Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:28 (GMT +7)
Hát trống quân sẽ là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp
Thứ 4, 04/05/2022 | 09:42:21 [GMT +7] A A
Hát trống quân giữ một vị trí đặc biệt trong kho tàng dân ca Việt Nam, bởi đây là một hình thức diễn xướng dân gian từng rất phổ biến tại nhiều làng quê vùng châu thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đương đại, trước cơn lốc của hiện đại hóa và đô thị hóa, di sản này đang đứng trước nguy cơ mai một rất cao. Số làng còn thực hành hát trống quân ngày càng thưa vắng.
Nguồn tư liệu quý giá về lịch sử làng xã, địa lý…
Hát trống quân thuộc về lối hát đối đáp giao duyên nam nữ có lời ca, điệu hát mộc mạc, dân dã song cũng không kém phần tinh tế, tài hoa trong nghệ thuật ứng tác, bẻ vần. Nội dung các bài trống quân là nguồn tư liệu quý giá về lịch sử làng xã, địa lý, phong tục tập quán, triết lý nhân sinh… Vì vậy, diễn xướng trống quân là một di sản văn hóa có giá trị trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.
Trước nguy cơ mai một của di sản, bất cứ nỗ lực nào nhằm hồi sinh và phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa này đều đáng trân trọng. Câu lạc bộ (CLB) hát trống quân thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội chính là một điểm sáng. Đến với CLB, ta có thể cảm nhận sống động niềm say mê và tâm huyết bảo vệ di sản quê hương của các nghệ nhân nơi đây. Họ chính là những người “giữ lửa” và “truyền lửa”, để những câu ca, điệu hát của làng quê tiếp tục sống mãi với thời gian. Theo NNƯT Kiều Thị Chải (90 tuổi), hát trống quân có nhiều điểm chung giữa các địa phương, nhưng cũng có những nét riêng trong làn điệu và cách thức trình diễn. Người Phúc Lâm biết hát cả trống quân giao duyên và trống quân cửa đình, không như nhiều nơi chỉ biết một loại hình. Hát trống quân ở Phúc Lâm không theo lối “hát đuổi” như một số làng, trong lời hát luôn có chữ “thời” và ăn vào nhịp trống rất êm. Đặc biệt, những màn hát đối đáp ở đây rất thông minh và dí dỏm. Các nơi khác có hát trống quân dong thuyền hoặc trên triền đê, còn ở Phúc Lâm thường hát ở các bãi đất rộng ngoài đồng, dưới bóng cây, hoặc thậm chí các tốp cấy hay cắt lúa đứng gần nhau là có thể hát.
Mở đầu cuộc hát thường là các bài “hát chào” với các làn điệu Mời trầu, Đức bắc, Cò lả,... Sau đó đến chặng hát giao duyên giữa hai bên nam nữ. Nếu bên nam hát trước thì bên nữ sẽ tùy theo câu hát mà hát đối sao cho chuẩn và hay nhất. Cao trào trong màn hát đối đáp là các bài đố như Đố quả, Đố hoa, Đố chim… đầy hóc búa và bất ngờ mà bên đáp phải trả lời hết.
Điểm độc đáo về nhạc cụ cho thể loại hát này chính là chiếc trống quân. Trước đây, người ta thường đào hố tròn dưới đất để làm hộp cộng hưởng, phía dưới khoét hàm ếch để tạo độ âm vang, bên trên đậy ván gỗ sung mỏng bịt kín tạo thành mặt trống. Trên mặt trống căng một sợi dây mây già, luồn qua một chiếc lẫy nằm giữa tâm trống rồi buộc hai đầu vào cọc tre đóng xuống đất. Người hát dùng dùi gỗ gõ trên dây tạo nên âm sắc bổng trầm, khoan nhặt làm nhịp hát.
Hiện nay, trống quân đã có nhiều thay đổi, có thể dùng các thùng sắt Tây úp xuống đất làm hộp cộng hưởng thay cho việc đào hố hoặc thay dây mây bằng dây thép, dây cước. Trống được gắn trên một tấm ván dài, có thể di động ở những nơi rộng rãi như sân đình, cổng chùa, đầu làng hay lên sân khấu.
Những hạt nhân nòng cốt để thu hút hàng nghìn người
Là một làng hát trống quân có lịch sử lâu đời, nhưng ở Phúc Lâm loại hình diễn xướng này đã phải trải qua không ít thăng trầm, có lúc tưởng như đã mất hẳn. NNƯT Đào Thị Chăn (84 tuổi) cho biết, trước kia vào dịp hội làng (10.3 âm lịch), giỗ Mẫu (9.8 âm lịch) và Tết Nguyên đán, người dân ngày thì dự hội, tối lại nô nức ra đường tham gia các nhóm hát trống quân. Hát trống quân có thể diễn ra tại sân đình hoặc ngay đầu ngõ, trước sân nhà. Sau năm 1945, do tình hình chiến tranh và đời sống khó khăn, sinh hoạt này dần đi vào quên lãng. Đến năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, trong các dịp hội làng người dân đều mong muốn khôi phục lại. Tuy nhiên, khi đó các nghệ nhân đều đã cao tuổi, lớp trẻ thì hầu như đã thất truyền.
Theo chủ nhiệm CLB Kiều Thị Mách, lúc ấy làng chỉ còn khoảng 5 người có thể biểu diễn và truyền dạy hát trống quân theo hồi ức. Chị và chồng chị là anh Đào Văn Chén cùng chị Tá, chị Thoan…, những người tâm huyết với làn điệu dân ca quê hương đã đến nhà từng nghệ nhân cao niên để học hỏi lời ca, kỹ thuật hát, cách làm trống, cách đánh trống, sưu tập các bài hát cổ chép thành tài liệu để luyện tập. Đến năm 1997, huyện Phú Xuyên tổ chức Liên hoan dân ca, đội hát trống quân thôn Phúc Lâm đăng ký tham gia và giành được giải cao. Đó là sự khích lệ rất lớn, những năm sau đó, đội hát của thôn ngày càng đông thành viên tham gia, số lần biểu diễn tăng lên và ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Năm 2014, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã về Phúc Lâm nghiên cứu hát trống quân và khẳng định đây là một di sản văn hóa phi vật thể có giá trị cần bảo vệ khẩn cấp. Cùng năm đó, nghệ sĩ nhân dân Thúy Ngần cũng về Phúc Lâm giúp đội sưu tầm, biên soạn, dàn dựng một số tiết mục hát trống quân, hát chèo, tạo nền tảng để hát trống quân Phúc Lâm tham gia các hội thi chuyên nghiệp cấp thành phố. Năm 2016, đội chính thức trở thành CLB hát trống quân Phúc Lâm sau khi có Quyết định thành lập của UBND xã Phúc Tiến với 18 thành viên. Không thù lao, không lương thưởng, các nghệ nhân còn phải tự túc phương tiện, thiết bị, trang phục biểu diễn… Tuy nhiên, với niềm đam mê và tình yêu nghệ thuật, họ luôn cháy hết mình trong mỗi buổi diễn ở làng cũng như tại các hội thi, hội diễn, sự kiện văn hóa.
Đến nay, CLB với 29 thành viên thuộc 3 thế hệ: Cao niên, trung niên, thanh niên đang truyền dạy cho khoảng 10 thiếu niên. Người cao tuổi nhất đã 90, người nhỏ tuổi nhất mới lên 8. Thật ngạc nhiên là ở một CLB cấp thôn mà có tới 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT: Các cụ Kiều Thị Chải, Đào Thị Chăn và Đào Thị Đặt. Bên cạnh đó còn ba nghệ nhân khác đang chờ được xét công nhận trong năm 2022.
Mỗi năm CLB tổ chức hàng chục buổi diễn phục vụ nhân dân hoặc đi giao lưu ở các huyện trong Thành phố, một số tỉnh, thành trong cả nước. CLB còn tham gia các hội thi do thành phố tổ chức và đạt được nhiều giải thưởng. Năm 2022, CLB nhận được tin vui là mỗi năm sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ 30 triệu đồng để duy trì hoạt động bảo tồn và phát huy di sản. Các thành viên CLB trở thành hạt nhân nòng cốt để thu hút hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện Phú Xuyên tham gia vào các mô hình trình diễn dân gian, đào tạo thế hệ kế cận để giữ gìn, phát triển cho đời sau…
Theo Báo Văn hóa
Liên kết website
Ý kiến ()