Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:27 (GMT +7)
Hải Hà: Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Thứ 2, 12/12/2022 | 13:48:34 [GMT +7] A A
Năm 2022, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của huyện tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Qua đó góp phần tạo giá trị gia tăng, tăng thu ngân sách, nâng cao thu nhập của người dân.
Năm 2022, huyện đặt ra mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong đó, phát triển CN-TTCN được xác định là khâu trọng tâm, đột phá; ưu tiên thu hút phát triển các dự án công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Điều này được bắt đầu từ triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, tạo môi trường an toàn, thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
KCN Cảng biển Hải Hà là một lợi thế lớn của huyện trong phát triển CN-TTCN. Để đảm bảo cho các doanh nghiệp trong KCN sản xuất, kinh doanh hiệu quả, huyện thường xuyên nắm bắt thông tin, lắng nghe doanh nghiệp để phối hợp giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Ngay khi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, các doanh nghiệp đã nhanh chóng củng cố lại tổ chức, tuyển dụng thêm nhân lực, tái khởi động lại một số dây chuyền sản xuất. 100% các doanh nghiệp trong KCN đã ổn định và duy trì các dây chuyền sản xuất, với sản lượng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
KCN Cảng biển Hải Hà hiện có 14 tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1,5 tỷ USD. Trong đó, 16 dự án lớn đã đưa vào hoạt động sản xuất ổn định qua các năm, tiếp tục duy trì tăng trưởng trong năm 2022, có xu hướng mở rộng hoạt động sản xuất sau 2 năm chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Có thể kể đến một số dự án (vốn đầu tư từ trên 160-400 triệu USD): Chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may Texhong Ngân Hà; Nhà máy vải không dệt Texhong Liên hợp Việt Nam; Dự án khoa học kỹ thuật bảo vệ môi trường Texhong...
Từ đầu năm 2022 đến nay, KCN có 1 dự án mới được cấp phép đầu tư là Dự án xây dựng tổ hợp nhà xưởng tiêu chuẩn kéo sợi Texhong Ngân Quang; 3 dự án của Công ty TNHH Texhong Việt Nam và Công ty Dệt kim Texhong Hồng Kông đang triển khai các bước quy trình thủ tục đầu tư xây dựng. KCN hiện tạo việc làm thường xuyên cho gần 13.500 lao động với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng, trong đó có gần 5.000 lao động địa phương (tăng 18,7% so với thời điểm này năm 2021).
Huyện cũng quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN ngoài KCN. Trong đó phải kể đến việc đẩy nhanh tiến độ thành lập CCN xã Quảng Đức, diện tích 20ha, tạo điều kiện cho địa phương quy hoạch bài bản, thu hút các dự án sản xuất, chế biến thực phẩm, tinh bột, đồ uống, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ..., góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ Tập đoàn Bến Thành hoàn tất các thủ tục nghiên cứu đầu tư Nhà máy sản xuất công cụ y khoa và Tổ hợp nhà máy trang thiết bị y tế tại xã Quảng Phong...
Năm 2022, cơ cấu kinh tế của Hải Hà đã chuyển dịch mạnh mẽ. Ngành công nghiệp - xây dựng ước tính chiếm tỷ trọng tới 67,2%; thương mại - dịch vụ chiếm 28,7%; nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 4,1%. Phát triển CN-TTCN đã góp phần phát huy triệt để các tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp CBCT trong GRDP đạt 15%, đến năm 2030 đạt 20%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường. Đồng thời, ưu tiên thu hút có chọn lọc những dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh...
|
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()