Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:30 (GMT +7)
Hai "siêu lừa" chiếm đoạt 5 tỷ đồng và 40.000 USD để “chạy” dự án
Thứ 6, 06/09/2024 | 08:26:45 [GMT +7] A A
Ngày 5/9, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đình Thùy (SN 1976, ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và bị cáo Vi Hồng Tiến (SN 1976, ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, Thùy và Tiến là lao động tự do, không có mối quan hệ, không có khả năng giúp doanh nghiệp nhận thầu các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, hai bị cáo này vẫn đưa ra thông tin gian dối với các bị hại về việc có quan hệ với lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng lãnh đạo nhiều địa phương nên có thể can thiệp để xin dự án cho doanh nghiệp. Đổi lại, nếu cá nhân hoặc doanh nghiệp nào muốn nhận được dự án thì phải đưa tiền chi phí.
Do tin tưởng Thùy và Tiến, một số bị hại đã đưa tiền cho hai bị cáo này. Kết quả điều tra xác định, từ năm 2017 đến năm 2018, Thùy đã chiếm đoạt của bốn bị hại với số tiền hơn 5 tỷ đồng; Tiến chiếm đoạt của một bị hại 40.000 USD.
Năm 2015, ông Dương Tuấn Khanh (ở Hà Nội) quen biết Thùy và Thùy tự giới thiệu đang công tác ở Bộ Giao thông Vận tải. Thùy thông tin, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang trình Chính phủ chấp thuận đầu tư nhiều dự án giao thông, sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ còn dư.
Tin tưởng điều Thùy nói, ông Khanh đã nhờ Thùy xin cho công ty của ông trúng thầu Dự án Xây dựng tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng.
Từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2018, ông Khanh nhiều lần đưa tiền cho Thùy tổng số tiền 105.000 USD và 150 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Thùy không xin được dự án cho công ty của ông Khanh và cũng không trả lại tiền cho ông.
Cùng thời điểm này, tháng 5/2018, Thùy tiếp tục giới thiệu về các dự án ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đưa cho ông Khanh xem văn bản của Bộ này có danh sách nhiều dự án. Tin tưởng, ông Khanh nhờ Thùy xin cho trúng thầu thi công Dự án nạo vét lòng hồ Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Thùy yêu cầu ông Khanh chi phí 50.000 USD. Ông Khanh rủ bạn là ông Nguyễn Văn Sỹ (ở Đắk Lắk) cùng tham gia dự án, mỗi người góp 25.000 USD. Sau khi nhận tiền, Thùy không xin được dự án, cũng không trả tiền cho ông Khanh và ông Sỹ...
Đối với bị cáo Tiến, có quen biết bị cáo Thùy từ năm 2017. Khi đó, Tiến giới thiệu với Thùy rằng, Tiến đang công tác ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nhiều mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo Bộ nên có thể nhờ can thiệp để xin được dự án.
Tiến trao đổi với Thùy, nếu có doanh nghiệp nào xin dự án thì Tiến sẽ nhờ lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao dự án cho doanh nghiệp đó. Và doanh nghiệp trúng thầu phải chi phí hoa hồng từ 3-5% tổng số tiền đầu tư của dự án. Sau khi nhận được tiền hoa hồng, Tiến sẽ chia cho Thùy.
Tiến còn yêu cầu Thùy thông tin với doanh nghiệp cần xin dự án phải chuẩn bị hồ sơ năng lực, tờ trình và phải chi phí gửi kèm hồ sơ là 20.000 USD mỗi dự án.
Mặc dù không biết Tiến có thể xin được dự án hay không, nhưng do được Tiến hứa hẹn chia phần trăm tiền hoa hồng dự án nên Thùy đã đặt vấn đề với ông Bùi Quang Ngọc (ở Hà Nội), là hàng xóm của Thùy về việc xin dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thùy lên mạng tải công văn số 122 của Bộ này về việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách Nhà nước năm 2018 đối với các dự án rồi đưa cho ông Ngọc xem.
Sau khi xem danh sách các dự án, ông Ngọc nhờ Thùy xin cho công ty của chị họ ông trúng thầu Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và Dự án sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà.
Thùy đồng ý và yêu cầu ông Ngọc đưa hồ sơ năng lực công ty và nộp chi phí xin dự án là 20.000 USD một dự án. Thùy cam kết, sau 10 ngày sẽ dẫn ông Ngọc đến gặp lãnh đạo Ban Quản lý dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu không xin được dự án, Thùy sẽ trả lại tiền.
Do tin tưởng nên ông Ngọc đã đưa cho Thùy 40.000 USD. Mỗi lần đưa tiền, ông Ngọc đều ghi âm, ghi hình cuộc trao đổi giữa hai người. Về phía Thùy, sau khi nhận tiền của ông Ngọc đã đưa hết cho Tiến. Quá thời hạn cam kết, thấy Thùy không thực hiện lời hứa nên ông Ngọc yêu cầu trả lại tiền nhưng Thùy không trả. Do đó, ông Ngọc đã làm đơn tố cáo Thùy...
Sau một ngày xét xử, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Thùy 13 năm tù và bị cáo Tiến 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử còn tuyên buộc hai bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Theo Cand
Liên kết website
Ý kiến ()