Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:22 (GMT +7)
Hang Tiên Ông - "Bảo tàng" giữa lòng Di sản
Chủ nhật, 12/05/2024 | 09:35:37 [GMT +7] A A
Nhiều du khách, nhất là du khách quốc tế tham quan Vịnh Hạ Long tuyến du lịch số 3 thường rất thích thú, bởi ngoài tham quan, chèo kayak khám phá hồ Ba Hầm dưới mực nước thủy triều, làng chài Cửa Vạn…, du khách còn được ghé thăm cảnh đẹp hang Tiên Ông lưng chừng núi, được coi như "bảo tàng" về lịch sử Vịnh Hạ Long.
Hang Tiên Ông nằm ở trung tâm hòn Cái Tai (khu vực đảo Hang Trai), cách Cảng tàu Du lịch quốc tế Tuần Châu và Hạ Long lần lượt là khoảng 18km và 16,5km. Hang trước còn có tên là Rền hoặc hang Đục. Sở dĩ có tên Tiên Ông bởi trong động có một măng đá giống hình ông già với khuôn mặt phúc hậu, râu tóc dài như ông tiên vậy.
Khác với phần lớn các hang động khác trên Vịnh Hạ Long, Tiên Ông có cửa rất rộng, dạng vòm cao chừng 13m, quay về hướng Tây Bắc. Nằm ở độ cao chừng 5m so với mực nước biển, hang Tiên Ông có hai phần và được ngăn cách bởi khối thạch nhũ lớn giữa hang. Sau khi đi qua phần nửa phía ngoài phủ đầy trầm tích nhuyễn thể, dấu vết của cuộc sống cổ xưa, du khách bước vào khám phá 6 ngăn hang động phía trong với nhiều thạch nhũ óng ánh. Trong đó, ngăn lớn nhất dài 70m, chỗ rộng nhất 43m, cao nhất 10m.
Mang vẻ đẹp của một tác phẩm tạo tác kỳ thú của thiên nhiên, hang Tiên Ông còn là "bảo tàng” ngoài trời đặc biệt, đưa tới cho du khách một chuyến tham quan thú vị về tiền sử, minh chứng sự sống đã tồn tại ở đây xa từ hàng nghìn năm trước. Hang từng là địa điểm khảo cổ, nơi nhà khảo cổ học nổi tiếng người Thụy Điển J.G Anderson phát hiện dấu tích người cổ Văn hoá Hạ Long thời hậu kỳ đá mới vào năm 1938.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã sáng tạo trưng bày hình thành một bảo tàng tại chỗ với hàng trăm hiện vật. Các hố khai quật cũng được giữ lại, gia cố, chỉnh trang và liên kết lại để trưng bày, giới thiệu với du khách. Kết hợp với các hiện vật khác, đây là điểm khảo cổ và cũng là nơi trưng bày dòng chảy liền mạch các nền văn hóa trên Vịnh Hạ Long từ Soi Nhụ - Cái Bèo tới Hạ Long, từ 18.000-3.500 năm cách ngày nay.
Việc tái hiện gắn điểm tham quan với "bảo tàng" thu nhỏ, trưng bày hàng trăm hiện vật ở hang Tiên Ông trên Vịnh Hạ Long vừa giúp du khách thấy rõ giá trị thắng cảnh kết nối với giá trị văn hóa lịch sử tạo dòng chảy liền mạch về văn hóa lịch sử. Không chỉ tham quan cảnh đẹp, đến đây du khách có thể bắt gặp dấu tích của cuộc sống tiền sử trong hang như vỏ ốc suối, ốc núi, hay những công cụ bằng đá, bằng xương thô sơ. Điều này làm tăng thêm giá trị cho điểm đến, Di sản Vịnh Hạ Long - Thạc sĩ Nguyễn Bá Căn, Phó Giám đốc Trung tâm 2, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, chia sẻ.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()