Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:55 (GMT +7)
Hài nhảm trục lợi và cú lừa với khán giả
Thứ 2, 04/12/2023 | 15:20:38 [GMT +7] A A
Những nghệ sĩ hài nhảm khi cho ra mắt những sản phẩm phản cảm, vô nghĩa, đều có một cách duy nhất để biện minh rằng, “phục vụ đối tượng khán giả riêng”.
Khán giả bị hài nhảm trục lợi
Khi ra mắt những sản phẩm hài nhảm phản cảm, lố bịch quá đà như MV Oải cả chưởng, Sao hay ra dẻ quá..., diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm và nhiều nghệ sĩ Việt thường lấy cớ rằng, họ phục vụ đối tượng khán giả riêng, rằng luôn có những khán giả thích sự vui vẻ, giải trí bình dân, cười cho vui mà không cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm.
Chính vì nghĩ có thể vin nhờ “cái cớ” này, hàng loạt sản phẩm gây cười dễ dãi, sáo rỗng, dung tục từng bùng nổ trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Mục đích chính của những người tạo ra sản phẩm phản cảm chỉ để câu view (thu hút lượt truy cập) bất chấp, chứ không hề có mục đích phục vụ khán giả.
Việc đổ lỗi theo cách, “phục vụ đối tượng khán giả riêng” chỉ là sự ngụy biện, đánh tráo khái niệm và biến khán giả thành “đồng phạm”.
Những khán giả xem video hài nhảm có thể là lực lượng fan của các nghệ sĩ, họ vô tư đón nhận mọi sản phẩm, “thần tượng cho gì xem nấy”, ủng hộ thần tượng vô điều kiện. Họ - những lực lượng fan ấy - đã không có được sự lựa chọn nào khác, không được thần tượng phục vụ một cách tốt nhất, không được đón xem những sản phẩm tốt nhất.
Nghệ sĩ hài Xuân Hương từng cho rằng, có thời, sản phẩm hài ở phía Nam đi vào ngõ cụt, khi thủ pháp tạo hài chỉ là những cử chỉ và lời nói thô tục.
“Trong khi khán giả có người hưởng ứng, người lên án, nhưng diễn viên thì mặc kệ, và thế là hài nhảm nhí tràn lan. Một số khán giả chỉ cười theo kiểu cơ học, tức là thấy vậy thì cười, hoặc một số khán giả coi đó chỉ là trò giải trí nên không quan tâm đến chất lượng chương trình. Nhưng với khán giả nhỏ tuổi thì điều đó thật sự tai hại” - nghệ sĩ Xuân Hương phân tích.
Để thấy, với hài nhảm, khán giả bị chia rẽ thành nhiều thành phần, có lực lượng fan đón nhận vô điều kiện, có lượng khán giả khó tính không chấp nhận, có lượng khán giả “tặc lưỡi” không lên tiếng vì cho rằng đó chỉ là trò mua vui, gây cười.
Nhưng trên tất cả, khán giả thuộc bất cứ thành phần nào cũng có nhu cầu được thưởng thức những sản phẩm có chất lượng tốt, được đầu tư, sản xuất công phu, nghiêm túc. Nếu là fan, lại càng ủng hộ những sản phẩm được đầu tư của thần tượng. Chỉ sợ, “thần tượng” không đủ tài năng và tư duy để “đầu tư” vào những sản phẩm hài chất lượng.
Thời của hài nhảm đã qua
Hài nhảm từng có thời bùng nổ ở các rạp chiếu phim, “làm mưa làm gió” giúp nhiều nhà sản xuất ăn nên làm ra. Thế nhưng, khán giả ngày càng khó tính, ngay trong năm 2022, hàng loạt dự án hài nhảm thua lỗ nghiêm trọng. Thị trường điện ảnh đã và đang chứng minh, hài nhảm không còn đất dụng võ.
Trấn Thành từng nổi lên với những tiểu phẩm hài diễn cùng Trường Giang. Để đi được đường dài, có được tác phẩm công phá màn ảnh, Trấn Thành đã phải đầu tư cho những kịch bản nghiêm túc, có câu chuyện, có sức hút.
Ngay trên nền tảng mạng xã hội, cả Trấn Thành và Trường Giang đều phải nuôi kênh bằng những bộ phim webdrama có sự đầu tư lớn. Trấn Thành từng tạo sức hút mạnh mẽ khi làm loạt series Bố già, Hẻm cụt... Năm 2023, Trường Giang vừa cho ra mắt “Chủ tịch giao hàng” trên kênh riêng, bên cạnh những chương trình gameshow anh tham gia dẫn dắt.
Để thấy, đi được đường dài, hài nhảm không phải là phương tiện. Lôi kéo khán giả cày view để trục lợi và ngay sau đó lại đổ lỗi cho họ về thị hiếu giải trí “bình dân”, là cách một số nghệ sĩ đang trốn tránh trách nhiệm.
Đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến cho rằng, với hài - tính thẩm mỹ rất cao, "để khiến khán giả khóc đã khó, khiến khán giả cười càng khó hơn". Tính thẩm mỹ trong hài càng cao, khán giả càng được thưởng thức những giá trị đẳng cấp trong nghệ thuật.
Khi nghệ sĩ có trách nhiệm với khán giả, có tự trọng với nghề nghiệp, sẽ tự biết nâng cao giá trị thẩm mỹ trong mỗi tác phẩm của mình.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()