Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:38 (GMT +7)
Hàng nông sản Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Bỉ
Thứ 6, 24/02/2023 | 10:07:42 [GMT +7] A A
Chị Omawo là khách hàng quen thuộc của cửa hàng thực phẩm châu Á "Le Panier Asiatique" ở thủ đô Brussels của Bỉ. Chị thường xuyên đến đây tìm mua các loại sản phẩm của Việt Nam như bánh đa nem, miến dong, giá đỗ… để làm món nem mà chị yêu thích.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Brussels, chị Omawo cho biết trong thời gian ở nhà do dịch COVID-19, chị đã lên mạng học cách làm nem, tìm mua các loại gia vị cần thiết và chị đã chế biến thành công món ăn truyền thống của Việt Nam. Chị đặc biệt yêu thích nước mắm, đặc biệt là nước mắm Phú Quốc đã làm tăng hương vị cho món nem.
Chị Maya cũng là một người "nghiền" thực phẩm Việt Nam. Người phụ nữ gốc Colombia này cho biết chị thường xuyên mua gia vị phở của Việt Nam về để nấu món súp thịt bò và thêm một chút rau mùi để có một món súp hấp dẫn cho cả gia đình.
Khách hàng của Le Panier Asiatique chủ yếu là người nước ngoài. Cửa hàng bày bán các loại hàng gia vị thực phẩm châu Á như gạo, bún khô, miến, bánh phở khô, mì ăn liền, các loại bánh tráng, bánh đa nem, nước mắm, nước dừa… của Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc. Chị Phạm Bích Thủy, chủ cửa hàng, là người luôn cố gắng quảng bá nhiều nhất cho hàng Việt Nam. Khi khách tới mua hàng, chị thường giới thiệu các mặt hàng của Việt Nam với chất lượng tốt và giá thấp hơn các hàng cùng loại của các nước khác. Chị sẵn sàng cho khách mang về ăn thử rồi trả tiền sau. Qua đó, khách hàng của chị tin tưởng và các lần sau, họ thường chọn hàng Việt Nam để mua.
Chị Thủy cho biết, mấy năm gần đây, nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam cho thấy chất lượng vượt trội so với các nước khác trong khu vực, được khách hàng ưa chuộng. Đó là các thương hiệu bánh tráng, bánh đa nem Duy Anh; bún tươi Ba cây tre, Bình Tây; phở khô, bún khô Vifon, nước mắm Phú Quốc... Đặc biệt nước dừa tươi Cocoxim của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đã chiếm trọn cảm tình của người tiêu dùng Bỉ.
Việt Nam là một trong những nước có nền nông nghiệp phát triển và cung cấp nhiều sản phẩm nông sản cho thế giới. Với các lợi ích từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), hàng nông sản Việt Nam được ưu đãi thuế quan vào thị trường Bỉ, tăng cường vị thế cạnh tranh và tăng lượng xuất khẩu đến đất nước này. Nhiều nhà cung cấp nông sản Việt Nam đang nỗ lực hợp tác với những nhà cung cấp tại Bỉ để mở rộng thị trường.
Các mặt hàng như rau, quả, gạo, cà phê, đậu nành và sản phẩm nông nghiệp khác đều được ưa chuộng bởi người tiêu dùng Bỉ. Chất lượng và giá cả cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam đã giúp chúng trở nên thu hút hơn với người tiêu dùng.
Tại thị trường Bỉ, gạo Việt Nam được coi là mặt hàng phổ biến với tính linh hoạt, đa dạng trong việc nấu ăn, cũng như giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, nhu cầu đối với gạo Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các yếu tố như thay đổi sở thích của người tiêu dùng, thị trường gạo toàn cầu và cạnh tranh từ các nước sản xuất gạo khác.
Bỉ là quốc gia có tiêu chuẩn thực phẩm chất lượng cao, vì vậy hàng nông sản Việt Nam cần phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm. Ngày 26/1 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU. Vẫn còn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nằm trong tần suất cao về kiểm soát chất lượng.
Hiện mặt hàng ớt tươi nằm trong danh mục kiếm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%. Đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%. Trong khi đó, thanh long và mỳ tôm xuất khẩu vẫn nằm trong phụ lục II, với yêu cầu Chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết các thách thức đối với hàng hóa Việt Nam cũng không nhỏ. Thứ nhất, hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường Bỉ thông qua rất nhiều các nhà nhập khẩu bản địa khiến doanh nghiệp Việt phụ thuộc nhiều vào nhà nhập khẩu và không xây dựng được thương hiệu.
Thứ hai, trong thời gian qua, ngoài một số doanh nghiệp rất tích cực, chủ động và có những chuyển đổi trong sản xuất để phục vụ xuất khẩu, một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn sản xuất trước rồi mới đi tìm đối tác, tìm thị trường. Ông Trần Ngọc Quân cho rằng cách làm này rất khó để tiếp cận thị trường như EU, vốn có rất nhiều quy định và hàng hóa sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn để vào thị trường châu Âu.
Trên thực tế, nhiều loại rau gia vị như húng quế, rau răm, tía tô, rau ngổ, ngò gai… đều mang xuất xứ Việt Nam nhưng lại được doanh nghiệp của Thái Lan thu mua và xuất khẩu sang châu Âu.
Do đó, việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản, trái cây, rau gia vị vào thị trường Bỉ nói riêng và thị trường châu Âu nói chung đòi hỏi sự nỗ lực từ các doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đối tác kinh doanh.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()