Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 18:11 (GMT +7)
Hàn Quốc tham vọng trở thành cường quốc sản xuất vaccine COVID-19
Thứ 3, 10/08/2021 | 16:18:42 [GMT +7] A A
Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch đầu tư hàng tỉ USD, biến Hàn Quốc trở thành cường quốc sản xuất vaccine COVID-19 mới của thế giới, sẽ nâng cao vị thế của nước này trên trường quốc tế với tư cách là nhà cung cấp toàn cầu.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), tuần trước, Seoul tuyên bố sẽ đầu tư 1,9 tỉ USD vào lĩnh vực sản xuất vaccine, nhằm bắt kịp các nhà sản xuất vaccine lớn, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ trong 5 năm tới.
Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra cam kết này trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất vaccine, giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, điều đang khiến các quốc gia nghèo phải chật vật tìm cách tiếp cận vaccine.
“Nếu không có đủ nguồn cung vaccine cho tất cả các quốc gia, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong bối cảnh liên tục xuất hiện các biến thể mới. Hàn Quốc sẽ đi đầu trong việc giải quyết vấn đề này bằng cách trở thành trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu ”, ông Moon nói.
Theo một phần của chính sách, Hàn Quốc sẽ nuôi dưỡng khoảng 200 nhà khoa học y tế, 10.000 chuyên gia thử nghiệm lâm sàng và 2.000 nhân viên sản xuất sinh học, để thực hiện kế hoạch đầy tham vọng này. Chính phủ hy vọng sẽ có thể ra mắt vaccine COVID-19 do Hàn Quốc sản xuất vào nửa đầu năm 2022.
“Việc sở hữu loại vaccine do Hàn Quốc tự sản xuất cũng là điều quan trọng để chúng tôi đảm bảo bản quyền vaccine. Chính phủ sẽ hỗ trợ cả về tài chính và quy định để đẩy nhanh việc tung ra loại vaccine đầu tiên của Hàn Quốc”, ông Moon nói.
Ông Yoon Sung-suk, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Chonnam, cho rằng điều quan trọng đối với Hàn Quốc là phải trang bị cho mình khả năng phát triển và sản xuất vaccine để tồn tại trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
“Chúng ta không biết rằng còn đại dịch nào có thể xảy ra trên thế giới trong tương lai. Do đó, việc phát triển ngành công nghiệp vaccine càng trở nên quan trọng hơn đối với Hàn Quốc. Sự thành công trong nỗ lực này cũng sẽ nâng cao vị thế của Hàn Quốc với tư cách là nhà cung cấp toàn cầu cho một sản phẩm chiến lược khác, ngoài chất bán dẫn và pin, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng”, ông nói thêm
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang sử dụng chiến lược “ngoại giao vaccine” bằng cách xuất khẩu nguồn cung cho các đồng minh của minh và các quốc gia đang phát triển.
Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol cho biết khoản đầu tư cả tỉ USD này sẽ được sử dụng để hỗ trợ phát triển vaccine nội địa, bao gồm cả việc đảm bảo công nghệ gốc cho các sản phẩm mRNA. Quốc gia này cũng sẽ giảm thuế và đưa ra các ưu đãi khác để hỗ trợ các công ty cung cấp nguyên liệu, thiết bị sản xuất vaccine trong nước.
Đầu năm nay, Tổng thống Moon cũng đã công bố tầm nhìn về trung tâm vaccine của Hàn Quốc, nhằm mở rộng quy mô sản xuất vaccine COVID-19 không chỉ cho tiêu dùng trong nước mà còn cho nguồn cung toàn cầu, chứng minh năng lực sản xuất của quốc gia.
Bộ trưởng Y tế Kwon cho biết 7 nhà sản xuất dược phẩm trong nước đang chuẩn bị khởi động giai đoạn 3 của các thử nghiệm lâm sàng vào nửa cuối năm nay, bắt đầu với vaccine dựa trên protein của SK Bioscience vào tháng 8. Ngoài ra, các công ty địa phương cũng đã chế tạo tổ hợp vaccine mRNA vào tháng 6, với mục tiêu phát triển một loại vaccine do Hàn Quốc tự sản xuất vào cuối năm tới.
Nước này cũng đang tìm cách mở rộng hợp tác quốc tế bằng cách tạo dựng quan hệ đối tác vaccine với Anh, Đức và các quốc gia khác, đồng thời thu hút các công ty và nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Joe Biden đã đồng thuận quan hệ đối tác kết hợp chuyên môn về vaccine của Mỹ và năng lực sản xuất của Hàn Quốc tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra hồi tháng 5 vừa qua.
Giáo sư danh dự Lee Hoanjong tại Bệnh viện Nhi đồng Đại học Quốc gia Seoul hoan nghênh dự án này. Ông cho rằng sẽ là một ý tưởng hay nếu kết hợp cơ sở hạ tầng sản xuất vaccine của Hàn Quốc với khả năng nghiên cứu và phát triển của Mỹ cùng các nước châu Âu.
“Hàn Quốc có cơ sở sản xuất tốt cũng như nhiều kỹ sư và nhân viên sinh học được đào tạo bài bản, nhưng lại tụt hậu so với các nước phát triển về nghiên cứu và phát triển cơ bản”, ông nói và cho biết việc đưa sản xuất vaccine thành động lực tăng trưởng cho Hàn Quốc là hoàn toàn khả thi. Hàn Quốc là nhà sản xuất dược phẩm y sinh lớn thứ 2 thế giới và là quê hương của các nhà sản xuất thuốc toàn cầu như Samsung Biologics và SK Bioscience.
Tuy nhiên, ông Kim Woo-joo, Giáo sư tại Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Guro Hàn Quốc, cho biết kế hoạch cạnh tranh với các nhà phát triển vaccine lớn vào năm 2025 dường như là "quá tham vọng".
“Hàn Quốc có thể đóng vai trò là cơ sở sản xuất cho các nhà phát triển, nhưng khó có thể cạnh tranh với các công ty Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. AstraZeneca, Moderna và Pfizer đã có thể sản xuất vaccine COVID-19 trong một thời gian ngắn vì họ đã có nhiều thập kỷ nỗ lực nghiên cứu”, ông nói. “Sẽ là một điều kỳ diệu nếu Hàn Quốc sản xuất được vaccine nội địa trong thời gian ngắn như vậy, mà không cần dựa vào các công nghệ nền tảng đã được các nước phát triển cấp bằng sáng chế”.
Tổng thống Hàn Quốc coi việc sản xuất vaccine là ưu tiên quan trọng trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3 tới. Ông đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong nước về làn sóng COVID-19 thứ tư và chiến dịch tiêm chủng chậm chạp. Hiện tại, Hàn Quốc phụ thuộc chủ yếu vào vaccine AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer.
Hôm 9/8, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc đã phải xin lỗi về tình trạng thiếu vaccine COVID-19, sau khi Moderna cho biết họ có thể giao ít hơn một nửa lô hàng theo kế hoạch là 8,5 triệu liều trong tháng này do các vấn đề sản xuất.
Tính đến ngày 9/8, chỉ có khoảng 41% trong số 52 triệu dân của đất nước đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19, thấp hơn nhiều so với con số hơn 70% ở các quốc gia giàu có khác như Anh và Singapore.
Hàn Quốc đã ghi nhận trung bình 1.580 ca mắc COVID-19 hàng ngày trong tuần qua, tăng nhẹ so với 1.484 trường hợp của tuần trước đó, mặc dù đã áp dụng các biện pháp hạn chế giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất trong kỳ nghỉ hè và sự gia tăng của biến thể Delta dễ lây lan hơn.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), khoảng 15% người Hàn Quốc đã được tiêm phòng đầy đủ. Hàn Quốc đặt mục tiêu nâng con số lên 70%, tương đương khoảng 36 triệu người vào tháng 9.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()