Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:04 (GMT +7)
Hàn Quốc dẫn đầu về số dự án FDI mới và tăng vốn tại Việt Nam
Thứ 4, 01/09/2021 | 11:27:45 [GMT +7] A A
Không chỉ triển khai nhiều dự án đầu tư mới, các nhà đầu tư Hàn Quốc còn dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh; góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021.
251 dự án FDI đăng ký mới
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, 8 tháng đầu năm, các nhà doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư 251 dự án mới tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 759 triệu USD; điều chỉnh 179 lượt dự án, với tổng vốn điều chỉnh tăng 1,184 tỷ USD, cùng với đó là 967 lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đạt 494,46 triệu USD.
Tính chung cả 3 hình thức đầu tư trên, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã “rót” vào Việt Nam 2,438 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, xếp thứ 3 về số vốn đăng ký trên tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là, về số dự án đăng ký mới, số dự án điều chỉnh và cả số lượt góp vốn, mua cổ phần thì các nhà đầu tư Hàn Quốc đều dẫn đầu, vượt cả Singapore và Nhật Bản là hai quốc gia dẫn đầu và đứng thứ 2 về số vốn đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm.
Cụ thể, về số dự án đăng ký mới, Singapore có 140 dự án; Nhật Bản 120 dự án, thấp hơn rất nhiều so với 251 dự án của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Về dự án điều chỉnh vốn, Hàn Quốc có 179 dự án, trong khi Singapore và Nhật Bản lần lượt là 60 và 82 dự án; về số lượt góp vốn, mua cổ phần, Hàn Quốc có 967 lượt (chiếm hơn 35% trong tổng số 2.720 lượt dự án), trong khi Singapore và Nhật Bản lần lượt là 217 dự án và 151 dự án.
“ Như vậy, xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra quyết định đầu tư mới, cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất trong 8 tháng” – Báo cáo về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 8 tháng đầu năm của Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định.
Đánh giá về hiện tượng này với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài – cho rằng: Điều đó chứng tỏ, các nhà đầu tư Hàn Quốc rất có niềm tin với môi trường đầu tư Việt Nam, ngay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng số dự án đăng ký mới, điều chỉnh vẫn không ngừng tăng lên.
Cơ hội còn nhiều
Trên thực tế, những năm gần đây, Hàn Quốc luôn nằm trong Top những quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, năm 2020, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam 3,949 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm và đứng thứ 2 trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, sau Singapore với gần 9 tỷ USD.
Trước đó, vào năm 2019, Hàn Quốc dẫn đầu trong tổng số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm.
Không chỉ nhiều về số lượng, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng khẳng định, các dự án FDI của Hàn Quốc còn được đánh giá cao về chất lượng và thường giải ngân rất nhanh sau khi nhận được giấy phép đầu tư. Chính bởi lẽ đó, rất nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến việc thu hút các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Hàn Quốc cũng ngày càng trở thành đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam do dòng vốn đầu tư từ quốc gia này đang hướng đúng vào mục tiêu, chiến lược thu hút FDI của Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, may mặc, tài chính ngân hàng, logistics, dịch vụ… góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, dịch vụ, xuất khẩu phát triển và tạo việc làm cho khoảng 700.000 lao động tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xu hướng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, nguyên nhân là bởi, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, có sự phát triển ổn định, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đều quan tâm đến xúc tiến đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư đến từ Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam đã và đang thực thi các cam kết của nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các Hiệp định này bao trùm khoảng 60 nền kinh tế, là các đối tác thương mại chủ chốt, chiếm phần lớn kim ngạch thương mại của Việt Nam, điều đó hứa hẹn sẽ tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và mở ra những cơ hội thu hút FDI, trong đó có FDI đến từ Hàn Quốc.
Lũy kế tính đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 9.159 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 72,346 tỷ USD. |
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()