Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:20 (GMT +7)
Hậu Covid-19: Người bệnh có thể bị đột quỵ, đau tim. Nên làm gì để cải thiện?
Thứ 3, 16/08/2022 | 14:06:35 [GMT +7] A A
Mỗi người lại có những biến chứng hậu Covid-19 khác nhau. Trong đó, nhiều người có khả năng bị đột quỵ, đau tim.
Nhiều người bị hậu covid với các biến chứng thần kinh, mất vị giác và khứu giác, khó tập trung ("sương mù não") và mệt mỏi mãn tính. Một phát hiện đáng ngạc nhiên khác từ một số nghiên cứu là nguy cơ đột quỵ và đau tim tăng cao - và không chỉ đối với người lớn tuổi. Những người dưới 50 tuổi cũng có nguy cơ mắc các biến chứng này cao hơn nhiều.
1. Nhiều nghiên cứu chỉ ra hậu Covid-19 có thể gây đột quỵ, đau tim
Một nghiên cứu được công bố trên JAMA vào tháng 4 năm 2021 cho thấy nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân COVID-19 cao hơn gấp đôi so với những người ở cùng độ tuổi, giới tính.
Trong một nghiên cứu khác của Thụy Điển được công bố trên tạp chí The Lancet ngày 14 tháng 8 năm 2021, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong vòng một tuần sau khi được chẩn đoán COVID-19, nguy cơ đau tim của một người cao gấp 3 đến 8 lần so với bình thường và nguy cơ đột quỵ của họ là cao hơn từ ba đến sáu lần. Nghiên cứu cho thấy những rủi ro này vẫn ở mức cao trong ít nhất một tháng. Độ tuổi trung bình của những người trong nghiên cứu chỉ là 48 tuổi.
Một nhóm các nhà nghiên cứu đứng đầu bởi Mark Ellul, Tiến sĩ, Giảng viên Lâm sàng NIHR về Thần kinh học tại Viện Nhiễm trùng, Thú y và Khoa học Sinh thái từ Đại học Liverpool, lần đầu tiên quan sát điều này vào tháng 9 năm 2020. Họ phát hiện ra rằng số lượng bệnh nhân nhập viện, người bị đột quỵ mạch máu cũng có chẩn đoán COVID-19 cao gấp bảy lần so với bình thường.
Một nghiên cứu khác nữa cũng cho thấy, người sau khi bị Covid-19 có nguy cơ đột quỵ cao hơn 48%, nguy cơ rung nhĩ (AFib) cao hơn 79%, nguy cơ đau tim cao hơn 61% và nguy cơ suy tim cao hơn 73%.
Những người được nhận vào ICU có nguy cơ mắc bất kỳ tình trạng tim mạch nào cao hơn gần 6 lần so với những người không có COVID-19. Đối với những bệnh nhân nhập viện nhưng không được đưa vào ICU, nguy cơ tổng thể cao hơn khoảng 3 lần. Những bệnh nhân không nhập viện có nguy cơ cao hơn 1,4 lần.
2. Nhiều yếu tố tác động đến nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ sau Covid-19
Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng xác định lý do tại sao những người đã nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn bình thường và các vấn đề liên quan.
Nguyên nhân phỏng đoán có thể xảy ra bao gồm tổn thương kéo dài gây ra khi coronavirus lây nhiễm các tế bào trong tim. Hoặc phản ứng miễn dịch quá mức liên tục sau khi nhiễm coronavirus gây thêm tổn thương trong cơ thể.
Ngoài ra, các bác sĩ biết rằng COVID-19 gây ra phản ứng viêm làm đặc máu của một người. Máu đặc hơn có nhiều khả năng bị vón cục, và các cục máu đông có thể dẫn đến đột quỵ. Tuy nhiên, người bị đột quỵ sau Covid-19 thường có các bệnh nền liên quan đến đột quỵ.
Hơn nữa, căng thẳng, thay đổi thói quen ăn uống hoặc mức độ hoạt động thể chất trong khi bị bệnh cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
3. Cải thiện sức khoẻ hậu Covid-19, phòng ngừa đột quỵ, đau tim
Mặc dù ảnh hưởng đến tim mạch cũng như tăng nguy cơ bị đột quỵ, nhưng những người sau Covid có thể cải thiện sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật bằng một số chế độ sau:
3.1. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống và dinh dưỡng có thể giúp hỗ trợ tăng cường miễn dịch, phòng ngừa các biến chứng hậu Covid, đặc biệt nên tiêu thụ thực phẩm có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm như:
- Bổ sung thực phẩm giàu Vitamin D
Vitamin D tương tác với các thụ thể ACE 2 (men chuyển đổi angiotensin 2), có khả năng ngăn chặn vi-rút liên kết với chúng và giảm các biến chứng liên quan đến COVID-19. Vitamin D cũng đóng một vai trò bảo vệ và hỗ trợ chữa lành các mô bị tổn thương, chủ yếu ở phổi.
Một số thực phẩm giàu Vitamin D bạn có thể bổ sung như lòng đỏ trứng, cá trích, cá mòi, cá hồi, nước cam, …
- Thực phẩm giàu Vitamin A
Vitamin A là một carotenoid chống oxy hóa hòa tan trong chất béo. Các nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin A làm giảm viêm và stress oxy hóa, tăng cường phản ứng miễn dịch và có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nguồn cung cấp Vitamin A tuyệt vời là gan bò, gan gà, khoai lang, cà rốt, rau bina, … các bạn nên bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng tuần.
- Lựa chọn thực phẩm giàu Kẽm
Kẽm được coi là một trong những khoáng chất quan trọng nhất. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của nó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, có thể hỗ trợ sức khỏe của mắt và rất cần thiết cho sức khỏe miễn dịch.
Để bổ sung Kẽm, các bạn nên lựa chọn thịt bò, hải sản, hạt điều, hạt bí ngô, đậu lăng, …
- Thực phẩm chứa Axit béo omega-3
Chất béo không bão hòa omega-3 là một loại axit béo được chứng minh là có lợi cho sức khỏe chống viêm, bao gồm cả sức khỏe não bộ, bệnh tim và viêm khớp dạng thấp.
Những chất béo omega-3 này, đặc biệt là axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA), có thể cải thiện khả năng hồi phục ở những người mắc bệnh COVID-19
Hạt chia, cá mòi, hạt lanh, quả óc chó, cá hồi, … là những thực phẩm giàu dưỡng chất này.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C là một loại vitamin chống oxy hóa, hỗ trợ sức khỏe miễn dịch ở mọi người ở mọi lứa tuổi. Các nghiên cứu trên động vật và con người đã phát hiện ra rằng vitamin C có thể làm giảm stress oxy hóa, cải thiện chức năng nội mô để bảo vệ chống lại bệnh tim, ngăn ngừa đột quỵ.
Có rất nhiều thực phẩm giàu vitamin C mà bạn thường bắt gặp như ổi, súp lơ, cà chua, kiwi, ớt chuông, đu đủ, …
Lưu ý, đối với những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp (nguy cơ cao bị đột quỵ) nên hạn chế ăn muối, đường, chất béo bão hoà (không nên chiếm quá 6 phần trăm), những thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như thức ăn nhanh, đồ chiên, đóng hộp, bánh quy.
3.2. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ bằng cách giúp giảm các yếu tố nguy cơ khác, bao gồm huyết áp cao và béo phì, tim mạch.
AHA Trusted khuyên bạn nên có ít nhất 75 phút hoạt động mạnh hoặc 150 phút hoạt động vừa phải mỗi tuần. Không cần thiết phải tham gia phòng tập thể dục, đi dạo quanh khu phố hoặc bơi một vòng tại hồ bơi sẽ rất tốt cho sức khỏe.
3.3. Học cách quản lý căng thẳng
Căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ với những người có bệnh nền liên quan. Vì vậy, các bạn nên làm việc vừa phải, giữ tâm lý thoải mái, chia sẻ với các thành viên trong gia đình, có thể học cách thiền.
3.4. Bỏ thuốc lá, rượu bia
Thuốc lá, rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe như triglyceride trong máu, huyết áp cao, bệnh cơ tim và rối loạn nhịp tim, … Do đó, những người nghiện thuốc lá, bia rượu nên cố gắng cai nghiện. Một số đồ uống có ga, cà phê, ... cũng không được khuyến khích cho các bệnh nhân sau khi bị Covid-19.
Ngoài ra, những người sau khi bị Covid-19 nên quan tâm đến sức khoẻ, có thể kiểm tra sức khoẻ hậu Covid-19 kể cả không có những dấu hiệu bất thường để tầm soát các bệnh tim mạch và nguy cơ đột quỵ, nhất là các trường hợp có bệnh nền liên quan, sức khoẻ yếu, người già.
Có thể nói, hậu Covid-19 để lại nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, trong đó liên quan đến cả tim mạch và đột quỵ. Vì vậy, sau Covid-19 mọi người không nên chủ quan, xây dựng chế độ tăng cường sức khoẻ. Nếu thấy những dấu hiệu bất thường nên đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán chính xác.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()