Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:46 (GMT +7)
Hải Hà: Nâng cao giá trị nông sản
Thứ 3, 26/10/2021 | 16:54:23 [GMT +7] A A
Thời gian qua, huyện Hải Hà đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất theo hướng tập trung đối với các sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao giá trị nông sản và phát triển bền vững.
UBND huyện Hải Hà đã xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung trên cả 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, toàn huyện đã hình thành 17 vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi.
Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện quy hoạch 7 vùng sản xuất hàng hóa tập trung bao gồm: Vùng trồng lúa thâm canh; vùng trồng ngô thâm canh; vùng trồng rau an toàn; vùng trồng mía tím; vùng trồng chè ; vùng trồng cây ăn quả; vùng trồng cây dược liệu.
Lĩnh vực chăn nuôi được quy hoạch tổng thể và chi tiết các khu chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao gắn với an toàn dịch bệnh trên địa bàn các xã, trong đó quy hoạch xây dựng khu chăn nuôi công nghệ cao tại 3 xã: Quảng Sơn, Quảng Thành, Quảng Chính. Huyện khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, đồng thời quy hoạch các điểm giết mổ tập trung và có cơ chế, giải pháp phát huy hiệu quả hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, huyện quy hoạch 2 vùng sản xuất, gồm: Vùng trồng cây nguyên liệu gỗ quy mô hơn 11.000ha và vùng trồng cây lâm sản ngoài gỗ quy mô 595ha.
Lĩnh vực thủy sản được quy hoạch 5 vùng nuôi trồng: Vùng nuôi tôm; vùng nuôi nhuyễn thể; vùng nuôi sá sùng; vùng nuôi lồng bè; vùng nuôi thủy sản nước ngọt.
Riêng đối với sản xuất chè tập trung, chất lượng cao, từ năm 2016, huyện đã triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng chè chất lượng cao huyện Hải Hà giai đoạn 2016-2020 với kinh phí hơn 4,8 tỷ đồng. Trong đó huyện tập trung thay thế giống chè cũ bằng giống Ngọc Thúy; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở và dây chuyền chế biến chè theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng cơ giới hoá, thâm canh, chăm sóc chè theo VietGAP.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, tổng diện tích chè trồng mới và trồng thay thế là 82,345ha. Đã có 4 dự án hỗ trợ xây dựng, nâng cấp nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền chế biến chè chất lượng cao được thực hiện. Huyện hỗ trợ hoàn thiện mẫu mã bao bì, mã số mã vạch, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè. Nhờ đó, chè Đường Hoa được xếp hạng 4 sao trong chuỗi sản phẩm OCOP và nằm trong danh mục 12 nhóm sản phẩm mang thương hiệu cấp tỉnh, cấp quốc gia giai đoạn 2018 - 2020.
Cùng với việc quy hoạch, triển khai các vùng sản xuất tập trung, huyện Hải Hà đẩy mạnh thực hiện các mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản. 11/11 xã, thị trấn của huyện đã có mô hình liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến với người sản xuất. Nổi bật trong sản xuất chè có 7 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở chế biến với các hộ trong sản xuất, tiêu thụ chè tươi tại xã Quảng Long, Quảng Thịnh, Quảng Thành, Quảng Chính với sản lượng tiêu thụ hàng năm hơn 6.000 tấn.
Trong lĩnh vực trồng trọt cũng xuất hiện hàng loạt các tổ hợp sản xuất mang lại hiệu quả cao, như: Hợp tác xã rau an toàn Quảng Minh bao tiêu đầu ra đối với sản phẩm rau, củ của người dân xã Quảng Minh, thị trấn Quảng Hà với sản lượng hơn 2.000 tấn/năm; HTX rau an toàn Trung Thái, Hợp tác xã Tiến Phương Nam liên kết các hộ dân trồng rau an toàn tại xã Quảng Chính để cung cấp cho KCN cảng biển Hải Hà... Tổ hợp tác sản xuất lúa gạo chất lượng cao xã Đường Hoa liên kết tiêu thụ vào các siêu thị đối với mặt hàng gạo; liên kết sản xuất và bao tiêu cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho Công ty TNHH Phú Lâm...
Các chuỗi liên kết đang tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả, đảm bảo ổn định thị trường đầu ra đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đặc biệt, việc thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với các sản phẩm lợi thế của địa phương đã khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP của địa phương.
Hiện nay, toàn huyện có 37 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 21 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên; 27/28 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; 35 sản phẩm được cấp nhãn, mác bao bì.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()