Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:48 (GMT +7)
Hậu Covid-19: Tập thể thao như thế nào mới tốt?
Thứ 4, 13/04/2022 | 09:58:15 [GMT +7] A A
Sau mắc Covid-19, nhiều người muốn nhanh chóng tập luyện trở lại để nâng cao sức khỏe. Để an toàn, mọi người không nên tập quá sức, khi nhịp tim tăng lên quá 70-80% nhịp tim tối đa thì nên dừng lại.
PGS.TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết tùy theo bệnh lý nền và tình trạng sức khỏe của từng cá nhân mà mỗi người có mức độ nhiễm virus SARS-CoV-2 khác nhau và để lại di chứng ở mức độ khác nhau. Thông thường bệnh để lại di chứng ở cơ quan hô hấp- phổi, di chứng ở tim mạch, thần kinh, thận, não, cơ xương khớp và thậm chí cơ quan sinh dục…
Để hồi phục các di chứng này, gọi là triệu chứng hậu Covid-19, người dân cần đi khám để xác định mức độ hậu quả của di chứng. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định điều trị phù hợp về phác đồ trong dùng thuốc ăn uống (thực dưỡng), tập luyện và thư giãn an thần (bằng dùng thuốc hoặc tập thiền, yoga, xông hơi, massage, thủy trị liệu…).
Trước đây, việc kê đơn tập luyện được áp dụng cho các bệnh lý khác nhau để phục hồi chức năng của các cơ quan, tổ chức bị di chứng. Theo PGS Kha, điều cần lưu ý là việc này phải căn cứ vào tình trạng thể lực, mức độ bệnh của các cơ quan, tổ chức từ đó mới chọn bài tập và lượng vận động phù hợp. Có thể là bài tập thả lỏng, bài tập thở, bài tập vận động, cũng có thể là bài tập tĩnh như thiền, yoga.
Để xác định lượng vận động, cường độ luyện tập, tần suất, thời gian vận động (trong một ngày là bao nhiêu lần, một tuần là bao nhiều lần, một lần tập kéo dài bao nhiêu phút, trở kháng là bao nhiêu)… cần có sự hỗ trợ của bác sĩ thể thao, bác sĩ phục hồi chức năng hoặc huấn luyện viên của môn tập đó trên cơ sở tình hình sức khỏe bệnh lý và mức độ di chứng để lại.
Hiện nay có nhiều công cụ, phương pháp để xác định lượng, cường độ, tần suất và thời gian vận động.
Thứ nhất là phương pháp phổ thông ai cũng có thể làm được đó là tự kiểm tra, cần 2 thông số là nhịp tim bình thường và mạch đập (nhịp tim) tối đa.
Cụ thể, một người trưởng thành khi mới ngủ dậy ở trạng thái yên tĩnh nhịp tim sẽ là khoảng 60-80 lần/phút. Để tính nhịp tim tối đa, cách đơn giản nhất là lấy 220 trừ số tuổi với nam và 226 trừ số tuổi với nữ. Ví dụ một người đàn ông 40 tuổi, nhịp tim tối đa trung bình sẽ là 220-40=180 (lần/phút).
"Như vậy, một người khi tập chỉ được phép đạt 70-80% nhịp tim tối đa này thì mới có hiệu quả. Nếu nhịp tim tăng quá có thể gây tai biến, kiệt sức, tức ngực, khó thở, choáng, ngất, thiếu máu cơ tim… Không đạt nhịp tim dự kiến có nghĩa lượng vận động không đủ để có tác dụng cải thiện chức năng cần phục hồi. Trong quá trình tập, bạn có thể đo, đếm mạch, nếu thấy cao hơn 70-80% nhịp tim tối đa, nên dừng lại", PGS Kha nhấn mạnh.
Cách thứ 2 là dùng các thiết bị cận lâm sàng, chụp X-quang tim phổi xem phổi có tổn thương, CT tim phổi, đo thông khí phổi để biết các thể tích hô hấp, hít vào-thở ra của người bệnh, điện tim, siêu âm tim để xem chức năng của tim.... Một thiết bị cao cấp hơn là làm liệu pháp gắng sức tim phổi ở trạng thái vận động (70-80% của mạch tối đa), cho ta biết năng lực gắng sức của tim và phổi có đạt được như mục tiêu đặt ra. Nếu cường độ, lượng vận động quá mức, thường nhịp tim sẽ vượt 80% nhịp tim tối đa. Khi đó, cơ thể xuất hiện khó thở, đau tức ngực, tụt hay tăng huyết áp, mạch nhanh hơn… Thiết bị này chuyên dùng để kiểm tra tình trạng, trình độ thể lực cho các vận động viên thể thao.
Tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam, các bác sĩ cũng sử dụng hệ thống đánh giá tim- phổi gắng sức để kiểm tình trạng thể lực và mức độ di chứng cho bệnh nhân hậu Covid-19, làm cơ sở điều trị các di chứng hậu Covid-19 đạt hiệu quả cao.
"Tập luyện vốn tốt cho sức khỏe nhưng nếu tập không đúng, quá sức lại gây hại, gây khó thở, tức ngực, thiếu máu cơ tim dẫn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí tăng huyết áp, tụt huyết áp… Có thể trước đây, bài tập như thế là bình thường, nhưng sau khi mắc Covid-19 bài tập như thế lại là quá sức. Điều này là do tim, phổi bị di chứng nhưng công năng chưa kịp hồi phục", PGS Kha nhấn mạnh.
Vì thế, chuyên gia khuyên sau mỗi lần tập, sau mỗi ngày tập, mọi người cần kiểm tra lại xem lượng vận động, tần suất và thời gian của bài tập như thế đã phù hợp chưa, để điều chỉnh tăng hoặc giảm cường độ, lượng vận động, thời gian, tần suất của bài tập. Khi cơ thể thích ứng đáp ứng với tăng dần cường độ, lượng vận động, thời gian và độ khó của bài tập lên, chứng tỏ công năng của cơ quan tổ chức đã dần hồi phục, mà trước tiên là sự cải thiện phục hồi tim phổi. Theo dõi, đếm mạch hàng ngày, trước trong và sau khi tập là cách kiểm soát cường độ, lượng vận động, thời gian, tần suất của bài tập đơn giản ai cũng thực hiện được.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()