Đào Văn Chiểu (Thanh Hóa) cho biết anh nhận được một cuộc gọi từ sáng 30/1, trong ngày đầu tiên trở lại thành phố để tìm việc. "Họ giới thiệu công việc nghe nhạc và bấm like bài hát trên trang nghe nhạc trực tuyến, với giá 10.000 đồng mỗi bài", Chiểu kể.
Đã đọc cảnh báo về chiêu lừa tuyển cộng tác viên online, anh vẫn thử làm theo với mục đích tìm hiểu để cảnh báo người thân. "Họ quả thực trả cho tôi 10.000 đồng đó, sau đó dụ dỗ làm nhiệm vụ bằng cách nạp tiền để hưởng hoa hồng cao. Nhóm giao việc của họ vừa lập đã thu hút gần 4.000 thành viên", anh nói.
Vừa vào nhóm, điện thoại của anh liên tục nhận thông báo chat. Mỗi khi có ai hoàn thành nhiệm vụ, họ lại gửi tin nhắn vào nhóm. "Hàng trăm tin nhắn nhận được đồng nghĩa hàng trăm người đã tin và làm nhiệm vụ. Trong đó có thể có nhiều người bị lừa", anh nhận định.
Ông Ngô Minh Hiếu, sáng lập dự án Chống lừa đảo, cho biết tình trạng lừa đảo online, chiếm đoạt tài sản và đánh cắp thông tin không có dấu hiệu giảm xuống trong giai đoạn Tết. Thậm chí, ngay khi kỳ nghỉ kết thúc, số lượng tên miền lừa đảo tăng mạnh. Từ ngày 19/1 đến 27/1, hơn 180 trang lừa đảo được phát hiện, trong đó 166 trang là lừa chiếm đoạt tài sản, 15 trang là lừa đánh cắp thông tin
Theo ông Hiếu, trước Tết, kịch bản lừa đảo thường nhắm tới nhu cầu làm cộng tác viên online, rút tiền lãi suất thấp. Còn trong và sau Tết, chiêu lừa thường là lợi dụng chương trình tặng quà của các thương hiệu lớn, tuyển dụng, vay tiền.
Ví dụ tuần qua, hàng loạt người dùng Facebook ở Việt Nam nhận được tin nhắn về chương trình "Bia Sài Gòn 2023 Quà tặng Tết Nguyên đán". Khi bấm link, họ thấy thông báo trúng thưởng hàng triệu đồng, nhưng được yêu cầu điền thông tin cá nhân. Đường link cũng được tự động phát tán qua tin nhắn đến bạn bè của họ trên Facebook.
Fanpage chính thức của Bia Saigon sau đó lên tiếng cảnh báo, khẳng định đây là chiêu giả mạo nhãn hàng và đề nghị người dùng không bấm link. Tuy nhiên bên dưới bài đăng, hàng trăm người thừa nhận họ đã bị dụ bấm vào.
Dự án Chống lừa đảo cho biết đã phát hiện và ngăn chặn hàng loạt tên miền sử dụng từ khóa "tet", "lixi", vốn để dụ người dùng nhập thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, lợi dụng tâm lý của nhiều người cần vay tiền sau Tết với thủ tục nhanh gọn, không mất thời gian, vay số tiền lớn theo yêu cầu, chiêu mạo danh tổ chức tài chính cũng rộ lên những ngày gần đây. Ở hình thức này, kẻ gian yêu cầu nạn nhân truy cập vào website có hình ảnh, logo gần giống ngân hàng, công ty tài chính để tạo niềm tin. Sau khi trao đổi qua lại, người cho vay gửi giấy tờ (giả) để làm cơ sở thuyết phục họ chuyển khoản phí với lý do đảm bảo hồ sơ vay, phí bảo hiểm khoản vay, hoặc lấy lý do tài khoản đóng băng, CMND/CCCD có trong danh sách đen của ngân hàng...
"Nhiều người vay đã chấp nhận chuyển khoản cho kẻ gian hàng trăm triệu đồng. Kết quả là không vay được mà còn mất cả tiền", ông Hiếu cho biết. Tính riêng ngày 30/1, hệ thống ghi nhận 15 trang vay tiền tín dụng đen sử dụng tên miền .vn.
Ông Hiếu dự báo những ngày tới, các hình thức lừa đảo trên vẫn thịnh hành tại Việt Nam. Để tránh sập bẫy, người dùng được khuyến cáo không nộp tiền cho các bên tuyển cộng tác viên trực tuyến dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu được tiếp cận qua các nền tảng nhắn tin như Telegram, Zalo, Facebook, cần dừng cuộc nói chuyện để tránh bị dẫn dụ. Ngoài ra, không click hay nhập thông tin vào đường link lạ để tránh mất thông tin cá nhân.
Ý kiến ()