Hàn Quốc cho biết các tàu cá Trung Quốc này đã tiến vào vùng biển xung quanh Đường giới hạn phía Bắc trên biển Hoàng Hải, ranh giới trên biển giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Nước này ước tính trong tháng qua, trung bình khoảng 180 tàu Trung Quốc đánh bắt cua mỗi ngày ở phía bắc đảo Yeonpyeong, một trong 5 hòn đảo cực bắc của Hàn Quốc, chấm dứt một năm gián đoạn do Covid-19.
"Con số này nhiều gấp ba lần năm ngoái", Shin Joong-geun, lãnh đạo hiệp hội ngư dân trên đảo Yeonpyeong, cho biết. "Từ hòn đảo này, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy các đội tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động gần Đường giới hạn phía Bắc".
Bộ trưởng Bộ Đại dương và Ngư nghiệp Hàn Quốc Moon Seong-hyeok tuần trước tuyên bố đánh bắt cá bất hợp pháp phải bị "xóa bỏ hoàn toàn" và cảnh báo từ năm tới, nước này sẽ sử dụng máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo để tăng cường hệ thống giám sát hàng hải.
Theo một quan chức Bộ Thủy sản Hàn Quốc, số tàu cá Trung Quốc sẽ tăng vào tháng tới, khi hai nước tổ chức cuộc họp thường niên để thảo luận các biện pháp kiềm chế đánh bắt bất hợp pháp.
"Giới chức Trung Quốc nói đang nỗ lực hết sức để ngăn tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép trên vùng biển của chúng tôi. Thực tế, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn khi đối phó tàu cá Trung Quốc hoạt động gần Đường giới hạn phía Bắc, nên chúng tôi luôn thúc giục chính quyền Trung Quốc tăng gấp đôi nỗ lực để ngăn chặn vấn đề này", ông nói.
Bản tin thời sự của đài truyền hình KBS-TV cho thấy cảnh sát biển Hàn Quốc đột kích tàu cá Trung Quốc ban đêm và dùng búa đập vỡ cửa sổ cabin nơi thuyền viên đang cố thủ. Trong cảnh quay khác, cảnh sát biển Hàn Quốc cắt song sắt được lắp trước cửa cabin.
"Các tàu thuyền Trung Quốc thường lợi dụng trời tối để đi xuống phía nam Đường giới hạn phía Bắc và đánh bắt cá trái phép", trung sĩ Song Joo-hyun thuộc lực lượng đặc nhiệm cảnh sát biển Hàn Quốc cho biết.
Lực lượng đặc nhiệm cảnh sát biển, ra mắt năm 2017, đã bắt 7 tàu cá Trung Quốc và buộc 360 người ra khỏi ngư trường gần Đường giới hạn phía Bắc chỉ trong năm nay. Tuy nhiên, đó là công việc có tính rủi ro cao. Năm 2011, một thành viên lực lượng này bị đâm chết khi bắt một ngư dân trên tàu Trung Quốc.
"Trước đây, họ sử dụng dao, rìu và các vũ khí khác để xua đuổi chúng tôi nhưng ngày nay, họ sử dụng cách khác. Họ tự nhốt mình trong cabin, buồng máy và chạy thẳng về phía bắc", trung sĩ Song nói.
Người Hàn Quốc bị cấm vào phạm vi 3,7 km tính từ Đường giới hạn phía Bắc, có nghĩa là trên thực tế, bất kỳ đội cảnh sát biển nào cũng chỉ có vài phút để khống chế tàu Trung Quốc bất hợp pháp hoặc có nguy cơ đi vào vùng biển của Triều Tiên.
Hwang Yeon-soo, quan chức văn phòng hành chính huyện Ongjin, cho biết các tàu Trung Quốc tăng hoạt động vào ban đêm vì ngư dân Hàn Quốc bị cấm đánh bắt gần Đường giới hạn phía Bắc sau khi màn đêm buông xuống. "Họ phá lưới đánh cá của Hàn Quốc và thả trôi trên biển, gây thiệt hại lớn về ngư cụ và sản lượng đánh bắt cho ngư dân địa phương", ông nói.
Ngư dân Park Tae-won nói với đài truyền hình KBS rằng ngư dân Trung Quốc đang "quét sạch mọi thứ, từ cá sống gần bề mặt đến loài có vỏ dưới đáy biển". "Họ không không quan tâm đến thiệt hại đối với sinh vật biển", ngư dân cho hay.
Cảnh quay khác của KBS cho thấy một bãi biển gần biên giới ngập rác, gồm các mảnh xốp và chai nhựa rỗng có nhãn Trung Quốc, mà dân làng cho rằng đã bị tàu cá Trung Quốc đổ vào.
Một năm sau khi ra mắt lực lượng đặc nhiệm cảnh sát biển Hàn Quốc, gồm 400 cảnh sát biển và 12 tàu, trong đó có 3 tàu bọc thép cao tốc, hoạt động đánh bắt bất hợp pháp ở Hoàng Hải đã giảm 60%. Tuy nhiên, kể từ đó các nhà quan sát Hàn Quốc cho rằng vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Bắc Kinh phủ nhận bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào, nhưng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nghi ngờ Triều Tiên đã bán hàng trăm giấy phép đánh bắt mỗi năm cho các đội tàu từ Trung Quốc đến đánh bắt trong vùng biển của mình, vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế.
Năm 2018, Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất biến các ngư trường gần Đường giới hạn phía Bắc thành khu vực đánh cá chung để giải quyết vấn đề, nhưng không đạt được tiến bộ nào kể từ đó do căng thẳng leo thang vì vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Ý kiến ()