Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:57 (GMT +7)
Hải Hà: Thay đổi tư duy phát triển kinh tế của người dân
Thứ 3, 13/06/2023 | 07:21:24 [GMT +7] A A
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hải Hà đã ưu tiên dành nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển sản xuất, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân, xóa dần sự chênh lệch khoảng cách vùng, miền trên địa bàn.
Gia đình ông Đặng Xuân Phong (thôn 8, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) là hộ dân tiên phong trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Tuy nhiên, trước đây khi nuôi theo phương pháp quảng canh truyền thống thì nỗi lo về dịch bệnh và mất giá do chất lượng tôm không ổn định luôn thường trực. Thậm chí, có vụ nuôi do thời tiết khắc nghiệt nên tôm nuôi bị bệnh chết, bao công sức, vốn liếng của gia đình bị mất trắng. Vì vậy nghèo đói vẫn luôn đeo đuổi.
Với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương và được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Nông dân xã đưa đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi tôm ở các địa phương lân cận, ông Phong đã quyết định vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện, thực hiện cải tạo lại ao đầm nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Chuyển đổi diện tích từ nuôi tôm từ quảng canh sang nuôi ao bạt và các bể xây trong nhà. Đồng thời lắp đặt hệ thống camera kết nối với điện thoại thông minh để tiện theo dõi, giám sát các ao nuôi.
“Việc tuân thủ nghiêm quy trình, kỹ thuật nuôi theo hướng công nghệ cao trong ao bạt và bể nuôi trong nhà đã giúp tôm nuôi luôn khỏe mạnh và sinh trưởng tốt. Vì vậy tôm nuôi của gia đình tôi luôn được đánh giá cao cả về hình thức và chất lượng. Trung bình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 10 tấn tôm, thu nhập 500-600 triệu đồng” - ông Đặng Xuân Phong chia sẻ.
Không chỉ thành công trong nuôi tôm, nhờ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tiếp cận với các chính sách về đất sản xuất, vay vốn ưu đãi... gia đình ông Phong cũng xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm và trồng rau màu trên điện tích gần 5.000m2 và đang cho thu nhập tốt.
Những năm gần đây, từ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của huyện và sự thay đổi tư duy, nỗ lực của chính người dân, nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao đã được nhân rộng trên địa bàn huyện Hải Hà, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Đặc biệt, là huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo hướng tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế của từng lĩnh vực, xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình nhằm thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm.
Đến nay, toàn huyện hình thành 17 vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp, từng bước góp phần làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người nông dân; hình thành và phát triển các trang trại, vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ…
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, chương trình xây dựng NTM, huyện cũng ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện nay hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn đã được cứng hóa đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất.
Chị Chíu Sám Múi (bản Lồ Má Coọc, xã Quảng Sơn) chia sẻ: Trước kia, đời sống của người dân khó khăn lắm, còn bây giờ thì điện, đường, trường, trạm đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, người dân rất vui. Nhất là các tuyến kênh mương đã được cứng hóa, dẫn nước về từng khu vực sản xuất, cánh đồng, vì vậy bà con trồng cấy được quanh năm, kinh tế từ đó mà đi lên.
Với những giải pháp hiệu quả trong phát triển KT-XH, nhiều hộ gia đình, nhất là ở vùng đồng bào DTTS từ chỗ nghèo khó đã vươn lên khá giả. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Hải Hà năm 2022 đạt 67,8 triệu đồng, tăng 5,4 triệu đồng so với năm 2021. Tỷ lệ tham gia BHYT khu vực nông thôn đạt 96,5%.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tới đây huyện Hải Hà đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển đô thị để tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Huyện cũng tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh, ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, có nhiều lợi thế của địa phương, để đến hết năm 2023 huyện Hải Hà đạt chuẩn NTM nâng cao.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()