Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:22 (GMT +7)
Hạnh phúc khi được sẻ chia
Chủ nhật, 13/06/2021 | 05:18:27 [GMT +7] A A
Gần 30 năm qua, kể từ năm 1994, khi Bộ Y tế lần đầu tiên tổ chức “Ngày hiến máu nhân đạo”, tới nay hoạt động nhân ái này đã ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo trong cộng đồng ngày càng được nâng lên, trở thành các phong trào trên toàn quốc, trong đó có Quảng Ninh.
Theo các chuyên gia huyết học, máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý, không thể sản xuất ra mà chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Dù khoa học nói chung, y học nói riêng đã có sự phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu, song vẫn chưa tìm ra được một loại thuốc hay một loại dịch thể nào có thể thay thế được máu trong cơ thể. Ở bất kỳ đâu cũng vậy, mỗi ngày, mỗi giờ cũng có những người bệnh đang điều trị các bệnh hiểm nghèo cần truyền máu, những ca cấp cứu hay những người bệnh có nguy cơ mất máu cao gặp phải những hoàn cảnh khó khăn vì lượng máu dự trữ không có đủ để kịp thời cung cấp. Bởi khi bệnh nhân thiếu máu quá nặng, toàn bộ nguồn máu được bồi hoàn là từ người hiến máu, cho nên, chỉ cần sự chia sẻ, hiến tặng một phần máu của mình là mỗi người đã có thể giúp được rất nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè vì thiếu máu.
Để ghi nhận, bày tỏ sự biết ơn đến những người đã hiến máu và tiếp tục hiến máu nhắc lại, năm 2004, Tổ chức y tế thế giới, Hiệp hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hiệp hội truyền máu quốc tế và Hiệp hội người hiến máu thế giới đã lấy ngày 14/6 hàng năm (ngày sinh của Giáo sư Karl Lendsteine, người Áo là người đầu tiên phát hiện ra hệ nhóm máu ABO) làm ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu.
Theo thống kê của Ngân hàng máu Việt Nam thì mỗi năm, các bệnh viện trong nước cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu, nhưng thực tế lượng máu nhận được chỉ xấp xỉ 1 triệu đơn vị, mới đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu sử dụng. Bởi vậy, cần hơn nữa những tấm lòng nhân ái, sẻ chia của cộng đồng. Chúng ta đều biết, hiến máu là hành động tự nguyện của mỗi người khi cho đi những giọt máu trong cơ thể mình để giúp bao người đang cần đến máu. Khi trao đi một phần máu của mình là ta đã đem lại hy vọng sống, đem lại niềm tin cho các bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, các ca tai biến trong sinh đẻ, các ca ghép tạng cần rất nhiều máu và cho cả những người thân của họ.
Tại Quảng Ninh, giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, trong những năm qua, hiến máu tình nguyện và phong trào hiến máu ngày càng được phát triển, nhân rộng. Các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, ngân hàng máu sống được thành lập, mạng lưới tình nguyện viên được thiết lập ở khắp các địa phương đã có rất nhiều đóng góp trong hiến máu tình nguyện, góp phần tích cực vào công tác cứu chữa bệnh nhân. Các thông điệp: “Sẻ giọt máu đào - Trao niềm hy vọng”, “Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại”, “Hiến máu cứu người, xin đừng thờ ơ”… đã được lan toả với nhiều chiến dịch, sự kiện hiến máu nhân “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4”, “Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6”, “Chiến dịch những giọt máu hồng hè”…
Ai đó đã nói "hạnh phúc được chia sẻ thì hạnh phúc nhân đôi", "nỗi buồn được sẻ chia thì nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa", cho nên, mỗi giọt máu được chia sẻ của mỗi người sẽ mang theo một thông điệp nhân văn bởi một giọt máu cho đi là một việc làm ý nghĩa và thiết thực, mang niềm tin, niềm hy vọng về sự sống đến cho những người kém may mắn. Những giọt máu của mỗi người tình nguyện hiến tặng không chỉ thể hiện tình cảm, tấm lòng nhân ái, trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng mà còn làm cho tinh thần nhân đạo lan tỏa rộng rãi. Đó cũng chính là niềm vui, hạnh phúc: Hạnh phúc vì thấy mình đủ khoẻ mạnh để cứu giúp những người yếu hơn, hạnh phúc khi được sẻ chia, khi biết mình đã làm một điều có ích cho cộng đồng.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()