Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:33 (GMT +7)
Hải trình của những con "tàu không số"
Thứ 2, 23/10/2023 | 16:08:47 [GMT +7] A A
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những người lính tàu không số ở Quảng Ninh đã tham gia nhiều cuộc hải trình chi viện cho miền Nam, góp phần thống nhất đất nước. Nghe những câu chuyện họ kể, chúng tôi hiểu hơn những hy sinh của người lính nơi mưa bom bão đạn.
Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Quảng Ninh hiện còn 61 hội viên. Họ đã từng thực hiện hàng trăm chuyến tàu không số. Mỗi một chuyến tàu lại có những câu chuyện có thể chưa đưa vào sử sách, nhưng sống mãi trong tâm trí họ. Hoạt động của đoàn tàu không số từ ngày 23/10/1961 đến 30/4/1975 chia ra nhiều thời kỳ. Mỗi thời kỳ đều có dấu ấn riêng, thông qua các nhân chứng lịch sử viết nên bản hùng ca của những người lính tàu không số.
Từ Tuần Châu đến Bến Tre
Ông Vũ Đăng Khoa (81 tuổi, hiện ở phường Bạch Đằng, TP Hạ Long), nguyên là chiến sĩ tàu 67. Tháng 10/1964 ông nhận lệnh đi Nam. Tàu 67 nhận hàng ở Tuần Châu, neo ở hang Trinh Nữ rồi vào Vụng Ếch. Nửa đêm đi qua bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng) để bảo dưỡng rồi mới chính thức lên đường. Theo ông Khoa, vì là bến phụ nên Tuần Châu đảm bảo an toàn hơn khi xuất phát so với Hải Phòng.
Để che mắt địch, tàu 67 treo cờ ngụy quyền Sài Gòn, vòng sang hải phận của Trung Quốc chờ thông tin của tình báo ta gửi ra báo an toàn rồi mới vào. Khoảng 20 ngày, tàu đến Bến Tre. Do đi trong đêm tối, trời lại mưa dông nên tàu 67 bị chệch hướng và mắc cạn ở Cồn Lợi (Bến Tre).
Nhằm giữ bí mật con đường, chiến sĩ được lệnh di chuyển vào bờ, trên tàu chỉ còn Chính trị viên Lê Hồng Phước, máy trưởng Hoàng Anh Dũng, pháo thủ Vũ Đăng Khoa. Phát hiện có tàu lạ, nhiều tốp máy bay địch quần thảo trinh sát, tàu chiến của địch ngoài khơi thả xuồng cao su cho lính định sang tàu ta kiểm tra. Trời nhá nhem tối, tàu của ta ngụy trang kín đáo, địch tưởng tàu cá mắc cạn nên bỏ đi.
Ngay trong đêm, lực lượng trên bờ đã nhanh chóng chuyển 70 tấn vũ khí vào trong căn cứ. Con tàu bị mắc cạn giữa bãi cát khổng lồ, không có cách giải cứu. Chi bộ họp ngay trên boong tàu, quyết định thà mất tàu chứ nhất quyết không để lộ con đường. Ông Khoa kể: "Lúc đó tôi nghĩ mình xuất thân là công nhân Vùng mỏ ra đi, mình sẽ xin ở lại thực hiện nhiệm vụ này".
Ông Khoa xung phong ở lại điểm hỏa 3 tấn thuốc nổ phá tàu. Khoảng 1 giờ sau thì khối bộc phá phát nổ, con tàu nổ tung không để lại dấu vết, tuyến đường được an toàn. Ông Khoa tiếp tục trở lại Quảng Ninh và tham gia nhiều chuyến tàu khác.
Truy điệu Bác Hồ ở Hạ Long
Bến Vạn Hoa ở Vân Đồn là nơi tàu 154 xuất phát vào thời điểm Bác Hồ qua đời. Biến đau thương thành hành động cách mạng, tàu 154 quyết định phải thực hiện chuyến đi thành công. Do hỏng hóc, tàu phải neo ở Vịnh Hạ Long, gần hang Sửng Sốt. Trong thời gian ở đây, chiến sĩ có nhớ nhà đến mấy cũng không được nghỉ phép lên bờ thăm nhà.
Chỉ huy tàu chỉ đạo biến đau thương thành hành động. Anh em thủy thủ làm lễ truy điệu Bác, cùng nắm tay nhau thề: "Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, dù có phải hy sinh để đền ơn Bác".
Đến ngày tàu sửa chữa xong. Hai chiếc tàu của Liên Xô chở thủy thủ và vũ khí ra khu vực hang Sửng Sốt. Thủy thủ tự bốc xếp vũ khí sang tàu, nhổ neo xuất bến lên đường vào Nam. Vịnh Hạ Long vào tháng 10 trời biển trong xanh, gió mát dịu. Tàu 154 vòng lên bán đảo Lôi Châu rồi chạy ra hải phận quốc tế. Thuyền trưởng cho tàu đi theo đúng lịch trình mà tàu trinh sát 42 đã đi trước. Tàu đi trên biển giống như thuyền buôn của vùng Đông Nam Á, mang biển số Trung Quốc, nghỉ ở đâu, đi tới nước nào thì treo cờ nước đó để tránh sự theo dõi của máy bay Mỹ.
Từ Hạ Long, tàu đi vòng xuống tận hải phận Indonexia, qua Malayxia mà không bị máy bay trinh sát của Mỹ phát hiện. Xuống đến vịnh Thái Lan, tàu thấy đèn của Singapore biết là cứ thẳng đường sẽ đi vào Hòn Khoai. Khi mặt trời lặn, tàu đã bắt được hải đăng của Hòn Khoai, phải tính toán chính xác để vào cửa Vàm Lũng thật nhanh, không được chạy lòng vòng ngoài biển địch sẽ phát hiện. Trời mưa tầm tã, tàu chỉ nhìn thấy bờ mờ mờ nhưng vẫn quyết dò đường đi vào.
Cuối cùng, con tàu đã vào được bến sau 3 năm bến đợi, bến chờ. Tiếng động cơ khuấy động vùng rừng đước. Nhiều đồng đội đã lội ra trèo bằng được lên tàu. Những cái ôm thật chặt đến nghẹt thở. Họ vừa ôm nhau vừa khóc. Tàu 154 chở 58 tấn vũ khí đã vào Cà Mau thành công sau 3 năm bến vắng thuyền, đã góp phần củng cố phong trào cách mạng miền Nam, giữ vững niềm tin về ngày thống nhất đất nước.
Những kho tàng bí mật
Những hang động trên Vịnh Hạ Long chính là những kho tàng bí mật cất giấu vũ khí của những con tàu không số, như: Hang Đầu Gỗ, hang Bồ Nâu, hang Sửng Sốt. Theo như ông Nguyễn Văn Cải, Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Quảng Ninh, vì phía Hải Phòng bị phong tỏa thủy lôi, máy bay bom đạn, tàu rất khó tiếp cận; trong khi đó Hạ Long rất nhiều hang động có thể giấu hàng, tàu cũng dễ tiếp cận hơn.
Trong số những chuyến tàu vào Nam, Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh đã từng thực hiện nhiều cuộc hải trình từ Hạ Long. Đêm 22/11/1964, tàu 41 do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy, chở 63 tấn khí tài xuất phát từ Hạ Long. Đêm 28/11/1964, tàu cập bến Vũng Rô, Phú Yên. Sau thắng lợi chuyến đầu, tàu 41 tiếp tục vào Vũng Rô 2 chuyến nữa. Bốc hàng từ bến Vũng Rô, xe đưa hàng trăm tấn khí tài về hậu cứ và tỏa đi khắp các chiến trường, trang bị kịp thời cho những trận đánh lớn, mở rộng vùng giải phóng.
8 năm sau, chiến tranh ngày càng ác liệt, hoạt động của đoàn tàu không số gặp nhiều khó khăn, thậm chí thiệt hại. Chiều 19/12/1972, tàu 604 bị trúng bom ở Vịnh Hạ Long. Các tàu của Đoàn 125 phải ẩn tàu và người ở căn cứ A2 là Cảng Hậu Thủy, đảo Hải Nam, Trung Quốc. Ông Vũ Văn Đức (hiện ở phố Giếng Đồn, TP Hạ Long) xúc động kể chuyện tàu 604. Đây là chuyến đi biển đầu tiên của ông sau 2 tháng được biên chế về làm điện công.
Đầu tháng 12/1972 tại căn cứ A2, Đoàn 125 quyết định điều 3 tàu 604, 607, 608 đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Sau 2 ngày khởi hành đến cảng Trạm Giang, Trung Quốc, đón Đoàn tàu tên lửa 2 ống phóng, tiếp nhận vũ khí và trang bị trực tiếp từ 2 tàu vận tải Liên Xô trung chuyển qua.
Bộ phận tàu vận tải được xưng danh Đoàn đánh cá Hạ Long cơ động vào cập mạn 2 tàu Liên Xô, nhận đủ hàng. Ngày 16/12 tàu lên đường về Việt Nam. Rạng sáng 18/12, 1 tàu rà phá thủy lôi làm nhiệm vụ mở và dẫn đường cho tàu 604 và 4 tàu tên lửa trở về nước cập bến cảng E172 ở TX Hòn Gai. 2 tàu 607 và 608 ở lại Bắc Hải đợi lệnh về sau.
Bộ Tư lệnh Hải quân và chỉ huy Đoàn 172 xuống tận cảng đón chúc mừng. 4 tàu tên lửa được đưa đi tránh bom ngay ở các đảo đá trong khu vực Vịnh Hạ Long. Tàu 604 ở tại cảng làm công tác chuẩn bị dỡ hàng, đến tối chuyển hàng lên căn cứ.
Khoảng 21 giờ trên trời có tiếng máy bay Mỹ. "Tôi nghe tiếng đồng chí chỉ huy hét lên trên máy bộ đàm: Các trận địa cao xạ Bãi Cháy, Hà Lầm, Cột 8, Hà Tu, các anh bắn mạnh lên trời ở khu hải quân. Máy bay Mỹ trên đầu tôi đây này. Đến sáng 19/12, công việc hoàn thành. Tàu rà phá lôi đến, đưa tàu chúng tôi đến cập sát vào một hòn đảo đá có tên là hòn Trầu Triện" - ông Đức xúc động kể.
Các chiến sĩ tìm chặt cây xanh về ngụy trang tàu, đến trưa công việc hoàn thành. Thủy thủ nhìn thấy phía xa bờ có tòa nhà 3 tầng là UBND tỉnh. "Đó là địa chỉ quen thuộc vì tôi là dân Hồng Gai. Tôi khoe với mọi người và xin phép được về thăm nhà ít phút. Nhà tôi cách đây có 7 cây số. Thuyền trưởng bảo yên tâm, chờ đợi lệnh trên đã. Anh Trọng thuyền phó nói có kế hoạch chuẩn bị cho anh em chú mày cả 1 thùng táo Tây. Lên bờ, về nhà chia nhau" - ông Đức chia sẻ.
2 giờ chiều, tiếng máy bay Mỹ gầm rú hơn. Cao xạ trên bờ khai hỏa. Bom rơi trúng 1 tàu tên lửa mới nhận. Ông Đức kể tiếp: "Tàu vận tải to, chậm tốc, cơ động kém, trang bị vũ khí bộ binh, không thích hợp đánh máy bay, lại nằm trên bùn, tầm quan sát hạn chế, nên chúng tôi tránh địch, chưa lộ là chưa nổ súng, bảo toàn lực lượng. Anh em không trực, rời tàu lên đảo, chuyển đạn lên bờ, vì nếu tàu trúng bom, bị kích nổ thì tàu tan. "Xuồng quay lại chuyển 2 khẩu B41 thì nghe tiếng anh Trọng “Nằm xuống, bom rơi”. Bom nổ ầm ầm, tiếng kêu rít rít. Đất đá bay rào rào. Loạt bom đầu chúng thả không trúng tàu mà rơi xuống biển, bên mạn trái. Sau trận bom đầu, chúng tôi vào được hang. Tiếp theo lại loạt bom nữa. Sau 2 loạt bom thả không trúng tàu, chúng chuyển sang bắn đạn 20 ly. Đạn trúng, tàu 604 bốc cháy cột khói đen bốc cao. Chúng tôi nhanh chóng trở về tàu chữa cháy"- ông Đức xúc động nhớ lại.
Thấy thủy thủ vẫn không nổ súng, máy bay Mỹ bỏ đi. Tốp lính trẻ lên đảo sơ tán lần thứ 2 nhằm bảo toàn lực lượng. Khoảng 17 giờ thì về làm công tác vệ sinh tàu. Lúc này, tàu đã thoát cạn nổi lên. Tất cả không ai bị thương. Đến giờ khởi hành, con tàu oằn mình lạng lách qua các đảo đá Vịnh Hạ Long, hướng phương Bắc mà đi. Chuyến đi này, tàu 604 không được tàu phá lôi dẫn đường. Mọi người đều mặc áo phao, ra ngồi ngoài, nếu tàu trúng thủy lôi rơi xuống nước có người cứu.
Đến sáng 20/12, tàu 604 đến vùng biển Bắc Hải. Toàn thể tập trung tổng vệ sinh. Toàn tàu găm đầy mảnh bom, đạn, cháy đen thui. Ai cũng nể phục cán bộ điều khiển tàu lạng lách qua hàng trăm đảo đá, qua cả thủy lôi phong tỏa Hạ Long mà không dính. "Chuyến đi quá may mắn. Trong bom đạn, tôi không có thời gian nghĩ về sống chết. Đến tối, tôi nghĩ tại sao mình không chết ở phương Nam mà lại chết ở đất Bắc. Cái chết ở đất Bắc không vinh quang bằng. Tôi có hy sinh thì cũng phải hy sinh ở miền Nam" - ông Đức thành thực chia sẻ.
Chỉ huy 3 tàu họp, quyết định tổ chức liên hoan tại chỗ, mừng tàu 604 thoát chết trở về. Bữa cơm có hải sản hôm qua bắt được ở Hạ Long. Chiều 22/12 tàu về cửa biển cảng A2 neo lại ngoài khơi đợi đêm tối mới về cập cảng, nhờ công xưởng sửa chữa. Ăn Tết Canh Ngọ 1973 xong, tàu 604 nhận lệnh trở về nước tham gia chiến dịch.
Tháng 6/1973, tàu 604 đi vào Cửa Việt khảo sát tuyến vận gần chiến trường hơn. Đại tá Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cười nhắc lại sự việc: “Các cậu có biết, các cậu đã lấy bao nước mắt của tớ không? Chiều tối hôm đó, tớ đứng trên bờ Cột 8 nhìn ra Vịnh Hạ Long phải chứng kiến thiệt hại của ta. Có 1 trận bom mà có 2 tàu bị máy bay Mỹ tiêu diệt"...
Ông Đức rưng rưng lật danh sách cán bộ, chiến sĩ tàu 604. Từng dòng tên như nhòe mờ trước đôi mắt già nua theo năm tháng và cảm xúc nhớ thương. 22 cái tên, người còn, người mất, nhưng không ai và không phút giây nào ông quên họ.
Trong hàng nghìn chiến sĩ của đoàn tàu không số, tôi chỉ có thể viết được về một vài chuyến tàu và ghi lại một vài mẩu chuyện của những CCB Quảng Ninh. Không ít người đã mang những câu chuyện oai hùng của thế hệ mình về bên kia thế giới. Nhưng không có ai bị lãng quên. Họ vẫn sống trong tâm trí thế hệ sau, sống mãi với huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()