Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 15:03 (GMT +7)
Hàng chục nghìn xe hợp đồng sẽ phải vào bến?
Thứ 6, 01/12/2023 | 16:09:08 [GMT +7] A A
Tình trạng xe hợp đồng trá hình đang hoạt động ngày càng nhức nhối, gây ra nhiều hệ lụy. Để quản lý, Cục Đường bộ VN đề xuất buộc xe loại hình này phải vào bến để đón trả khách.
Cấm đón trả khách thường xuyên tại một điểm
Theo thống kê của Cục Đường bộ VN, cả nước hiện có khoảng gần 400.000 xe kinh doanh vận tải khách.
Trong đó, tuyến cố định là 17.000 xe và xe hợp đồng chiếm số lượng áp đảo với khoảng 220.000 xe. Có khoảng 1/4 trong số này, tương đương khoảng 60.000 xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ VN) cho hay, xe hợp đồng trá hình chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM đi các tỉnh xung quanh trong bán kính dưới 200km.
Loại hình này đang thực hiện đón trả khách ở một hay một số địa điểm cố định tại các văn phòng trong nội thành trái quy định mà không gặp bất kỳ rào cản nào.
Để hạn chế tình trạng này, ông Thủy cho biết, đối với xe hợp đồng và du lịch, Cục Đường bộ VN đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020 theo hướng: Tại các đô thị loại 1 và loại đặc biệt, xe hợp đồng chở công nhân, chuyên gia được đón trả khách theo địa điểm ghi trong hợp đồng.
Với hợp đồng cá nhân (xe hợp đồng đang chạy trá hình tuyến cố định) sẽ thực hiện đón, trả khách tại bến xe hoặc địa điểm do UBND cấp tỉnh công bố.
Bên cạnh đó, việc bổ sung sửa đổi Nghị định 10 lần này cũng sẽ lượng hóa cụ thể để thuận tiện cho việc xử lý vi phạm bằng quy định: Xe hợp đồng, xe du lịch không được đón trả khách thường xuyên từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong 1 tháng tại trụ sở chính, văn phòng đại diện.
"Việc bổ sung quy định này nhằm đảm bảo phát triển hài hòa, cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải, hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định", ông Thủy cho hay.
Xe hợp đồng vào bến sẽ giảm xe dù, bến cóc
Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 78 điểm bến cóc, lợi dụng văn phòng đón trả khách. Dù lực lượng thanh tra thường xuyên kiểm tra nhưng không thể xử lý dứt điểm.
Khẳng định xe hợp đồng vào bến sẽ giảm được tình trạng xe dù bến cóc, ông Tuyển cho rằng, trường hợp xe vào bến khiến công suất bến quá tải, thành phố có thể nghiên cứu cho phép các bến tạm.
Chẳng hạn trước đây bến xe Mỹ Đình từng bị quá tải, sau đó bến đã mở rộng để đáp ứng nhu cầu. Khách lẻ, không phải hợp đồng thuê xe trọn chuyến phải vào bến xe hoặc điểm dừng đón do địa phương quy định.
"Hiện rất khó đánh giá được các bến xe trên địa bàn Hà Nội có đủ công suất cho xe ra vào bến hay không. Công suất bến phụ thuộc vào việc bố trí tần suất xe. Đối với các tuyến ngắn, công suất bến rất lớn với hàng nghìn lượt xe/ngày.
Với các tuyến dài, lượng xe ít, công suất sẽ thấp hơn. Dù chưa đánh giá được đầy đủ các yếu tố nhưng vẫn cần mạnh dạn thực hiện", ông Tuyển nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, đối tượng khách đi xe hợp đồng rất đa dạng, ngoài khách lẻ đi xe hợp đồng trá hình, còn có lượng lớn người có nhu cầu hợp đồng thật, thuê trọn chuyến để đi đám cưới, đám hỏi, đi du lịch. "Việc bắt buộc xe hợp đồng phải vào bến cần được xem xét kỹ", ông Quyền nói.
Lập đơn vị chuyên nghiệp làm dịch vụ trung chuyển
Liên quan công suất bến xe, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho hay, bến hiện có công suất 850 xe ra vào bến/ngày. Tuy nhiên, hiện số lượng chỉ bằng nửa con số này với 450 xe. Các bến xe hiện nay hoàn toàn đáp ứng nhu cầu.
Về lo ngại hành khách đang quen với việc xe đón tận nhà sẽ khó chấp nhận vào bến bắt xe, ông Lập cho rằng, làm tốt công tác tổ chức xe trung chuyển sẽ giải quyết được vấn đề này.
"Quy định pháp luật cho phép doanh nghiệp vận tải được dùng xe trung chuyển, nhưng tất cả doanh nghiệp đều làm sẽ có lượng xe rất lớn lưu thông.
Nên thành lập một đơn vị chuyên nghiệp về xe trung chuyển và giao bến xe làm dịch vụ này, mỗi thành phố chỉ có 1 công ty trung chuyển. Dịch vụ này không thu tiền của hành khách mà thu tiền của nhà xe", ông Lập đề xuất.
Ngoài ra theo ông Lập, nên cho phép cho doanh nghiệp ngược tuyến bố trí phòng bán vé ở bến xe không thuộc hướng tuyến.
Đơn cử, Bến xe phía Nam được bố trí phòng vé bán vé cho hành khách đi các tỉnh phía Bắc và dùng xe trung chuyển đưa khách đến bến. Các bến xe khác cũng tương tự, ai có nhu cầu đi ngược tuyến có thể mua vé ngay tại bến và dùng xe trung chuyển đến bến có xe để di chuyển.
"Việc này sẽ giải quyết được câu chuyện tiền di chuyển đến bến nhiều hơn tiền vé, giảm chi phí cho người dân, giảm chi phí đầu tư quản lý cho doanh nghiệp vận tải", ông Lập nói.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, từ đầu năm, TP.HCM đã thực hiện phương án tổ chức giao thông, cấm xe khách giường nằm vào nội đô từ 6 - 18h hàng ngày.
Để cấm triệt để, sở đang xây dựng phương án trung chuyển hành khách từ khu vực trung tâm đến các bến xe khách liên tỉnh, tạo thuận lợi cho người dân.
"Hiện quy định chỉ cho phép đơn vị vận tải tuyến cố định được dùng xe trung chuyển để đưa khách từ nhà đến bến xe.
Chúng tôi kiến nghị cho phép bến xe được ký hợp đồng trung chuyển hành khách để phục vụ cho các nhà xe không có xe trung chuyển", đại diện Sở GTVT TP.HCM đề xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Thương mại và du lịch Hà Lan cho biết không ngại đưa xe vào bến. Tuy nhiên, cần cho phép doanh nghiệp được chủ động giờ chạy, bố trí số lượng xe phù hợp với cung cầu của thị trường.
Theo baogiaothong.vn
- Giải cứu tài xế gãy chân, mắc kẹt trong cabin xe container sau tai nạn giao thông
- Bình Dương: Xem xét xử lý cán bộ Cảnh sát Giao thông có hành vi thiếu chuẩn mực
- Quốc hội thông qua việc thí điểm cơ chế đặc thù về đầu tư công trình giao thông đường bộ
- Khi nào người đi bộ vi phạm luật giao thông bị phạt tù?
Liên kết website
Ý kiến ()