Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:02 (GMT +7)
Hành trình xây dựng những miền quê đáng sống
Thứ 5, 26/01/2023 | 13:47:52 [GMT +7] A A
Thêm một mùa xuân tươi đẹp nữa lại về trên dải đất vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Mùa xuân này, cái Tết càng ấm cúng hơn bởi sự trù phú ngày càng hiện rõ trên từng nếp nhà, con đường, ngõ xóm và trong cả nụ cười của những người dân nông thôn. Sự đủ đầy, hạnh phúc ấy là thành quả mà chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại.
Nông dân giàu có, hạnh phúc
Quảng Tân là xã trung du miền núi của huyện Đầm Hà, có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 500ha. Nhiều năm qua, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân nơi đây đã được tiếp thêm động lực, vươn mình mạnh mẽ, trở thành những tỷ phú, triệu phú ngay trên mảnh đất quê hương. Thông qua các nguồn vốn, cùng với việc đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng cây, con giống đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân ngày càng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Trong 3 năm gần đây, xã đã có hàng trăm hộ sản xuất kinh doanh giỏi với mức thu nhập từ 150 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, có 138 hộ có mức thu hơn 1 tỷ đồng/năm.
Là một trong những hộ khá lên nhờ nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Tuyền hiện đang có một trang trại chăn nuôi gà với diện tích gần 2ha, hằng năm cung cấp cho thị trường gần trăm vạn con gà giống và 150-200 tấn gà thương phẩm. Anh Tuyền cho biết: Trang trại này đã mang lại của ăn của để cho gia đình tôi, hàng năm, doanh thu có được từ việc kinh doanh gà khoảng 2 tỷ đồng. Hiện, gia đình tôi cũng đã thành lập HTX Tuyền Hiền và liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm cho nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn xã, huyện.
Không chỉ xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, nhiều vùng quê nông thôn của tỉnh Quảng Ninh ngày càng khởi sắc, giàu có hơn bởi chính những tỷ phú, triệu phú nông dân. Tại xã Việt Dân, TX Đông Triều, nơi đầu tiên về đích NTM của tỉnh Quảng Ninh, toàn xã không còn hộ nghèo, 66% số hộ có nhà biệt thự. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây không chỉ đo đếm bằng những ngôi nhà khang trang, số tài sản, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình, mà còn được tính bằng giá trị các mảnh vườn, cánh đồng trĩu trịt cây trái, mỗi vựa quả cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Tết năm nay sẽ lại là một cái Tết no đủ nữa đến với ông Vũ Văn Ký và bà Nguyễn Thị Tú, thôn Đồng Ý, xã Việt Dân, khi hơn 150 cây bưởi diễn của gia đình ông bà đã có thương lái đến đặt cọc thu mua. Nhiều năm nay, loại cây có múi này đang là nguồn thu chính của gia đình ông bà. Năm nào cũng vậy, khi Tết đến Xuân về cũng là lúc gia đình ông bà tất bật đón những khách hàng từ muôn nẻo tìm đến thu hái quả, Từ vườn bưởi này, mỗi năm gia đình ông bà cũng thu nhập được 180-200 triệu đồng.
Không chỉ giàu lên từ cây có múi như gia đình ông Ký bà Tú, nhiều năm qua, người dân xã Việt Dân còn khấm khá lên trông thấy nhờ những vườn na được quy hoạch bài bản, áp dụng KHKT và chất lượng VietGAP. Nhờ nguồn thu nhập từ cây na nên thời gian qua nhiều gia đình có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền, thậm chí là cho con cái đi du học.
Ông Nguyễn Xuân Long, một chủ vườn na tại thôn Tân Thành, xã Việt Dân, cho biết: Cây na đã đổi đời cho người dân chúng tôi, những năm gần đây, khi chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm hướng dẫn bà con xây dựng vùng trồng na VietGAP và hỗ trợ kết nối đầu ra bền vững, cùng với đó là hạ tầng nông thôn ngày càng được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho quả na Đông Triều đến được nhiều thị trường hơn. Thu nhập của nông dân từ đó mà cải thiện hơn rất nhiều. Như gia đình tôi, mỗi năm cũng thu được vài trăm triệu đồng từ vườn na dai VietGAP.
Bên cạnh sự no đủ về vật chất, đời sống tinh thần của người dân nông thôn Quảng Ninh cũng ngày càng phong phú, hạnh phúc hơn khi mỗi một ngôi nhà đã được khoác trên mình tấm áo mới, khang trang, kiên cố. Không khó để bắt gặp ở các nhà văn hóa thôn, bản, những tiếng nhạc dân vũ hay tiếng bóng chuyền hơi mỗi khi chiều về hay dịp cuối tuần, lễ, Tết. Từ những buổi sinh hoạt tập thể như thế, mỗi người dân lại thêm yêu và gắn bó với quê hương, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Gấp rút tập luyện một điệu nhảy mới cho sự kiện chung của thôn, bà Triệu Kim Thành, thành viên CLB dân vũ thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, phấn khởi nói: Ngày nào cũng vậy, sau khi xong xuôi công việc nhà, chị em chúng tôi ra nhà văn hóa thôn, mở nhạc và cùng nhau khiêu vũ, tập luyện. Các chị em trong thôn đều rất vui, không chỉ rèn luyện sức khỏe, mà còn là dịp để chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện với nhau sau một ngày lao động vất vả.
Nông thôn văn minh, hiện đại
Từ những gia đình ấm no, những ngôi nhà khang trang vững chãi đến những thôn, bản không còn hộ nghèo đã và đang thổi bùng lên sức sống mới cho các vùng thôn quê của Quảng Ninh. Đó là nông thôn hiện đại, văn minh với những con đường bê tông thẳng tắp, trải dài đến tận ngõ, hẻm, cánh đồng, cùng với đó là ánh điện thắp sáng mỗi đêm, nước sạch sinh hoạt kéo về từng cụm dân cư, mạng internet phủ sóng khắp thôn, bản…
Từng là một địa bàn còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Ninh, nhưng vùng cao Bình Liêu mùa xuân này đã khác hẳn. Những năm gần đây, khi chủ trương và quyết tâm chính trị của tỉnh, huyện được nâng cao, thì chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương này cũng được triển khai quyết liệt. Từ đó diện mạo nông thôn, miền núi của huyện cũng đổi thay rõ rệt từng ngày.
Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đến nay, đường đến 104 thôn, bản của huyện đã được cứng hóa, bê tông hóa, trẻ con đến trường không còn cảnh lầy lội bùn đất; kênh mương nội đồng cũng được kiên cố, phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất, tưới tiêu. Nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đã được đầu tư, mở rộng thuận lợi cho kết nối giao thương với các vùng miền và tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển ngành kinh tế mới, đó là du lịch trải nghiệm. 100% hộ dân ở phân tán trong các khe bản hẻo lánh trên địa bàn huyện cũng đã được phủ lưới điện quốc gia. Môi trường nông thôn cũng ngày càng được cải thiện, sáng - xanh - sạch - đẹp, chất lượng đời sống người dân được nâng lên. Hết năm 2022, không còn hộ gia đình thiếu nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, khẳng định: Từ các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng NTM và phát triển KT-XH gắn với đảm bảo QP-AN khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, huyện Bình Liêu ngày càng “thay da đổi thịt”, người dân sống sung túc, ấm no và hạnh phúc hơn, tiệm cận mức sống của người dân vùng đồng bằng.
Hạ tầng được đầu tư, đời sống ấm no hơn, thì tại những vùng thôn quê, nông dân Quảng Ninh cũng chăm chút cho môi trường sống của mình nhiều hơn, để mỗi miền quê không chỉ giàu có về vật chất mà còn có văn minh, tươi đẹp. Tại xã đảo Minh Châu (huyện Vân Đồn), việc chung tay xây dựng một không gian sống xanh - sạch - đẹp luôn được người dân coi trọng. Đây không chỉ đơn thuần là một tiêu chí cần được hoàn thành của chương trình xây dựng NTM mà chính là sức khỏe của chính bà con, là diện mạo để người dân quảng bá, phát triển du lịch địa phương.
Hiện 4/4 thôn có tổ thu gom rác thải, 265/297 hộ tham gia mô hình phân loại xử lý rác ngay tại gia đình. Hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng đã được phủ đầy các tuyến đường liên xã, trục đường thôn. Hàng tuần, người dân tại các khu dân cư đều duy trì ngày thứ bảy, chủ nhật xanh dọn dẹp vệ sinh môi trường, cảnh quan. Ông Hoàng Trí Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Châu, chia sẻ: Minh Châu được thiên nhiên ưu đãi cho cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, ngoài việc khai thác lợi thế đó để phát triển du lịch, chúng tôi cũng luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn môi trường bằng những việc làm thiết thực. Mục tiêu cốt lõi là xây dựng Minh Châu thành một xã đảo đáng sống, đem lại sự hài lòng cho người dân và du khách.
Tiếp nối hành trình xây dựng những miền quê đáng sống, sau khi đạt được những tiêu chí về nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nhiều địa phương lại tiếp tục chặng đường mới với mục tiêu xây dựng nông thôn thông minh.
Tiêu biểu như tại Đầm Hà, Tiên Yên, Đông Triều, với mô hình xã/thôn thông minh, internet cáp quang, mạng 3G, 4G, 5G sẽ phủ sóng liên tục; có mạng wifi miễn phí ở các địa điểm công cộng; các vị trí trọng yếu sẽ được lắp đặt camera giám sát kết nối đến hệ thống camera quản lý của công an xã; các hộ gia đình sẽ được hướng dẫn sử dụng tài khoản điện tử để thanh toán các khoản tiền điện, nước; người dân được quản lý về sức khỏe và được tiếp nhận thông tin y tế, tư vấn sức khỏe từ xa; có các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ số…
Ông Đặng Văn Sáu, thôn Hà Dong, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, phấn khởi nói: Người dân nông thôn giờ đã khác xưa nhiều lắm! Xây dựng thôn thông minh, người dân chúng tôi được tiếp cận nhiều hơn với công nghệ số và áp dụng vào sinh hoạt, lao động sản xuất. Các thông tin chỉ đạo của xã, thôn chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh là có thể cập nhật được hết. Trong nuôi tôm, ngoài việc có thể biết được những thông tin về giống, thức ăn, thuốc men, thì giờ đây việc tìm kiếm bạn hàng và ngay cả việc thanh toán tiền cũng thuận tiện hơn khi thực hiện qua mạng.
Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 54/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 13/13 địa phương cấp huyện đều hoàn thành xây dựng nông thôn mới; trong đó có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉnh Quảng Ninh cũng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thành quả này ngoài việc khẳng định quyết tâm của tỉnh mang đến cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người dân, mà còn khiến cho mọi miền quê của Quảng Ninh đều trở thành những vùng quê đáng sống.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()