Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:32 (GMT +7)
"Hạt nhân" làm giàu vùng vịnh Bái Tử Long
Thứ 7, 25/03/2023 | 10:26:47 [GMT +7] A A
Trên các đảo đất của vịnh Bái Tử Long có những điều kiện tuyệt vời để người dân trú ngụ, sinh cơ lập nghiệp, lấy chăn nuôi, trồng trọt, khai thác và NTTS làm sinh kế. Từ đó, vùng vịnh Bái Tử Long dần hình thành những làng chài, xã đảo, huyện đảo. Cư dân trên những đảo đất là những hạt nhân làm giàu, quá trình phát triển của họ ngày càng làm dầy thêm giá trị vùng vịnh Bái Tử Long.
Giữa mênh mông sóng nước, xã Minh Châu (huyện Vân Đồn) hiện lên là hòn đảo xinh đẹp. Minh Châu là một trong những vùng quần cư sớm trên vùng vịnh Bái Tử Long. Từ năm 2014, điện lưới được kéo đến đảo, năm 2017 hệ thống những công trình hạ tầng kỹ thuật trên đảo được xây dựng từ nguồn vốn nông thôn mới... Xã đảo thực sự có bước phát triển đột phá. Với lợi thế về những bãi cát trắng trải dài, rừng trâm cổ thụ xanh rì, bãi triều trù phú, diện tích mặt nước lớn..., Minh Châu xác định hướng đi là phát triển khai thác, NTTS theo hướng bền vững; phát triển du lịch, dịch vụ hiện đại.
Hiện các vùng quần cư như Minh Châu trên vùng vịnh Bái Tử Long ngày càng phát triển, trở thành các xã, thị trấn giàu mạnh, tạo nên đời sống xã hội sôi động. Từ những kinh nghiệm đúc kết qua nhiều đời cha ông đã giúp dân cư vùng vịnh Bái Tử Long giỏi nghề chài lưới, nuôi trồng trên biển. Ngư trường giàu nguồn lợi thủy sản, mặt biển kín gió thuận lợi NTTS trên vùng vịnh Bái Tử Long. Một phần trong số đó đã được người dân khai thác, mang lại sản lượng lớn cá tôm hằng năm. Riêng về NTTS, hiện trên vùng vịnh Bái Tử Long nổi tiếng với các loại hải sản nuôi như hàu, hà, ngao, ốc, cá biển các loại, tôm, rong biển... là trung tâm nghề cá của toàn tỉnh.
Hướng tới phát huy lợi thế mặt biển ngày càng cao hơn, cư dân trên vịnh Bái Tử Long tính chuyện đầu tư lớn, nuôi biển, NTTS ở những vùng vịnh hở, mở, nơi mà buộc phải ứng dụng công nghệ, thiết bị NTTS hiện đại mới có thể phát triển được. Nhiều hộ dân đã triển khai mô hình kết hợp nuôi trồng, khai thác thủy sản, du lịch sinh thái trên biển, tạo thành mối liên kết kinh tế chặt chẽ và hiệu quả.
Cư dân vịnh Bái Tử Long qua nhiều thế hệ đã cùng nhau giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, bảo tồn những nguồn gen động thực vật quý hiếm, đặc hữu... Hiện trên vùng vịnh Bái Tử Long, hệ thống dấu tích của Thương cảng cổ Vân Đồn - thương cảng quốc tế đầu tiên của Việt Nam, vẫn còn hiện diện, dù là chỉ ở dạng phế tích, tàng tích. Những lễ hội và tri thức dân gian trong mỗi người dân vịnh Bái Tử Long về chiến công của vị tướng quân Trần Khánh Dư cùng 3 anh em họ Phạm xã Quan Lạn, đánh tan đoàn thuyền lương của tướng giặc Nguyên Mông năm 1288 vẫn còn vẹn nguyên. Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Vườn Di sản ASEAN (năm 2017) chính là nhờ công gìn giữ, làm giàu của bao thế hệ cư dân Bái Tử Long. Đó là dư địa to lớn để cư dân vùng vịnh Bái Tử Long khai thác, phát huy làm giàu.
Vùng vịnh Bái Tử Long ngày càng có nhiều chuyển động mới, đó là những công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông hiện đại được đầu tư, là những đề án phát triển du lịch rừng, biển phê duyệt. Cư dân vùng Vịnh Bái Tử Long đang đứng trước cơ hội phát triển mới, phát triển vùng vịnh Bái Tử Long giàu đẹp hơn, phát huy được hết những giá trị vốn có.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()