Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:29 (GMT +7)
Hành trình trở thành tỉnh nông thôn mới
Thứ 2, 02/05/2022 | 13:50:57 [GMT +7] A A
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) chỉ có bắt đầu, không có kết thúc, trên cơ sở những kết quả đạt được, ngay trong những năm đầu của giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh đang nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ tỉnh NTM. Những khó khăn trong hành trình này là điều không tránh khỏi. Với sự đồng lòng, quyết tâm vào cuộc của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Quảng Ninh sẽ cán đích thành công.
Rốt ráo hoàn thành các tiêu chí
Bất cứ ai cũng dễ dàng cảm nhận sự thay đổi ở các xã khu vực nông thôn của Quảng Ninh hôm nay. Diện mạo khang trang, cuộc sống đủ đầy, đời sống văn hóa phong phú. Khắp các thôn, xóm, những con đường hoa rực rỡ sắc màu. Các mô hình sản xuất đang ngày một phát triển mang lại cho người dân thu nhập ổn định. Những ngôi nhà cao tầng đua nhau mọc lên san sát. Đó chính là những thành quả của chương trình xây dựng NTM mang lại, tạo tiền đề cho sự phát triển KT-XH của mỗi địa phương, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Ông Bùi Hải Sơn, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Dương Huy (TP Cẩm Phả), cho biết: Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2021 xã Dương Huy đã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu. Trong đó có 2 HTX hoạt động hiệu quả, doanh thu của mỗi HTX từ 1,5-2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7-15 lao động địa phương; thu nhập bình quân trong xã đạt 71,7 triệu đồng/người/năm; xã không còn hộ nghèo.
Không riêng xã Dương Huy, hiện tỉnh đang chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2021 trình thẩm định theo quy định. Trong những tháng đầu năm 2022, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh đã thẩm định, xét công nhận cho 13 xã đạt chuẩn. Cụ thể, các xã đạt chuẩn NTM là Đồn Đạc, Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ), Vạn Yên (huyện Vân Đồn); các xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Phong Dụ, Điền Xá (huyện Tiên Yên), Đoàn Kết (huyện Vân Đồn), Minh Cầm (huyện Ba Chẽ); các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu gồm Đồng Rui, Yên Than (huyện Tiên Yên), Cộng Hòa, Dương Huy (TP Cẩm Phả), Bình Dương, Thủy An (TX Đông Triều). Đối với 3 xã Đồng Lâm, Đồng Sơn (TP Hạ Long) và Đồng Tâm (huyện Bình Liêu), Hội đồng thẩm định cấp tỉnh tổ chức thẩm định, xét công nhận trong tháng 4.
Đối với cấp huyện, Vân Đồn đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2021. Hai địa phương là Bình Liêu và Ba Chẽ chủ động rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu, trên cơ sở đó chủ động xây dựng kế hoạch tập trung hoàn thiện tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt để sớm hoàn thiện, chuẩn bị hồ sơ.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022, Quảng Ninh đã khẩn trương rà soát để đánh giá khách quan tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng địa phương, đơn vị, kiểm điểm tiến độ theo từng tháng, quý. Trong đó, kế hoạch tập trung vào việc hoàn thành các chỉ tiêu như: 100% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025; ít nhất 20% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; ít nhất 40% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; ít nhất 70% số km đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến...
Một trong các tiêu chí để công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM là có đề án xây dựng NTM toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 được HĐND tỉnh thông qua. Do đó, Quảng Ninh đang tích cực triển khai các bước lập đề án thực hiện chương trình xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025; đề án chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, giai đoạn 2021-2025; dự thảo các bộ tiêu chí NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 các cấp độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) đối với tiêu chí, chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh quy định, lấy ý kiến các sở, ngành và UBND các địa phương. Đây còn là nền tảng quan trọng cho chương trình trong giai đoạn tiếp theo.
Dồn lực cho mục tiêu về đích
Thực tế cho thấy, Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành các tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM cấp tỉnh. Do đó, tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của năm 2022, bố trí 500 tỷ đồng ngân sách tỉnh thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó, tập trung hỗ trợ các địa phương thực hiện xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Nguồn vốn này sẽ được đầu tư thực hiện các dự án như: Cải tạo, nâng cấp cầu tràn thác Hoen (xã Minh Cầm, huyện Ba Chẽ); đường từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên); đường từ trung tâm huyện Đầm Hà đi xã Quảng An; tuyến kênh mương sau đập Chăn Cái đến đê rừng xanh thôn 7, xã Quảng Phong (huyện Hải Hà); trường THCS&THPT Đường Hoa Cương (huyện Hải Hà); nhà văn hóa xã Đại Dực gắn với Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ (huyện Tiên Yên)… Các dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thành các tiêu chí cứng trong xây dựng NTM.
Xóa bỏ tâm lý trông chờ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều chủ động nguồn lực cho nhiệm vụ xây dựng NTM, nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. TP Hạ Long có diện tích rộng, nhiều xã nằm ở khu vực vùng cao, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, khắc phục những khó khăn, năm 2022 thành phố đặt mục tiêu hoàn thành chương trình NTM. Là địa phương tự chủ trong thu, chi ngân sách, thực hiện mục tiêu này, TP Hạ Long đã ban hành nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2022-2025; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2022…
Thành phố sẽ ưu tiên đầu tư một số dự án như: Nâng cấp tuyến đường từ thôn Trại Me (xã Sơn Dương) đến chân đèo Dài (thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm), nâng cấp tuyến đường từ ngã 3 thôn Mỏ Đông (xã Sơn Dương) đi trung tâm xã Đồng Sơn, khảo sát lập hồ sơ GPMB tuyến đường đấu nối tỉnh lộ 342 đi qua trung tâm xã Sơn Dương đến QL279… Tổng kế hoạch nguồn vốn dành cho chương trình xây dựng NTM của TP Hạ Long là trên 613 tỷ đồng.
Khác với TP Hạ Long, Bình Liêu là huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Để được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2022, huyện đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa. Từ đầu năm đến nay, huyện tiếp nhận 4,3 tỷ đồng tiền mặt, 900 tấn xi măng, 24.000 viên ngói và 200.000 viên gạch từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng NTM.
Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Theo rà soát, huyện có 6/9 chỉ tiêu và 17/36 tiêu chí chưa đạt theo Bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM. Huyện sẽ tiếp tục huy động nguồn lực của hệ thống chính trị, nhất là xã hội hóa chung tay xây dựng NTM. Đồng thời, phát động phong trào xây dựng đô thị văn minh, ra quân thực hiện tiêu chí môi trường, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế tại tất cả cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Cấp ủy và chính quyền địa phương tăng cường giám sát các công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công, huy động người dân cùng vào cuộc để đảm bảo nguồn vốn xã hội hóa được sử dụng đúng mục đích, minh bạch, hiệu quả.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()