Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:34 (GMT +7)
Hải Hà phát triển rừng gỗ lớn
Thứ 4, 23/02/2022 | 06:28:37 [GMT +7] A A
Với diện tích lâm nghiệp 33.189,1ha, gồm: 15.485,3ha rừng phòng hộ, 17.703,8ha rừng sản xuất; tỷ lệ che phủ rừng đạt 59,2% là thế mạnh trong phát triển lâm nghiệp của huyện Hải Hà.
Để thúc đẩy lâm nghiệp phát triển, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từng giai đoạn, chỉ đạo, giám sát các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Từ năm 2015 đến nay, đã có nhiều chương trình và dự án trồng rừng của nhân dân được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực; hiệu quả kinh tế từ rừng tăng rõ rệt, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, đặc biệt là dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và một số dự án trồng rừng của các doanh nghiệp trên địa bàn. Hằng năm, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện trồng mới từ 550-800ha rừng tập trung, khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ hàng nghìn ha rừng phòng hộ, nhờ đó diện tích rừng tăng nhanh. Từ năm 2015-2021, toàn huyện trồng hơn 7.300ha rừng, trong đó trồng mới hơn 1.700ha, trồng sau khai thác hơn 5.500ha và hàng trăm nghìn cây phân tán các loại, đưa độ che phủ rừng lên 59,2%.
Với những lợi ích to lớn từ lâm nghiệp, huyện tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch trồng rừng sản xuất, kinh doanh gỗ lớn và chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng; đưa năng suất bình quân rừng trồng chuyển hoá từ gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn đạt từ 12m3 trở lên/ha/năm; nâng cao năng suất bình quân rừng trồng mới và trồng lại bằng cây sinh trưởng nhanh để kinh doanh gỗ lớn đạt trên 15m3/ha/năm; đưa tỷ lệ gỗ lớn từ 30-40% sản lượng khai thác hiện nay lên 50-60% các năm tiếp theo.
Từ năm 2020, huyện xây dựng kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, phấn đấu nâng diện tích trồng rừng gỗ lớn lên 942ha, trong đó trồng mới 500ha, chuyển hoá từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 442ha, chủ yếu là cây bạch đàn...
Ông Vũ Văn Lộc, Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Chuyển hóa rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế, như tiết kiệm chi phí mua cây giống, chi phí trồng, chăm sóc, giảm sâu bệnh hại, góp phần tăng nguồn lực giúp người dân đầu tư thâm canh rừng trồng. So với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Với loại cây trồng phổ biến là cây keo, khai thác ở năm thứ 5-6 chỉ có thể bán làm dăm gỗ, giá trị khoảng 40-60 triệu đồng/ha, thu nhập từ 10-12 triệu đồng/ha/năm. Nhưng khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10-14 năm trồng mới khai thác, hầu hết các cây đạt đường kính từ 18cm trở lên, sản lượng đạt từ 100-200m3/ha. Rừng được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến, giá từ 1,6-2 triệu đồng/m3, tương đương 150 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 18 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, do giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng.
Để phát triển rừng gỗ lớn, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, chưa đạt hiệu quả do phần lớn chủ rừng vốn đầu tư thấp, diện tích sản xuất nhỏ, tập quán sản xuất lâm nghiệp với chu kỳ ngắn cung cấp gỗ nguyên liệu cho băm dăm. Năm 2022, huyện đăng ký trồng rừng gỗ lớn các loài cây bản địa (lim, giổi, lát) diện tích 184ha. Phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND (ngày 5/1/2022) về việc giao chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện năm 2022; Quyết định số 3827/QĐ-UBND (ngày 23/12/2021) về việc thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê rừng huyện Hải Hà giai đoạn 2021-2022; tổ chức tuyên truyền, rà soát, đăng ký Kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa theo đề nghị của Sở NN&PTNT để sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về “Một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, khuyến khích người dân phát triển rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện.
Năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng, đồng thời đẩy mạnh trồng cây hoàn nguyên, “xanh hóa” các bãi thải mỏ theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2022, hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm (2021-2025) của Chính phủ, tỉnh đã khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức Tết trồng cây với chỉ tiêu cao hơn 2 lần so với năm 2020. Dịp đầu xuân, toàn tỉnh phấn đấu trồng trên 650.000 cây các loại. Bên cạnh trồng cây tạo cảnh quan tại các đô thị, các địa phương, đơn vị lồng ghép tổ chức kế hoạch trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, đảm bảo trong quý I/2022 trồng 1.500ha cây các loại. |
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()