Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 21:17 (GMT +7)
Hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước và chủ đầu tư trong hoạt động đấu thầu
Thứ 3, 15/11/2022 | 14:38:07 [GMT +7] A A
Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thay mặt Chính phủ và cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn những ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật, cũng như Tờ trình của Chính phủ với các nội dung kèm theo.
Làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu quan tâm, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là một luật tương đối khó, phức tạp và ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội. Trong quá trình soạn thảo cũng như ý kiến của các đại biểu, có nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh việc nên nới lỏng quy định của Luật Đấu thầu theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn hay nên siết chặt để quản lý, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn Nhà nước.
"Nhiều ý kiến nói tại sao tư nhân họ lại làm nhanh, hiệu quả như thế, tại sao lại quyết định dễ dàng như thế? Nhà nước làm lâu mà vẫn không hiệu quả, mất rất nhiều thời gian? Ở đây bản chất là vấn đề sở hữu, của tư nhân là lợi ích của người ta, "đồng tiền đi liền khúc ruột" nên bao giờ cũng quyết định rất nhanh và đấy là quyền của người ta; còn mình là sử dụng vốn Nhà nước, phải thực hiện theo quy định của Nhà nước,” Bộ trưởng lý giải.
Theo Bộ trưởng, Luật Đấu thầu khi được xây dựng năm 2005 và sửa đổi năm 2013 đã tiệm cận đến những vấn đề thông lệ rất tốt của quốc tế và được đánh giá cao, trên thực tế đã triển khai thực hiện được nhiều kết quả tốt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận hiện nay đã nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc và do đó buộc phải sửa.
“Nhưng sửa thì không có nghĩa là mở hết ra theo hướng không quản lý chặt chẽ để trục lợi, tiêu cực, tham nhũng, thất thoát. Chắc chắn chúng ta phải hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm các gói thầu này, không để trục lợi, cũng không để vi phạm các quy định của pháp luật,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng bày tỏ đồng tình với các ý kiến cho rằng phải có quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch nhằm thuận lợi trong quá trình hoạt động, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tài sản của Nhà nước, nguồn vốn của Nhà nước.
Khắc phục tình trạng gian lận, thông thầu, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu là một nội dung quan trọng, được rất nhiều đại biểu quan tâm và yêu cầu phải có giải pháp căn cơ để triệt để khắc phục tình trạng này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ thực tiễn vừa qua cho thấy, hành vi thông đồng, gian lận, nâng khống giá, cài cắm các tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, can thiệp bất hợp pháp vào quá trình đấu thầu, chia nhỏ các gói thầu để chỉ định... đang diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi.
Bộ trưởng cho rằng bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện, thì trong các quy định pháp luật về vấn đề này còn chưa đầy đủ, chặt chẽ.
Dự thảo Luật lần này đã bổ sung rất nhiều quy định để tránh hiện tượng đó, như: bổ sung hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu, chống hiện tượng cài cắm các tiêu chí gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai, minh bạch; yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, trong đó bao gồm cả chất lượng hàng hóa và dịch vụ công trình phải được công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Đồng thời, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của các nhà thầu và chất lượng của các hàng hóa cung cấp nhằm tạo cơ sở xem xét; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, chế tài xử lý vi phạm, cũng như trách nhiệm xử lý của những người có thẩm quyền...
Liên quan đến việc tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là loại hình hàng hóa hết sức đặc biệt, đặc thù và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Do đó, việc quy định rõ ràng, cụ thể là hết sức cần thiết và cấp bách.
Bộ trưởng bày tỏ sự chia sẻ và tán thành với nhiều ý kiến đại biểu nêu về vấn đề này, đồng thời cho biết, dự thảo Luật đã thiết kế một chương nói về các quy định này và có một số điều khoản ở các chương khác cũng đã quy định những vấn đề về y tế.
Ban soạn thảo sẽ rà soát lại để hoàn thiện theo hướng đầy đủ, bao quát, tạo thuận lợi trong quá trình mua sắm các trang thiết bị y tế, cho quá trình thực hiện, tổ chức thực hiện.
Về việc thiết kế một chương riêng cho lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là vấn đề cần phải cân nhắc. Vấn đề này sẽ được nghiên cứu thêm trên tinh thần rà soát lại để bao quát đầy đủ các vướng mắc hiện nay trong ngành y tế.
“Chúng ta không để phá vỡ kết cấu chung của bộ luật và hệ thống pháp luật, vì không phải chỉ có lĩnh vực y tế mới có đặc thù, đặc biệt, có rất nhiều lĩnh vực cần đặc thù, đặc biệt, kể cả trong giáo dục, đào tạo, trong thiên tai, địch họa, trong chiến tranh, quốc phòng, an ninh..., nếu mỗi vấn đề đó lại thiết kế một chương thì chắc chắn sẽ không hợp lý. Chúng tôi cho rằng làm sao bao quát, đầy đủ là được, không có nghĩa phải để riêng vào một chương,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()