Nam thanh niên 23 tuổi và thiếu nữ 15 tuổi đang ngủ trong nhà trọ, chợt đau nhói bàn chân, sau đó khó thở, được xác định bị rắn độc cắn.
Ngày 20/6, đại diện Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cho biết hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, sụp mi mắt, chân tay yếu. Loại rắn độc cắn hai người được xác định là rắn cạp nia, khiến bệnh nhân mất phản xạ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu, Phó Trưởng Khoa hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết bệnh nhân nữ tình trạng rất nặng, liệt cơ hoàn toàn, suy hô hấp, liệt tứ chi, mất hết các phản xạ, đồng tử giãn. Ngoài ra, cả hai bị suy hô hấp nên được đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu hấp phụ bằng quả lọc để loại trừ độc chất.
May mắn sau ba quả lọc, tình trạng liệt cơ của bệnh nhân cải thiện. Sau một tháng điều trị bằng nhiều phương pháp hồi sức tích cực, hai bệnh nhân dần cai máy thở, rút ống nội khí quản. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, được ra viện.
Bác sĩ Hiếu cho biết người bị rắn cạp nia cắn nếu được cấp cứu, điều trị kịp thời có thể hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng. Ngược lại, người bệnh có thể tử vong nhanh do liệt cơ hô hấp hoặc để lại di chứng liệt, hôn mê vĩnh viễn do thiếu oxy não kéo dài.
Cạp nia thuộc họ rắn hổ, da màu đen xanh, có những khoang trắng đen rõ nét nối tiếp nhau, sống hoang dại. Nọc độc của rắn cạp nia có thể gây nhiễm độc thần kinh với các biểu hiện sụp mi mắt, nói đớ, nuốt nước miếng không được, khó thở và diễn tiến ngưng thở, tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Khi bị rắn cắn, cần bình tĩnh, rửa sạch vết cắn để tránh nhiễm trùng, bất động chi bị rắn cắn, đặt chi thấp hơn so với tim và nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Không nên rạch da, nặn hút vết cắn hoặc đắp lá cây lên vết cắn vì làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng. Hạn chế buộc ga-rô phía trên vết cắn vì làm tăng nguy cơ hoại tử chi bị cắn. Cần ghi nhận đặc điểm con rắn hoặc nếu bắt được, đập chết con rắn nên mang theo đến viện để giúp bác sĩ xác định chính xác loại rắn cắn, quyết định điều trị huyết thanh kháng nọc rắn thích hợp.
Ý kiến ()