Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:04 (GMT +7)
Hai kỳ thế vận hội Tokyo đã phơi bày sự thụt lùi của công nghệ Nhật Bản
Thứ 3, 27/07/2021 | 10:19:37 [GMT +7] A A
Ngành công nghệ Nhật Bản đang trải qua một sự thụt lùi nghiêm trọng kể từ Thế vận hội Tokyo năm 1964 và Nhật Bản đang có kế hoạch thay đổi điều này trong tương lai.
Khi Tokyo lần cuối cùng đăng cai Thế vận hội vào năm 1964, nước này đã ra mắt đoàn tàu cao tốc có khả năng đạt tốc độ không tưởng 210 km/h. Nhiều người đã phỏng đoán, đây là bình minh của kỷ nguyên công nghệ cao ở Nhật Bản.
Đúng vậy, chỉ trong vòng một thập kỷ rưỡi qua, những cải tiến như máy ghi hình video của Sony, bộ nhớ flash của Toshiba và Space Invaders, trò chơi bắn súng arcade đã cách mạng hóa ngành công nghiệp game giúp Nhật Bản trở thành một cường quốc công nghệ toàn cầu.
Tuy nhiên tới thời đại ngày nay, mọi thứ đã rất khác so với cách đây chục năm trước.
Khi Tokyo một lần nữa đăng cai Thế vận hội, Nhật Bản đã không còn nổi lên là một cường quốc công nghệ và đổi mới như trước kia nữa. Thời kỳ hoàng kim của TV, thiết bị ghi âm và máy tính đã dần bị bỏ xa. Đối thủ của Nhật Bản là các công ty đến từ Mỹ, Hàn Quốc với các sản phẩm như iPhone, smartphone hay chip nhớ đến từ gã khổng lồ công nghệ Samsung.
Đó không chỉ đơn giản là một đòn giáng vào lòng tự hào dân tộc Nhật Bản. Hiện tại nhiều công ty Nhật còn đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, trách nhiệm kinh tế và làn sóng thứ tư của COVID-19 đã khiến kỳ Olympic Tokyo 2020 diễn ra mà không có khán giả, dẫn tới không có nguồn thu từ khách du lịch để bù đắp cho những tổn thất từ đại. Trong một thế giới ngày càng phân cực khi Mỹ và Trung Quốc đang đi đầu trong nhiều ngành công nghệ và dữ liệu, Nhật Bản có nguy cơ bị tụt hậu xa hơn.
Thủ tướng Suga Yoshihidecó kế hoạch ngăn chặn điều này bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp chip máy tính và nâng nó lên thành một dự án quốc gia ngang với đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng. Nhưng nhiều giám đốc điều hành và quan chức chính phủ cho rằng, giải pháp này đòi hỏi một thứ quan trọng không kém, đó là sự thay đổi cơ bản trong cách người Nhật kinh doanh suốt nhiều thập kỷ qua.
Kazumi Nishikawa, giám đốc bộ phận CNTT của Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản cho biết: "Phương pháp tự lực sản xuất tại Nhật Bản đã không thành công. Chúng tôi muốn tránh điều đó vào khoảng thời gian này".
Nhật Bản quyết định đi theo một hướng khác, đó là lôi kéo TSMC giúp xây dựng lại ngành công nghiệp chip từng thống trị một thời. Tuần trước, CEO TSMC C.C Wei đã gây nhạc nhiên khi tiết lộ, TSMC đang thực hiện thẩm định các tấm wafer. Thông tin này xác nhận suy đoán về kế hoạch xây dựng nhà máy tại Nhật Bản của TSMC.
Nhật Bản, nền kinh tế số 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc đang lập ngân sách hàng trăm tỷ yên để mua chip. Nhưng con số này chỉ là một con số rất nhỏ so với số tiền mà nước Mỹ đã bỏ ra lên tới 52 tỷ USD (khoảng 5,7 ngàn tỷ yên) để vực dậy ngành bán dẫn trong nước.
Tại Hàn Quốc, các công ty như Samsung và SK Hynix đã cam kết đầu tư 450 tỷ USD trong một thập kỷ tới. Trong khi riêng TSMC đã dự chi 100 tỷ USD trong ba năm tới.
Akira Amari, Cục trưởng thuế của Đảng dân chủ tự do cầm quyền và là cựu bộ trưởng Ngoại giao về chính sách kinh tế và tài chính cho biết: "Một số quốc gia đang đưa ra các mức hỗ trợ ở nhiều cấp độ khác nhau, khiến cho việc cạnh tranh trở nên khó khăn hơn".
Tuy nhiên, Amari cho biết thủ tướng Nhật Bản "cực kỳ giỏi" trong việc hoàn thành công việc và hiện đang tập trung vào số hóa và tính trung hòa carbon, hai vấn đề có mối liên kết rất lớn với chất bán dẫn.
Nhật Bản vẫn luôn tự hào về năng lực trong lĩnh vực chế tạo robot và siêu máy tính, nhất là khi các kỹ sư Nhật Bản vừa phá vỡ kỷ lục về tốc độ Internet nhanh nhất thế giới. Trong bản đánh giá chuỗi cung ứng của Nhà Trắng công bố vào tháng 6, Nhật Bản được đề cập đến 85 lần, chỉ trước Đài Loan và Hàn Quốc và có cùng số lượng tham chiếu với châu Âu.
Tetsuro Higashi, chủ tịch danh dự của hãng thiết bị bán dẫn Tokyo Electron Ltd cho biết, nhiệm vụ giải quyết sự thụt lùi của Nhật Bản không đơn giản chỉ là xây dựng lại một ngành công nghiệp. Ông trích dẫn thế mạnh của Nhật Bản bao gồm một số cái tên như Kioxia mạnh về bộ nhớ, Sony có cảm biến hình ảnh, bên cạnh nhiều nhà sản xuất linh kiện, chip nguồn, máy móc chế tạo chip khác. Tuy nhiên, Nhật Bản cần có "chiến lược kết nối những bộ phận đó tạo thành công nghệ lõi".
Đại dịch đã phơi bày những mặt hạn chế ngành công nghệ Nhật Bản
Giống như các quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới, những thiếu sót về công nghệ của Nhật Bản đã bị phơi bày dưới tác động của đại dịch.
Trọng tâm của chính phủ Nhật Bản hiện nay là chất bán dẫn. Theo IC Insights, Nhật Bản từng nắm giữ khoảng 50% thị trường chip toàn cầu vào năm 1990, nhưng hiện tại con số này chỉ còn 6%.
Một phân tích được gửi tới hội nghị bán dẫn do tổ chức tư vấn Stiftung Neue Verantwortung có trụ sở tại Berlin thực hiện cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong đóng góp của Nhật Bản suốt 25 năm qua, đến mức Trung Quốc đã vượt mặt cả Nhật Bản vào năm ngoái.
Các nhà nghiên cứu đến từ SNV Jan-Peter Kleinhans và Julia Hess chia sẻ trong báo cáo: "Thị phần giảm đi dường như đi đôi với việc giảm sức mạnh R&D. Vậy ai là người phát triển chip của tương lai?".
Trong một bài thuyết trình trước Ủy ban Khoa học và Công nghệ Hạ viện vào tháng trước, nhà tư vấn độc lập Takashi Yunogami đã nêu rõ những thất bại của Nhật Bản.
Nhật Bản từng sản xuất bộ nhớ cho máy tính mainframe và khách hàng thường yêu cầu chất lượng cao và bảo hành trong 25 năm. Tuy nhiên, trước sự trỗi dậy của máy tính cá nhân, ngành công nghiệp Nhật Bản đã không kịp thời thay đổi và để Samsung cung cấp bộ nhớ PC, kèm bảo hành ba năm và chi phí chỉ bằng một phần nhỏ.
Trong thời đại kỹ thuật số ưu tiên các sản phẩm có vòng đời ngắn ngày càng tăng, Nhật Bản lại đang mắc phải "căn bệnh chất lượng cao", tức là các sản phẩm đắt đỏ nhưng chất lượng với vòng đời dài sẽ khó tạo sức hút.
Những rắc rối của ngành công nghiệp Nhật Bản càng tăng thêm do phản ứng của chính phủ trong việc ủng hộ các công ty trong nước thay vì hợp tác với nước ngoài. Năm 1999, Tokyo khuyến khích việc sáp nhập các doanh nghiệp bộ nhớ của Hitachi và NEC dưới tên gọi mới Elpida, tiếng Hy Lạp có nghĩa là "hy vọng". Nhưng vào năm 2012, Elpida đã nộp đơn phá sản với khoản nợ 5,5 tỷ USD và sau đó buộc phải bán mình cho hãng bán dẫn Micron Technologies của Mỹ.
Yunogami chia sẻ với các nhà lập pháp: "Mọi nỗ lực cố gắng chỉ nhằm ngăn chặn xu hướng đi xuống khi các dự án quốc gia, tập đoàn, liên doanh đều thất bại. Ngành công nghiệp chip đang rất khó để phục hồi".
Vẫn còn hy vọng cho Nhật Bản?
Nhưng cũng giống như các quan chức khác, Yunogami nhìn thấy tia hy vọng của Nhật Bản trên thị trường toàn cầu nhờ các thiết bị chip và nguyên liệu thô. Cơ hội tốt nhất của chính phủ hiện tại là tập trung vào những thành công ít ỏi và dần thay đổi để trở nên mạnh mẽ hơn.
Sự can thiệp của chính phủ vào ngành công nghiệp chip đã giúp xây dựng sự thống trị của nó ngay từ đầu. Tuy nhiên, sự giúp đỡ của chính phủ Nhật Bản ngày nay bị coi là liều thuốc độc đối với một số người kinh doanh.
Một vị CEO giấu tên trong ngành công nghiệp Nhật Bản đã nói thẳng về những thách thức và bày tỏ sự bi quan về cơ hội thành công, đồng thời đổ lỗi cho văn hóa quan liêu của chính phủ Nhật.
Ông này cho rằng, mức độ kiểm soát chất lượng quá mức là một yếu tố cản trở TSMC thiết lập sự hiện diện tại Nhật Bản và hợp tác với các đối tác địa phương. Ông nhấn mạnh: "Mặc dù các quy định rất cần cho ô tô nhưng bạn không nhất thiết cần áp dụng chúng với smartphone".
Yuko Harayama, CEO của tổ chức nghiên cứu Riken cho biết, chìa khóa ở đây là việc Nhật Bản được hưởng lợi gì từ việc hấp thụ công nghệ của TSMC.
Với cách tiếp cận chiến lược, động lực công nghệ của chính phủ có thể là cơ hội để cải cách lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản trong thời đại kỹ thuật số. Bà Yuko chia sẻ thêm: "Nếu không đầu tư cho tương lai, Nhật Bản sẽ luôn phụ thuộc vào người khác".
Có một lý do khác để quan chức Nhật Bản viện dẫn cho sự tụt hậu ngày nay, đó là cuộc chiến thương mại với Mỹ. Lo lắng trước sự trỗi dậy của Nhật Bản nên cách đây khoảng 40 năm, Mỹ đã áp đặt yêu cầu sử dụng một tỷ lệ nhất định các con chip do các công ty Mỹ chế tạo.
Amari, người đứng đầu ngành thuế của đảng cầm quyền Nhật Bản cho biết: "Mỹ coi sự nổi lên của Nhật Bản là một mối đe dọa và cần phải bị đẩy lùi".
Tuy nhiên ngành công nghiệp Nhật Bản cũng phạm phải "lỗi tự mãn" khi chỉ tập trung vào thị trường trong nước mà không muốn vươn ra thế giới. Ví dụ dễ thấy nhất là sự sụp đổ của Docomo, công ty đầu tiên ra mắt nền tảng dịch vụ Internet cho di động vào năm 1999.
Ngày nay, các vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến công nghệ mà Nhật Bản phải đối mặt, đó là một thách thức cực kỳ lớn. Điều này bắt buộc Nhật Bản phải chấp nhận thách thức hoặc tụt lại phía sau.
Nhật Bản rất giỏi trong việc đưa mọi thứ từ 0 đến 1 nhưng lại không quá giỏi trong việc đưa mọi thứ từ 1 đến 10. Nhật Bản có thể đã thắng trong công nghệ nhưng lại thua trong năng lực kinh doanh.
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()