Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:34 (GMT +7)
Hàng trăm người hát Quốc ca tưởng nhớ nhạc sĩ Văn Cao
Thứ 2, 21/08/2023 | 14:43:43 [GMT +7] A A
Hàng trăm nghệ sĩ, khán giả hòa giọng "Quốc ca" ở Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, trong đêm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao.
Tiết mục diễn ra ở phần cuối, kết hợp giữa sân khấu bên trong Nhà hát Lớn và bên ngoài quảng trường. Khi nghệ sĩ Quốc Hưng, giọng ca nhí Khánh Chi hát trên nền nhạc giao hưởng cùng dàn đồng ca, phía ngoài cửa nhà hát, hàng trăm người đứng trang nghiêm, đưa tay hướng về lá cờ Tổ quốc.
Bên trong sân khấu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, gia đình nhạc sĩ Văn Cao, cùng hơn 800 khán giả đồng loạt đứng dậy, hòa vào ca khúc khi nhịp nhạc được đẩy lên nhanh, mạnh mẽ.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nói: "Đây là khoảnh khắc khơi dậy niềm tự hào dân tộc".
Phần trình diễn tái hiện khoảnh khắc Quốc ca (Tiến quân ca) ra mắt lần đầu tại quảng trường Cách mạng Tháng Tám (hay còn gọi là quảng trường Nhà hát Lớn), trong cuộc mít tinh biểu dương lực lượng của nhân dân Hà Nội ủng hộ mặt trận Việt Minh ngày 19/8/1945. Ca khúc được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trước đó một năm, trên trang Văn nghệ của báo Độc Lập số đầu tiên. Ngày 16 và 17/8/1945, tại Đại hội quốc dân đồng bào Tân Trào, Tiến quân ca được chọn làm Quốc ca của Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ trung ương lâm thời.
Ngoài bài Quốc ca, ca khúc Tiến về Hà Nội cũng được dàn dựng song song cả hai sân khấu, tái hiện không khí tươi vui, hào hùng "trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về". Qua tiếng hát của các ca sĩ trẻ Hoàng Viết Danh, Anh Vũ, Nguyễn Thăng Long, Thu Hằng, Đoàn Hồng Hạnh, người nghe cảm nhận không khí náo nức thời điểm quân giải phóng Việt Nam từ năm cửa ô tiến về tiếp quản Thủ đô mùa thu năm 1954.
Tiến về Hà Nội được Văn Cao sáng tác năm 1949 theo nhiệm vụ được giao, công bố đúng ngày 10/10/1954. Nhạc sĩ từng viết thêm một số sáng tác về Hà Nội nhưng ca khúc vẫn tạo tiếng vang, nổi tiếng nhất, được xem là khúc khải hoàn của người Hà Nội.
Trong một tiếng rưỡi, các nghệ sĩ đưa khán giả qua những giai điệu đẹp, đậm chất trữ tình qua các ca khúc Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên, Ngày mùa. Với bài Ngày mùa, đạo diễn Phạm Hoàng Nam sắp xếp nhiều diễn viên quần chúng gánh lúa, cầm sàng sảy thóc, đứng ở hai bên cánh gà, trên tầng hai, tầng ba Nhà hát Lớn Hà Nội, sau đó tản ra ngoài cửa nhà hát. Tiết mục gợi không khí sản xuất vui tươi, tinh thần lạc quan của người nông dân trong thời chiến.
Cuối chương trình, nghệ sĩ Quang Thọ, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hà Trần, Tùng Dương, Lan Anh, Hương Lan hát liên khúc Bến xuân, Đàn chim Việt, gửi thông điệp về tình đoàn kết người Việt trên khắp mọi miền.
Bà Nghiêm Thúy Bằng, vợ nhạc sĩ Văn Cao và họa sĩ Văn Thao, con trai ông, cho biết rưng rưng khi thưởng thức đêm nhạc. "Mỗi lần nghe các bài hát của bố, tôi đều nghẹn ngào. Tôi cảm động vì đây là chương trình 100 năm mới có một lần". Ông Nguyễn Đức Trịnh nói: "Vượt qua khuôn khổ một chương trình nghệ thuật thông thường, đêm nhạc là sự kiện để người hâm mộ tưởng nhớ nghệ sĩ tài hoa, tài năng sáng tác cũng như thành tựu của ông".
Sự kiện quy tụ hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên quần chúng đến từ Đoàn Văn công Quân khu 1, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Học viện Chính trị Quốc gia, Hội Cựu chiến binh Hà Nội và một số đại học. Chương trình do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thực hiện nội dung, Đức Trịnh chỉ đạo nghệ thuật, Đỗ Bảo làm giám đốc âm nhạc.
Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15/11/1923 ở Hải Phòng, mất ngày 10/7/1995. Ông là nghệ sĩ có sức ảnh hưởng với nền tân nhạc Việt Nam, được xem là hình mẫu thiên tài trong lịch sử văn hóa văn nghệ. Không được đào tạo chuyên sâu về âm nhạc nhưng ông sớm bộc lộ tài năng khi chưa tròn 20 tuổi, với các ca khúc trữ tình lãng mạn như Bến xuân, Suối mơ, Thiên Thai, Trương Chi.
Sau khi hoạt động cách mạng năm 21 tuổi, ông sáng tác nhiều ca khúc mang âm hưởng hào hùng như Tiến quân ca, Trường ca Sông Lô, Tiến về Hà Nội, Làng tôi. Ngoài viết nhạc, ông còn sáng tác thơ, vẽ tranh, viết báo. Văn Cao được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
Theo Vnexpress.net
Liên kết website
Ý kiến ()