Tại họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 7/12, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết đang làm việc với TikTok trong quá trình triển khai các biện pháp khắc phục sai phạm, theo kết luận công bố hồi tháng 10.
Theo đại diện Cục, TikTok đã thực hiện phần lớn yêu cầu của Việt Nam. Tuy nhiên, có hai nội dung nền tảng này chưa chấp nhận, gồm: ủy quyền cho pháp nhận tại Việt Nam trong việc tiến hành quản lý, xử lý nội dung vi phạm theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước; và thỏa thuận với cơ quan báo chí về triển khai bản quyền cho nội dung báo chí xuất hiện trên nền tảng.
Trước đó, cơ quan chức năng cho biết TikTok có hai pháp nhân tại ở Việt Nam là Văn phòng TikTok tại TP HCM và Công ty TikTok Việt Nam. Dù vậy, cả hai không được trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà hoàn toàn do TikTok Singapore vận hành.
Về việc nền tảng video chưa tuân thủ việc ủy quyền, bà Huyền cho biết: "TikTok nêu lý do hiện pháp luật Việt Nam chưa quy định nên họ chưa có cơ sở để thực hiện việc này, Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán để nền tảng thực hiện nghiêm".
Cũng theo đại diện Cục, trong các nội dung còn lại, TikTok cam kết tuân thủ bốn nội dung, còn ba nội dung đang thảo luận với Bộ nhằm tìm phương án triển khai, gồm: ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật, nâng cấp công cụ tìm kiếm để quét nội dung hiệu quả hơn và cải thiện hệ thống kiểm duyệt, đặc biệt với hình thức livestream.
Đoàn kiểm tra đề xuất TikTok phải gỡ bỏ 100% nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp để ngăn những nội dung vi phạm đã bị chặn gỡ được đăng lại. Tuy nhiên theo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, tỷ lệ đáp ứng của nền tảng mới đạt 94-95%. Theo thống kê vào tháng 11, TikTok chặn gỡ 12 nội dung vi phạm (tỷ lệ 92%), xóa 10 tài khoản theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Cũng tại họp báo, giải đáp về tình trạng hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc được bán công khai trên TikTok dịp cuối năm, bà Huyền cho biết các cơ quan chức năng sẽ phối hợp để xử lý. Hiện TikTok đã đăng ký hoạt động thương mại điện tử với Bộ Công thương. Do đó, nếu vi phạm, các đơn vị kinh doanh trên nền tảng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ.
TikTok Việt Nam chưa bình luận về các thông tin trên.
Mạng xã hội video ngắn TikTok là nền tảng xuyên biên giới đầu tiên bị kiểm tra toàn diện tại Việt Nam, từ tháng 5. Trong kết luận công bố hồi tháng 10, đoàn kiểm tra cho biết vi phạm của TikTok tập trung vào nội dung trên mạng xã hội và hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, nền tảng lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam tại các máy chủ CDN trong nước, gồm thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội, thông tin gây hại cho trẻ em.
Ngoài ra, quy trình kiểm duyệt được đánh giá chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm. Cách thức phân phối, đề xuất dựa trên sự tương tác, sở thích, mối quan tâm của người dùng dễ dẫn đến việc nội dung vi phạm lại được lan truyền với tốc độ nhanh chóng.
Mạng xã hội này cũng không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn thông tin, sự riêng tư của trẻ em; không gửi cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp hoặc thay đổi thông tin liên quan tới đời sống riêng tư; không thực hiện việc phát hiện và loại bỏ hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ. Là nền tảng cho người trên 13 tuổi, nhưng trẻ chưa đủ tuổi vẫn có thể mở tài khoản, theo kết luận kiểm tra.
Ngoài các nội dung chưa tuân thủ, TikTok cũng được đánh giá đã triển khai tốt một số yêu cầu từ phía Việt Nam. Thời gian qua, đại diện nền tảng đã phối hợp cùng cơ quan chức năng để mở các chiến dịch truyền thông, giúp nâng cao văn hóa ứng xử trên không gian mạng, ví dụ chiến dịch Tin khởi động đầu tháng 10. Đồng thời, nền tảng cũng tổ chức các cuộc thi khuyến khích nhà sáng tạo nội dung tham gia quảng bá, kêu gọi người dùng chống lại vấn đề tiêu cực như nạn tin giả.
Ý kiến ()