Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:21 (GMT +7)
Hải Hà - Vùng đất giàu tiềm năng
Thứ 5, 06/07/2023 | 10:31:55 [GMT +7] A A
Trung tuần tháng sáu vừa qua, đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi đã có chuyến công tác tại huyện Hải Hà. Chuyến đi tuy ngắn ngày nhưng vô cùng thú vị và để lại nhiều cảm xúc.
Người góp phần nâng thương hiệu chè Hải Hà
Hải Hà là huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, mang những lợi thế cạnh tranh với định hướng phát triển trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, công nghiệp, du lịch, dịch vụ và cảng biển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và đầu mối hành lang kinh tế Việt – Trung. Bắc Phong Sinh là Khu kinh tế Cửa khẩu cấp quốc gia trên biên giới Việt - Trung, được vận hành theo quy chế riêng với cơ chế chính sách thông thoáng, môi trường thuận lợi, hấp dẫn, là địa bàn đột phá phát triển của huyện. Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà kết hợp với Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành cụm kinh tế trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh và vùng duyên hải Bắc Bộ.
Một trong những tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế của Hải Hà là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Nguồn tài nguyên nước với hệ thống sông suối khá dày đặc, có hồ Trúc Bài Sơn (xã Quảng Sơn), hồ Khe Đình và hồ Khe Dầu (xã đảo Cái Chiên). Diện tích biển và bãi biển khoảng 23.620ha có nhiều loại hải sản quý. Rừng Hải Hà có hệ thống thảm thực vật phong phú. Tài nguyên khoáng sản và vật liệu xây dựng có đá Cao Lanh, mỏ Kaolin-pyrophilit Tấn Mài. Tài nguyên đất của Hải Hà chia thành hai vùng chính là vùng đồi núi và đồng bằng ven biển. Cùng với đó, Hải Hà còn có tài nguyên du lịch, văn hóa với các điểm đến hấp dẫn như: Đảo Cái Chiên, cửa khẩu Bắc Phong Sinh, hồ Trúc Bài Sơn, suối Tiên, Hang Vây, Đồi Chè Quảng Long…
Anh Bùi Thanh Tuấn, Phó phòng Văn hóa Thông tin và anh Đinh Tuấn Phương, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện đưa chúng tôi đến thăm đồi chè Quảng Long, một trong những địa chỉ nổi tiếng về phát triển kinh tế và du lịch xanh của huyện. Giữa màu xanh bạt ngàn của cánh đồng chè, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi đứng trước người phụ nữ giản dị hồn hậu, chân trần, nón lá ra đón đoàn. Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Đinh Tuấn Phương giới thiệu đó là chị Hà Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuấn Quỳnh. Sau khi thưởng trà và nghe những câu chuyện thú vị về cây chè Hải Hà, chị Quỳnh dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng chè Quảng Long.
Theo lời kể của chị Quỳnh thì Hải Hà là một trong những vựa chè lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Chè Hải Hà (trước đây là chè Hà Cối) đã có từ cách đây gần 60 năm. Hiện nay, các sản phẩm chè Đường Hoa do Công ty Thuấn Quỳnh sản xuất đã xây dựng được thương hiệu và đứng vững trên thị trường, là một trong những sản phẩm OCOP của địa phương được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Với lợi thế về cảnh quan từ những đồi chè, thiên nhiên hài hòa, khí hậu trong lành mát mẻ, nữ doanh nhân Hà Ngọc Quỳnh đã hướng đến phát triển du lịch xanh.
Trong căn nhà gỗ dựng lên giữa những vườn chè xanh ngút ngát là một không gian thưởng trà đặc biệt thú vị. Được thưởng thức những chén trà Ô Long vàng đậm sóng sánh như mật ong, thơm ngát hương vị trà Việt do chính tay nữ chủ nhân pha mời mới thấy hết giá trị cây chè Đường Hoa. Chị Quỳnh cho biết, để có được thương hiệu chè riêng chất lượng cao theo tiêu chuẩn và công nghệ VietGAP là cả một quãng thời gian dài nỗ lực vượt khó đến thành công. Với chị, chè là thanh xuân, là máu thịt, là tâm huyết như những đứa con được chị chăm chút bằng tất cả công sức và sự đam mê.
Miền đất văn hoá
Có một điểm nổi bật đáng chú ý ở Hải Hà, đó là các thiết chế văn hóa từ huyện đến xã được đầu tư xây dựng đồng bộ đã góp phần cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng chí Bùi Thanh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết: Đến nay 100% các thôn bản khu phố trong huyện có nhà văn hóa, khu thể thao. Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được trùng tu tôn tạo, di sản văn hóa được bảo tồn phát huy như: Trống đồng Quảng Chính, đình –miếu Cái Chiên, đình Quang Lĩnh, chùa Hải Hà. Trống đồng Quảng Chính được công nhận là bảo vật quốc gia. Đảo Cái Chiên- hòn đảo duy nhất của huyện được biết đến là một hòn đảo du lịch có vẻ đẹp hoang sơ trong lành với nhiều bãi cát trải dài xen lẫn rừng phi lao xanh biếc, trong đó bãi tắm Đầu Rồng đạt chuẩn cấp tỉnh năm 2017, là điểm nhấn thu hút đông đảo khách du lịch. Từ năm 2016, điện lưới quốc gia được kéo ra đảo Cái Chiên đã tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của xã. Cơ cấu kinh tế của xã từ nông, lâm, ngư nghiệp năm 2001 đến nay đã chuyển sang dịch vụ du lịch, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm người dân.
Cách trung tâm huyện chừng 20km về phía Tây Bắc là xã vùng cao biên giới Quảng Sơn với hơn 90% dân số là người dân tộc Dao. Nơi đây là vùng đất hoang sơ với nhiều nét văn hóa dân tộc độc đáo đang được khám phá. Theo lời giới thiệu của anh Bùi Thanh Tuấn, xã Quảng Sơn trước đây có tên gọi là xã Trúc Bài Sơn nằm ở độ cao trung bình 200-350 m so với mặt nước biển. Hồ Trúc Bài Sơn là công trình thủy lợi được xây dựng từ năm 1988 với diện tích 110ha, có vai trò quan trọng trong việc điều hòa lũ cũng như phục vụ tưới tiêu cho 3.100ha đất nông nghiệp của 7 xã: Quảng Long, Quảng Chính, Quảng Thịnh, Quảng Điền, Quảng Trung, Quảng Sơn. Hồ Trúc Bài Sơn còn là điểm đến tham quan trải nghiệm của nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ. Khách tham quan gọi Trúc Bài Sơn là “Hồ trên núi”. Điều đặc biệt hấp dẫn, lôi cuốn du khách ở công trình này là cảnh đẹp nên thơ, lãng mạn. Cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc với không gian thoáng đãng, yên bình kết hợp với vô số gò, đảo đất lớn, nhỏ xanh mướt nổi lên trên mặt nước rải đều khắp mặt hồ.
Đến Quảng Sơn, chúng tôi còn được ngắm ngôi nhà trình tường duy nhất của huyện còn lại dưới chân núi Đục của gia đình nghệ nhân Chìu Thị Lan, người truyền dạy nghề thêu khăn thổ cẩm dân tộc Dao Thanh Y ở bản Mố Kiệc. Ngôi nhà gần như còn nguyên vẹn thiết kế cổ xưa với tường đất 3 gian, mái ngói âm dương, cầu thang gỗ… Đoàn cũng gặp Nghệ nhân Ưu tú Giềng Chống Sếnh – người giữ lửa văn hóa thêu truyền thống của dân tộc Dao Thanh Phán, người đã có công truyền dạy nghề thêu trang phục cho hầu hết phụ nữ và các cháu học sinh trường nội trú trong bản. Giờ đây phụ nữ Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán ở Quảng Sơn có thể tự tin thêu trang phục cho mình và truyền dạy cho con cháu trong nhà, góp phần gìn giữ bản sắc truyền thống dân tộc mình. Họ chính là những hạt nhân văn hoá góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Dao cho thế hệ trẻ ở miền núi biên giới Đông Bắc này.
Chia tay Hải Hà sau chuyến đi thực tế sáng tác, trong chúng tôi còn mãi ấn tượng khó quên về vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, vùng đất văn hóa với những địa danh mang bản sắc riêng có luôn gắn với chữ HÀ. Con sông Hà Cối thơ mộng trữ tình bên thị trấn Quảng Hà là biểu tượng thân thiết gắn bó với mảnh đất và con người Hải Hà, người Hà Cối xưa và nay. Những cái tên: Núi Mĩ, Núi Miều, Núi Võ, Cửa Tiếu, Cửa Đài… gợi nhớ về một vùng sông nước mênh mang tươi đẹp, trù phú, là cuộc sống, là tinh hoa văn hóa bao đời của những người dân miền cửa biển.
Hải Hà, tháng 6/2023
Bút ký của Nguyễn Thị Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()