Một quan chức cấp cao hôm nay tiết lộ kế hoạch đàm phán sản xuất vaccine công nghệ mRNA của chính phủ Hàn Quốc. Ông cho hay nếu thành công, kế hoạch sẽ giảm bớt áp lực lên nguồn cung vaccine Covid-19 trên toàn cầu, đặc biệt ở châu Á, nơi chậm hơn nhiều so với Bắc Mỹ và châu Âu trong triển khai vaccine, đồng thời đưa Hàn Quốc tới gần hơn tham vọng trở thành trung tâm sản xuất vaccine lớn.
Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận sản xuất trong nước ba loại vaccine Covid-19 là AstraZeneca, Novavax và vaccine của Nga. Quốc gia này cũng ký hợp đồng chiết xuất và đóng chai vaccine Moderna.
"Chúng tôi thường xuyên tổ chức đàm phán với các hãng dược phẩm lớn về sản xuất vaccine mRNA", Lee Kang-ho, tổng giám đốc ủy ban trung tâm vaccine toàn cầu thuộc Bộ Y tế Hàn Quốc, cho biết.
"Hiện chỉ có vài hãng sản xuất vaccine mRNA là Pfizer, Moderna, CureVac và BioNTEch. Vì vậy, lượng vaccine mà họ sản xuất bị giới hạn, không đủ đáp ứng nhu cầu thế giới. Hàn Quốc muốn hỗ trợ bằng cách cung cấp cơ sở vật chất và nhân lực tay nghề cao", Lee nói.
Hiện chưa rõ tiến triển của các cuộc đàm phán, cũng như kết quả đàm phán và thời gian thực hiện.
BioTNTech từ chối bình luận, Moderna và CureVac không trả lời yêu cầu bình luận. Phát ngôn viên của Pfizer cho hay công ty đang nỗ lực tăng cường chuỗi cung ứng vaccine Covid-19 toàn cầu nhưng nói thêm "chúng tôi không đưa ra bất kỳ tuyên bố cụ thể nào trong thời điểm này".
Lee cho hay Hàn Quốc có khả năng sản xuất một tỷ liều vaccine Covid-19 theo công nghệ mRNA ngay lập tức, nhưng từ chối nêu tên các nhà sản xuất vaccine địa phương có đủ năng lực. Tuy nhiên, một nguồn tin chính phủ tiết lộ các công ty đủ năng lực bao gồm Hanmi Pharmaceuticals và Quratis.
Hanmi xác nhận có sẵn dây chuyền sản xuất công suất lớn dành cho thuốc tiểu đường của Sanofi và có thể sử dụng dây chuyền này để sản xuất vaccine Covid-19 bởi dự án với Sanofi đang bị hoãn.
Quratis, công ty sản xuất vaccine phòng bệnh lao, cho hay nhà máy mới khai trương năm ngoái có thể sử dụng để sản xuất vaccine mRNA.
Vaccine Covid-19 phát triển dựa trên công nghệ mRNA (thông tin di truyền) được phủ bởi một lớp nano lipid (chất béo) của tế bào. Khi tiêm vaccine, cơ thể sử dụng hướng dẫn trong mRNA để tạo ra các protein đột biến. Phản ứng miễn dịch này tạo ra kháng nguyên bảo vệ cơ thể khi nCoV xâm nhập, cho hiệu quả khoảng 95%.
Ý kiến ()