Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:12 (GMT +7)
Độc đáo rừng Quảng Nam Châu
Thứ 2, 02/01/2023 | 17:57:08 [GMT +7] A A
Đề án thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Quảng Nam Châu, thuộc địa bàn 3 huyện: Bình Liêu, Đầm Hà và Hải Hà, do Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Trung tâm Viễn thám và Công nghệ thông tin thuộc Viện điều tra, quy hoạch rừng (Bộ NN&PTNT) thực hiện được UBND tỉnh thông qua tháng 11/2022. Khu bảo tồn này được thành lập sẽ góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong khu vực, nâng cao vai trò phòng hộ đầu nguồn và an ninh biên giới, thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh.
Trong những ngày cuối tháng 12/2022, tôi có dịp được “thám hiểm” vùng lõi Quảng Nam Châu cùng đoàn công tác của Hạt Kiểm Lâm Hải Hà, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Trúc Bài Sơn, huyện Hải Hà và Lâm trường 103, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327. Tham gia cùng đoàn, chúng tôi được chứng kiến và hiểu thêm sự đa dạng sinh học của khu rừng này. Vùng lõi rừng Quảng Nam Châu gần như còn nguyên sơ, thảm thực vật dày, cấu trúc tầng tán với nhiều loài cây gỗ, loài thú lớn, dược liệu đặc hữu, trong đó có nhiều loại quý hiếm.
Hành trình thám hiểm vùng lõi Quảng Nam Châu của chúng tôi xuyên qua những khu rừng tự nhiên lá rộng với những khe, thác nước, vạt cây gỗ sến to lớn, xù xì...
Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển. Sau ít phút nghỉ ngơi, chúng tôi tiến về khu rừng hỗn giao tre nứa - gỗ để vào vùng lõi rừng Quảng Nam Châu. Khu rừng rất rậm rạp, bước vào trong, ánh sáng và nhiệt độ giảm xuống thấp so với bên ngoài và gần như không có lối đi.
Vừa đi, chúng tôi được nghe anh Phùn A Sám, nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng của Ban quản lý Rừng phòng hộ Trúc Bài Sơn kể về sự khác lạ của vùng rừng đặc biệt này. Theo anh Sám, đây là khu rừng rất đa dạng về sinh học với nhiều loài cây gỗ quý, nhất là sự phong phú của các loài cây dược liệu.
Anh Sám cho biết: Theo lời kể của một số người dân, khu vực này từng xuất hiện nhiều loài thú lớn như gấu, báo, hổ. Trong những lần đi rừng Quảng Nam Châu đã từng nhìn thấy gấu, ước nặng khoảng 60-70kg, còn việc bắt gặp các dấu vết của nó để lại thì rất nhiều. Đặc biệt nhiều người dân 2 xã Quảng Sơn và Quảng Đức đều xác nhận còn có báo, hổ xuất hiện tại Quảng Nam Châu. Hiện tại, trong khu rừng thuộc địa bàn 2 xã Quảng Sơn và Quảng Đức còn xuất hiện những đàn khỉ với số lượng khá lớn.
Anh Nguyễn Phi Khanh, nhân viên Hạt Kiểm lâm Hải Hà, cho biết: Trong khoảng thời gian tháng 6 - 7/2017, Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ đã thực hiện đề tài đánh giá và xác định đa dạng sinh học khu hệ thú tại rừng Quảng Nam Châu.
Kết quả đơn vị thực hiện đã xác nhận thông tin về 23 loài thú thuộc 14 họ và 6 bộ, tiêu biểu như khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, lợn rừng, gấu ngựa, cu li, sóc, chuột, mèo, nai, hoẵng... Trong số đó, có 6 loài được xếp trong sách Đỏ Việt Nam, được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm mọi hình thức săn bắt, buôn bán; có 8 loài được liệt kê trong danh sách động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ cũng ghi nhận có dấu vết cào cấu của loài gấu ngựa trên cây và đưa ra phỏng đoán về sự có mặt của gấu ngựa ở khu vực Quảng Nam Châu.
Hiện nay, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng Quảng Nam Châu thuộc về 3 đơn vị là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Trúc Bài Sơn, Lâm trường 103 (Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327) và Hạt Kiểm lâm huyện Hải Hà.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, những năm gần đây, 3 đơn vị này đã phối hợp duy trì 7 trạm gác rừng, mỗi trạm thường xuyên có từ 5-7 người. Các trạm gác đều được đặt ở sát chân rừng, vị trí hẻo lánh, vùng sâu xa, nhằm bảo vệ các điểm xung yếu của rừng. Với sự chủ động của các đơn vị quản lý, sự nỗ lực của từng nhân viên các trạm gác rừng, nên nhiều năm qua, rừng Quảng Nam Châu được quản lý, bảo vệ tốt, không xảy ra tình trạng xâm phạm nghiêm trọng.
Theo tài liệu lưu trữ của cơ quan chức năng, khu rừng đặc dụng Quảng Nam Châu có diện tích hơn 19.700 ha, bao gồm diện tích rừng của các Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đầm Hà, Ban quản lý Rừng phòng hộ Trúc Bài Sơn, huyện Hải Hà và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327, Quân khu 3.
Đề án thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Quảng Nam Châu được thực hiện theo Quyết định số 2633/QĐ-UBND ngày 31/7/2020 của UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ lập Đề án “Thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Quảng Nam Châu, tỉnh Quảng Ninh” do Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Trung tâm Viễn thám và Công nghệ thông tin thuộc Viện điều tra, quy hoạch rừng (Bộ NN&PTNT) thực hiện.
Qua khảo sát, nghiên cứu của Trung tâm Viễn thám và Công nghệ thông tin trên khu vực diện tích 17.238,33 ha thuộc địa bàn 3 huyện (Bình Liêu, Đầm Hà và Hải Hà), trong khu rừng Quảng Nam Châu có 634 loài thực vật thuộc 379 chi, 128 họ, 5 ngành. Trong đó thực vật quý hiếm, nguy cấp theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì có 31 loài; theo Sách đỏ Việt Nam có 14 loài; theo Danh lục IUCN (sách đỏ) có 10 loài.
Đối với động vật, rừng Quảng Nam Châu có 61 loài thú, trong đó theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP có 24 loài; theo Sách đỏ Việt Nam có 18 loài; theo Danh lục IUCN có 15 loài; có 121 loài chim, trong đó có 27 loài thuộc Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ; 3 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam và 4 loài thuộc danh lục IUCN; có 31 loài lưỡng cư, trong đó có 1 loài theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP; 6 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam và 3 loài thuộc Danh lục IUCN.
Riêng bò sát có 30 loài, trong đó có 12 loài thuộc Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ; 10 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam và 10 loài thuộc Danh lục IUCN. Đặc biệt, trong khu rừng Quảng Nam Châu có loài Thằn lằn cá sấu (Shinisaurus crocodilurus) thuộc nhóm IB theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP và loài Lửng chó (Nyctereutes procyonoides) thuộc nhóm IIB theo theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP, đặc trưng của vùng Đông bắc Việt Nam, cần được ưu tiên bảo vệ.
Đề án thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Quảng Nam Châu, dự kiến quy mô gần 17.000 ha trên địa bàn 7 xã thuộc 3 huyện: Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà được xây dựng với mục tiêu nhằm đánh giá các hệ sinh thái rừng tự nhiên, các giá trị cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học. Đánh giá được điều kiện kinh tế-xã hội, tình trạng sử dụng đất, tài nguyên thiên nhiên, phát triển du lịch, dịch vụ, an ninh quốc phòng và xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp làm cơ sở để đánh giá phạm vi, ranh giới khu bảo tồn loài-sinh cảnh.
Việc thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Quảng Nam Châu nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn; phù hợp với Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Đặc biệt, với sự ra đời của Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030” sẽ tiếp tục tạo nên những dấu ấn mới trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, tạo nên những "lá phổi xanh" trong chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" mà tỉnh Quảng Ninh đang kiên trì thực hiện.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()