Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 14:40 (GMT +7)
Hàn Quốc có thể vượt mốc 4.000 ca mới/ngày, số ca nhiễm ở ổ dịch trong chùa tại Campuchia tăng mạnh
Thứ 4, 29/09/2021 | 08:24:50 [GMT +7] A A
Đến sáng 29/9, thế giới có trên 233,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,77 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, đã vượt ngưỡng 40 triệu người, bao gồm hơn 710.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 60.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
New York là thành phố đi tiên phong trong việc triển khai tiêm vaccine nhanh. Thành phố này cũng đang áp dụng những biện pháp được cho là tiên phong và quyết liệt đối với những người chưa tiêm vaccine, tạo cơ hội cho những người đã tiêm vaccine. Bắt đầu từ tuần này, quy định tất cả giáo viên và nhân viên giáo dục New York phải tiêm vaccine mới được tới trường sẽ có hiệu lực.
Đối với các nhân viên phục vụ phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện ngầm, 100% phải tiêm đủ vaccine. Nhân viên hàng không sẽ theo quy định của từng hãng. Còn các công ty tài chính đa phần lựa chọn phương án chỉ cho nhân viên đã tiêm vaccine được tới văn phòng làm việc. Điều đó cũng có nghĩa, những người chưa tiêm, làm việc ở nhà cũng sẽ đứng trước những cạnh tranh về vị trí công việc, lương thưởng và thậm chí nếu mất việc thì cũng khó xin việc ở nơi khác, bởi hầu hết các công ty khi tuyển nhân viên mới đều yêu cầu chứng minh đã tiêm vaccine.
Các bệnh viện tại thành phố New York, Mỹ bắt đầu sa thải hoặc đình chỉ công tác các nhân viên y tế không tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo quy định được bang New York ban hành hồi tháng 8. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động tại một số bệnh viện, kéo theo đó là nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các ca phẫu thuật chỉ định đã phải tạm hoãn.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 28/9, nước này ghi nhận hơn 21.900 ca mắc mới COVID-19 và 375 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,7 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 447.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Các nhà quản lý dược phẩm Ấn Độ đã cho phép Viện Huyết thanh nước này tiến hành tuyển chọn tình nguyện viên là trẻ em ở độ tuổi từ 7-11 tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 của hãng Novavax (Mỹ). Hiện giới chức y tế Ấn Độ vẫn chưa cấp phép sử dụng vaccine của hãng Novavax.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 594.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Nga ngày 28/9 đã ghi nhận số ca tử vong trong ngày do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay sau sự gia tăng các ca mắc liên quan đến biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Cụ thể, số liệu thống kê của Chính phủ Nga cho thấy, trong 24 giờ qua, tại nước này đã có 852 ca tử vong, con số cao nhất ở Nga kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát tại nước này. Con số tử vong trên đã nâng tổng số người chết do COVID-19 tại Nga lên 205.531 ca, mức cao nhất ở châu Âu.
Kể từ tháng 8, số ca mắc COVID-19 tại Nga, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 5 trên thế giới do dịch bệnh này, đã tăng do tốc độ tiêm chủng chậm trễ. Trong tuần qua, thủ đô Moscow, tâm chấn của đợt bùng phát dịch bệnh ở Nga, đã trải qua một đợt bùng phát mạnh số ca mắc mới và giới chức nước này đã cảnh báo về sự gia tăng tỷ lệ nhập viện tại đây. Theo Phó Thị trưởng Moscow Anastasia Rakova, tất cả các ca mắc bệnh ở thành phố này đều là do nhiễm biến thể Delta.
Chính phủ Chile đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được ban bố từ giữa tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19, cũng như chấm dứt lệnh giới nghiêm được áp dụng vào buổi tối.
Chile hiện chỉ ghi nhận trung bình khoảng 500 ca nhiễm mới và hơn 10 ca tử vong mỗi ngày. Một trong những lý do quan trọng giúp Chile đạt được những tiến bộ tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh là việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 đại trà cho người dân. Đến nay, đã có 13,4 triệu trong tổng số 19 triệu người dân Chile hoàn tất phác đồ tiêm vaccine và hiện nước này đã bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi Ngoài ra, những chính sách hợp lý và ý thức hợp tác của người dân cũng khiến tình hình kiểm soát dịch bệnh có những tiến triển tích cực.
Thái Lan đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại đất nước. Kế hoạch bao gồm 4 giai đoạn, tùy theo các yếu tố về doanh thu du lịch, địa lý, các biện pháp phòng ngừa COVID-19. Theo đó, giai đoạn thí điểm sẽ được tiến hành trong tháng 10, mở cửa lại các tỉnh có nhiều địa điểm du lịch. Sau đó là giai đoạn 1 sẽ diễn ra vào tháng 11, giai đoạn 2 vào tháng 12 và cuối cùng là giai đoạn 3 được thực hiện từ tháng một năm sau, mở lại các tỉnh còn lại trên cả nước.
Ngoài ra, Thái Lan cũng quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp tới ngày 30/11 tới, tuy nhiên sẽ cho phép thêm doanh nghiệp mở cửa trở lại, rút ngắn thời gian giới nghiêm ban đêm.
Theo báo cáo của Bộ Y tế Campuchia, 82% trong tổng số 16 triệu dân của nước này, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Trong số hơn 13 triệu người được tiêm vaccine tại Campuchia, có tới 10,8 triệu người, tương đương 68% dân số, đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa Covid-19. Campuchia đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 kể từ tháng 2 năm nay và đang hy vọng có thể đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới, hướng đến mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế và xã hội một cách toàn diện và bền vững.
Số ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng tại Campuchia đang tăng nhanh liên quan đến ổ dịch ở các ngôi chùa tại thủ đô Phnom Penh và mới nhất là Battambang, nơi có tới 43% nhà sư có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, cùng với đó là "điểm nóng" COVID-19 tại tỉnh Siem Reap chưa có dấu hiệu dịu đi.
Bộ Y tế Campuchia ngày 28/9 ra thông cáo xác nhận có thêm 26 người tử vong và 866 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 83 trường hợp nhập cảnh và 783 cư dân lây nhiễm cộng đồng. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc COVID-19 tại Campuchia ở trên mức 800 ca và là mức cao nhất kể từ ngày 16/7. Như vậy, tính đến ngày 28/9, Campuchia phát hiện tổng cộng 110.792 ca mắc COVID-19, trong đó 101.690 người đã khỏi bệnh và 2.287 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế Lào cho biết, tính đến ngày 26/9, đã có trên 2,9 triệu người tại nước này được tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19 (tương đương khoảng 39,4% dân số) và trên 2 triệu người đã tiêm đủ hai mũi (tương đương khoảng 27% dân số). Bộ Y tế Lào khẳng định, nước này sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 50% dân số trên cả nước trong năm nay. Hiện Lào đã lên kế hoạch vào năm 2022 tiêm chủng mở rộng với nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi, với mục tiêu 70% dân số được tiếp cận vaccine trong năm này.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 trong nước, ngày 28/9, Bộ Y tế Lào cho biết, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 22.441, trong đó có 16 người tử vong.
Chính phủ Malaysia đang xem xét tiếp tục nới lỏng biện pháp phòng chống dịch bệnh. Dự kiến vào đầu hoặc giữa tháng 10 tới, nước này sẽ cho phép người dân đi lại xuyên bang. Khi đó, tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng ở nhóm người từ 18 tuổi trở lên đạt gần 90%. Hội đồng Hồi phục quốc gia Malaysia đang thảo luận vấn đề mở cửa biên giới, bao gồm cho phép những người Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng ra nước ngoài và cho phép các doanh nhân, du khách được nhập cảnh.
Malaysia ngày 28/9 ghi nhận 11.332 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm trên cả nước lên hơn 2,2 triệu trường hợp, bao gồm gần 25.700 bệnh nhân thiệt mạng.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi tất cả người dân nước này chuẩn bị sống chung với COVID-19. Ông Widodo cho biết, tình hình dịch bệnh tại Indonesia đã được cải thiện trong thời gian gần đây, các bệnh viện hiện không còn quá đông bệnh nhân COVID-19, trong khi các trung tâm cách ly tập trung tại nhiều thành phố bắt đầu được nới lỏng. Lệnh hạn chế những hoạt động cộng đồng (PPKM) đã được giảm cấp độ tại nhiều vùng. Trung tâm mua sắm, nhà thờ, địa điểm du lịch đã bắt đầu mở cửa trở lại và các trường bắt đầu tổ chức học trực tiếp.
Ông Widodo lưu ý rằng, kết quả này không thể tách rời việc tiêm chủng đại trà và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện các quy định y tế, đồng thời yêu cầu người dân không được mất cảnh giác trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Chính phủ Indonesia cũng quyết định phân bổ 9.200 tỷ Rupiah (645 triệu USD) từ ngân sách nhà nước năm 2022 để hỗ trợ phục hồi ngành du lịch.
Từ tháng 10 tới, trẻ em Philippines từ 12 tuổi sẽ được tiêm vaccine COVID-19. Đây là quyết định được Chính phủ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra ngày 28/9 trong nỗ lực nâng tỷ lệ tiêm chủng của cả nước cũng như chuẩn bị mở cửa lại trường học.
Trước đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc của Philippines đã phê chuẩn sử dụng vaccine của hãng Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Tiêm chủng cho trẻ em được coi là một bước quan trọng để mở lại các trường học ở Philippines, vốn là một trong số ít các quốc gia trên thế giới vẫn đóng cửa trường học kể từ khi đại dịch bùng phát. Chính phủ Philippines gần đây đã công bố kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại 120 các trường tiểu học và trung học, nhưng chỉ có rất ít thông tin chi tiết được công bố.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Philippines đã ghi nhận tổng cộng trên 2,5 triệu ca mắc, trong đó có hơn 37.600 người tử vong.
Dân số của Singapore đã giảm xuống còn 5,45 triệu người, so với con số 5,69 triệu của năm 2020, mức sụt giảm kỷ lục do tác động từ những biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19. Những hạn chế trong việc đi lại, di chuyển trong thời kỳ đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm dân số tại Singapore. Nhiều công dân và thường trú nhân đã ở nước ngoài liên tục từ 12 tháng trở lên và những người này không được tính vào dân số của Singapore.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp áp dụng tại 19 địa phương và các biện pháp phòng dịch trọng điểm áp dụng tại 8 địa phương vào đúng hạn là ngày 30/9, sau khi đã tham vấn Nhóm chuyên gia cố vấn về vấn đề này. Theo Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Yasutoshi Nishimura, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm mạnh trên phạm vi toàn quốc và số ca bệnh nặng cũng đã giảm 50% so với thời điểm đỉnh dịch, qua đó giảm đáng kể áp lực lên hệ thống y tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nishimura nhấn mạnh, sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, gần như chắc chắn số ca mắc COVID-19 mới sẽ tăng trở lại, nên phải tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn sự bùng phát trở thành làn sóng lây nhiễm tiếp theo.
Hàn Quốc đang chứng kiến số ca nhiễm mới COVID-19 tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ Tết Trung thu. Ngày 28/9, nước này ghi nhận 2.289 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 305.800 trường hợp kể từ đầu dịch.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và dự báo, số ca nhiễm mới có thể ở ngưỡng 4.000 ca/ngày trong vài ngày tới. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến triển khai chiến lược sống chung với COVID-19 từ cuối tháng 10 tới, sau khi ít nhất có 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Ngày 28/9, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố quyết định kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội hiện hành thêm hai tuần nữa, đến ngày 13/10. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Hong Kong không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng kể từ ngày 17/8. Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong lo ngại, tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 trong nhóm người cao tuổi ở đây tương đối thấp, nếu làn sóng dịch thứ 5 bùng phát, người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong rất cao.
Hong Kong ngày 28/9 xác nhận 13 trường hợp mắc COVID-19 mới, đều là các ca nhập cảnh và mang chủng virus đột biến L452R, nâng tổng số người nhiễm bệnh ở đặc khu này lên 12.210 trường hợp với 213 người thiệt mạng.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()