viên trọ ở gia đình chị về nghỉ hè thường đưa anh, chị, em, bạn bè đến ở khi thi vào trường này, chị cũng thường không lấy tiền trọ. Năm nay, qua nhóm sinh viên tình nguyện của trường, chị cũng bảo các cháu là trường hợp nào khó khăn, cần điểm nghỉ trọ những ngày thi cứ đưa vào đây, chị cho nghỉ miễn phí, kể cả tiền điện, nước...
Anh Nguyễn Ngọc Hiền, chủ cơ sở sinh vật cảnh Ngọc Hiền, hiện đang đầu tư khu Không gian xanh dành cho ẩm thực, cà phê tại Công viên Sinh viên (TP Uông Bí) thì dành hẳn phòng bán cà phê hơn 100m2 để hỗ trợ cho các thí sinh khó khăn về dự kỳ thi THPT quốc gia. Không chỉ hỗ trợ về chỗ nghỉ, anh bao luôn việc ăn uống trong những ngày thi của các em. Anh cho biết, các sinh viên tình nguyện đưa đến đây 2 em ở Bình Liêu có hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; anh bố trí ở chung với 3 em nữa do điều kiện gia đình không tìm được chỗ ở, tới nhờ sự hỗ trợ của anh. Chị Nguyệt Minh, mẹ của một thí sinh tại TP Hạ Long, chia sẻ: “Ở đây, không gian rất đẹp, các cháu được ngủ mát vì phòng có điều hoà, được lo ăn uống đầy đủ 3 bữa, chủ nhà còn để sẵn mì gói, nước nóng cho các cháu ăn khuya nữa. Khi đi xa thì gia đình cũng khó mà lo được chu đáo như thế!”.
Không gian xanh tại khu Công viên Sinh viên, nơi anh Nguyễn Ngọc Hiền làm chủ đầu tư đã hỗ trợ chỗ ở cho các thí sinh và người nhà trong thời gian tham gia kỳ thi. |
Các khu KTX của các trường cũng là một lựa chọn cho hệ thống phòng nghỉ giá rẻ trong những ngày thi của các sĩ tử. Như tại Trường Đại học Hạ Long cơ sở 1 và Đại học Ngoại thương cơ sở 2 có 300 phòng KTX cho thí sinh và người nhà các huyện miền Đông, hoàn cảnh khó khăn ở miễn phí. KTX của Đại học Công nghiệp Quảng Ninh dành 1 tầng với 8 phòng hỗ trợ hơn 30 học sinh khó khăn ở miễn phí (kỳ thi này chỉ có 4 học sinh đăng ký ở); 3 tầng với hơn 20 phòng đảm bảo cho hơn 100 người ở, dành cho các đối tượng khác, ghép 4 người/phòng, thu phí với mức 100.000 đồng/người cả đợt thi. Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng có hơn 160 phòng, cho khoảng 300 người ở trong kỳ thi này. Nhiều người phấn khởi vì nhà trường chỉ thu phí điện, nước, vệ sinh 200.000 đồng/phòng cả kỳ thi, trong khi mỗi phòng có thể ở từ 2 đến 6 người (do gia đình thí sinh tự thoả thuận với nhau), phòng có đầy đủ điện, nước, quạt trần, bình nóng lạnh, vệ sinh khép kín. Phòng tại Trường Quân sự tỉnh cũng được thí sinh, phụ huynh nhận xét là rộng rãi, thoáng mát, nhưng có mức phí cao hơn...
Như vậy, các trường, đơn vị đã có nhiều giải pháp để giảm “nóng” nỗi lo điểm nghỉ cho thí sinh, người nhà khi về Uông Bí, Đông Triều tham gia kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi đại học, nhất là với các gia đình khó khăn. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, những điểm nghỉ “free”, giá rẻ không được nhiều người lựa chọn. Như 2 điểm nhà ở cá nhân kể trên hoàn toàn có thể ở thêm cả chục người mỗi điểm. KTX các trường nơi diễn ra kỳ thi, Trường Quân sự tỉnh còn không ít phòng trống, nhiều phòng có giường cho 4 người mới chỉ ở 2 người; ngay cả các phòng dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng còn thừa khá nhiều. Một phần là do tâm lý e ngại, một phần do không nắm được đầy đủ thông tin; nhưng phần đông là do phụ huynh, thí sinh muốn lựa chọn điểm nghỉ riêng để tiện việc nghỉ ngơi, ôn luyện trong những ngày thi. Nhiều phụ huynh ở TX Đông Triều cũng lựa chọn việc tìm phòng trọ trong mấy ngày thi thay vì phải đi, về trong ngày. Dịch vụ nhà trọ phục vụ những ngày thi vì vậy tương đối đắt khách...
Nỗi lo muôn thuở
Chị Trương Thị Dung ở TP Móng Cái chia sẻ với mọi người, trong đó có phóng viên, câu chuyện của mình: Giữa tháng 6, ngay sau khi biết con mình sẽ thi tại Trường Đại học Hạ Long, chị đôn đáo giục chồng, em chồng đi tìm phòng nghỉ trước vì sợ không còn phòng. Cuối cùng, gia đình chị chọn một nhà nghỉ gần trường thi với giá 3 triệu đồng/kỳ thi. Chị vui vẻ bảo: “Nếu là thi ở Hải Phòng, Hà Nội hay Hạ Long thì nhiều điểm nghỉ, chả phải lo. Nghe bảo thi ở Uông Bí, trường thì giáp quốc lộ, xung quanh đồng không mông quạnh, không thấy có nhà nghỉ, khách sạn mấy, nên chúng tôi lo lắm. Lại nghe đồn giá cả mỗi ngày cả triệu/phòng cũng không có mà thuê, nên khi thấy chồng bảo 3 triệu, tôi gật luôn. Tôi là cứ lo xa trước, đắt cũng không chê, nhà nghỉ chất lượng không tốt lắm, nhưng đi thi có chỗ nghỉ là được rồi...”.
Khu nhà trọ của gia đình chị Đoàn Thị Hảo (xã Yên Thọ, TX Đông Triều) - một trong không nhiều điểm nhà trọ hỗ trợ thí sinh và người nhà ở miễn phí trong thời gian dự thi. |
Không phải gia đình thí sinh nào cũng có điều kiện và sẵn sàng chi như chị Dung, nhưng tâm lý lo ngại về điểm ăn, nghỉ của thí sinh, người nhà trong những ngày thi là tâm lý chung. Vì vậy, chị Nguyễn Thị Chinh cũng ở TP Móng Cái đã phải cùng con bắt xe đêm về Uông Bí từ ngày 28-6. 3h sáng đến Uông Bí, gặp trời mưa to, mẹ con chị phải trú tạm vào “cây” ATM đặt gần trường. Chị bảo: “Bảo vệ trường thấy chúng tôi tưởng trộm chạy ra, biết là thí sinh đi thi liền đưa vào trường tìm chỗ nghỉ ngơi cho đến sáng. Tôi cũng biết là có KTX, nhưng muốn ra ngoài tìm phòng trọ, vì ngại ở đông người. Hôm sau, tôi đã tìm được chỗ ở”.
Giá cả các dịch vụ ăn uống, ở trọ cao hay thấp tương ứng với chất lượng đi kèm. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, các chủ nhà trọ, nhà nghỉ cho thuê theo đợt thi với giá dao động từ 200.000 đến 500.000 đồng/phòng dành cho điểm nghỉ không có điều hoà; 800.000 đến 2 triệu, 3 triệu đồng dành cho phòng nghỉ có điều hoà. Nhiều gia đình lựa chọn phòng bình dân với giá thuê trung bình 500.000 đồng/phòng cho cả đợt thi. Đây cũng là những phòng ở của sinh viên các trường, hiện là nghỉ hè nên hầu hết để trống.
Đưa con đi thi, nỗi lo nhà trọ là muôn thuở của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế nhà nghỉ trọ trong kỳ thi này xem ra không quá căng thẳng. 2 ngày đầu tiên của kỳ thi cũng là thời điểm tập trung đông thí sinh, người nhà nhất, thì các điểm nghỉ vẫn còn không ít, kể cả là các phòng trọ ở gần trường thi.
Các thí sinh tranh thủ ôn bài tại căn phòng được anh Nguyễn Ngọc Hiền bố trí hỗ trợ thí sinh trong thời gian dự thi, tại khu Công viên Sinh viên, phường Nam Khê, TP Uông Bí. |
Tháng 7 - mùa thi thường rơi vào những ngày cao điểm nắng nóng. Đó cũng là nỗi lo thường trực của sĩ tử, người thân khi phải xa nhà, ở trọ, nhất là với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, những cơn mưa về đêm, đầu giờ sáng, cuối giờ chiều những ngày thi vừa qua đã khiến nhiều phụ huynh mừng hơn là lo, vì họ chỉ phải cố gắng giữ không bị ướt mưa, đưa con đến trường đúng giờ, nhưng bù lại cả ngày thi của con em được hưởng không khí tương đối mát mẻ. Không chỉ thời tiết, màu áo xanh tình nguyện với sự nhiệt tình, chu đáo và những người dân thân thiện nơi đây cũng khiến không khí ngày thi tại các điểm trường bớt nóng hơn. Chị Đỗ Thị Thuỷ, một phụ huynh ở TP Móng Cái, chia sẻ: “Mẹ con tôi đón xe khách tới Trường Đại học Hạ Long, ngay khi xuống xe là các bạn sinh viên tình nguyện đến hỏi han, giúp xách đồ, hướng dẫn tìm chỗ ăn, nghỉ và các thủ tục dự thi đều rất chu đáo. Chủ nhà trọ ở đây cũng rất tốt tính, dễ chịu với khách...”.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết, việc lựa chọn Đông Triều, Uông Bí để tổ chức cụm thi đại học: Cụm thi Đại học tại Quảng Ninh do Trường Đại học Ngoại thương chủ trì, quyết định địa điểm thi trên cơ sở giới thiệu của Sở GD-ĐT, báo cáo tỉnh để quyết định. Việc lựa chọn này trên cơ sở kết quả khảo sát kỹ theo các tiêu chí. Đó là phải có đủ phòng, đủ trường đảm bảo các điều kiện để tổ chức thi; đi lại tương đối thuận tiện và đảm bảo điều kiện ăn, ở của thí sinh, phụ huynh. TP Hạ Long không có trường thi nào như Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng, như Đại học Hạ Long cơ sở 1. Bốn địa điểm tổ chức thi cộng với Trường Quân sự, qua khảo sát có 2.000 chỗ ở nội trú, điều mà các trường ở Hạ Long không có được. Đúng là nếu chỉ riêng về chỗ ở thì Hạ Long tốt hơn vì có nhiều nhà nghỉ, khách sạn. Nhưng tiêu chí về phòng ốc đảm bảo điều kiện để tổ chức thi thì Uông Bí, Đông Triều lại đáp ứng được, đây là tiêu chí phải quan tâm đầu tiên...
Phan Hằng
Ý kiến ()