Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:36 (GMT +7)
Vị thế "vàng" trong mắt nhà đầu tư
Thứ 7, 21/01/2023 | 09:52:14 [GMT +7] A A
Với nhiều tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử, con người, Quảng Ninh hội đủ những yếu tố để phát triển nhanh, bền vững. Những năm qua, tỉnh không ngừng cải cách, đổi mới, trở thành một điểm sáng trong nước về nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.
Hành trình không có điểm kết thúc
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên, hiện là duy nhất trong nước đưa mục tiêu "Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI" vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh. Ngay sau Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 9/4/2021) "Về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", với quan điểm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, từ mệnh lệnh sang phục vụ - kiến tạo, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.
Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và duy trì văn hóa đồng hành, văn hóa cam kết, văn hóa thực thi đối với cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm, làm quyết liệt, đến cùng và có kết quả, hiệu quả đo lường được, với tinh thần “5 thật” (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật); khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách); quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đây chính là lời khẳng định mạnh mẽ cho quyết tâm chính trị của tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc và để người dân, doanh nghiệp thực sự là chủ thể trong công tác cải cách, đổi mới, thời gian qua tỉnh luôn coi trọng việc định lượng, đo lường đánh giá một cách thực chất, khách quan các kết quả đạt được trong công tác cải cách. Với quyết tâm chính trị được đặt ra ở mức cao nhất, Quảng Ninh đã tự tin vững bước trên chặng đường hiện thực hóa, cụ thể hóa và phát huy được tiềm năng, thế mạnh, không gian phát triển, vị trí địa chiến lược của mình trong kết nối vùng để đạt được thành quả 5 năm liên tiếp đứng đầu cả nước về Chỉ số PCI.
Tỉnh đã từng bước xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kinh tế - xã hội phát triển…được Trung ương và các nhà đầu tư đánh giá là địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh “công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững”.
Để xây dựng và duy trì được “thương hiệu” về năng lực cạnh tranh số 1 cả nước 5 năm liên tiếp, qua đó trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, Quảng Ninh bắt đầu từ việc xây dựng một nền móng vững chắc với hàng loạt cải cách mang tính tiên phong, đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó phải kể đến bước đi sáng tạo, đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ CBCCVC liêm chính, dấn thân, sáng tạo, có kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của tiến trình cải cách, phát triển…
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá: Những mô hình cải cách của Quảng Ninh luôn là lá cờ đầu, đã minh chứng được hiệu quả trong thực tế và được lan rộng trong cả nước, là hình mẫu cho các địa phương khác học hỏi, tham khảo. Những kết quả tỉnh Quảng Ninh đạt được, đặc biệt là công tác thu hút đầu tư những năm qua chính là minh chứng rõ nhất cho những cố gắng, nỗ lực, đổi mới, sáng tạo mà tỉnh đã kiên trì thực hiện suốt thời gian qua…
“Trái ngọt” từ những nỗ lực không ngừng
Cuối tháng 7/2022, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh năm 2022 được tỉnh tổ chức vào “thời điểm vàng” bên lề Kỳ họp lần thứ III Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC III) diễn ra tại Quảng Ninh, đã có gần 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký và cam kết đầu tư vào địa bàn tỉnh. Trong đó, Công ty CP Hóa dầu Stavian Quảng Yên cam kết đầu tư vào KCN Bắc Tiền Phong của DEEP C để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa Polypropylene với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, quy mô sản xuất 600.000 tấn sản phẩm/năm; dự kiến nhà máy đi vào hoạt động quý IV/2026. Ngày 1/11/2022, chủ đầu tư đã ký kết chuyển giao bản quyền công nghệ với Công ty Honeywell UOP (Hoa kỳ) và Công ty Basell Polielefine (Italia) trong quy trình sản xuất hạt nhựa Polypropylene, cụ thể hóa bước đi đầu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với đó là 2 Dự án: Kho Jinko Solar Việt Nam (Jinko 3) tổng mức đầu tư 35,56 triệu USD; Khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động của các doanh nghiệp trong KCN Sông Khoai, tổng mức đầu tư gần 12,65 triệu USD của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam. Với 2 dự án này, Jinko Solar đã hoàn thiện một quy trình khép kín trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh cho người lao động, cho thấy mong muốn gắn bó lâu dài với Quảng Ninh.
Ông Hoàng Kim Tinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam, cho biết: Kể từ khi bắt tay vào Dự án Jinko 1, chúng tôi đã nhận thấy sự nổi trội trong lợi thế cạnh tranh của Quảng Ninh, đặc biệt hơn nữa là sự đồng hành vào cuộc sát sao, hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan. Vì thế, khi Jinko 1 đang trong quá trình triển khai, chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Jinko 2 chỉ trong chưa đầy 24h từ khi nộp hồ sơ và bắt tay ngay vào triển khai. Sau 4 tháng, dự án đã đi vào sản xuất, vượt trước 7 tháng so với tiến độ đặt ra ban đầu, hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn tại Việt Nam của Tập đoàn Jinko Solar...
Nhờ những dấu ấn đậm nét trong cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, năm 2022 tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 98.000 tỷ đồng, tăng 10,19% so với năm trước; trong đó vốn ngoài ngân sách ước đạt hơn 89.000 tỷ đồng. Tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án trong nước với tổng vốn 32.850 tỷ đồng, 19 dự án FDI với tổng vốn 622,6 triệu USD; phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 39 dự án trong nước với tổng vốn 35.841 tỷ đồng... Các KCN, KKT của tỉnh (không bao gồm KKT Vân Đồn) đang có 232 dự án đầu tư ngoài ngân sách còn hiệu lực: 88 dự án FDI, tổng vốn đầu tư gần 4,4 triệu USD; 144 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư hơn 58.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh hoạt động ngày càng ổn định, có doanh thu khá, đóng góp tích cực vào ngân sách: Các doanh nghiệp FDI doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD, doanh nghiệp trong nước có doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 900 tỷ đồng...
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()