Tất cả chuyên mục

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả tỉnh đạt 14% trở lên, các địa phương đang triển khai các giải pháp nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất. Trong đó, huyện Hải Hà tập trung khai thác tối đa các dư địa phát triển, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà) là một trong những đơn vị sản xuất công nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 3.000 lao động. Năm 2025, công ty dự kiến sẽ đạt sản lượng khoảng hơn 7 triệu sản phẩm, tăng 10% so với năm 2024.
Ông Tôn Bân Bân, Phó TGĐ Hành chính, Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam, cho biết: Trong thời gian tới, công ty dự kiến sẽ mở rộng thêm nhà máy với 8 dây chuyền sản xuất, sản lượng sẽ tăng thêm khoảng 2 triệu sản phẩm một năm. Với tình hình thị trường tiêu thụ được dự báo khả quan, cùng với sự ủng hộ của các cơ quan, ban ngành của tỉnh Quảng Ninh và huyện Hải Hà, chúng tôi tin rằng sẽ hoàn thành tốt mục tiêu của mình.
Hiện hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nằm trong KCN Cảng biển Hải Hà vẫn duy trì ổn định. Cũng theo đại diện Tập đoàn Texhong, đơn vị chủ đầu tư, KCN Hải Hà giai đoạn 1 nằm trong phạm vi quy hoạch KCN Cảng biển Hải Hà với diện tích 660ha, trong đó đã hoàn thành san lấp mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho diện tích gần 376ha. KCN thu hút 27 dự án thứ cấp, tổng vốn đăng ký gần 3 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 14.000 lao động.
Dự kiến, trong năm 2025, KCN Hải Hà sẽ thu hút thêm các dự án với tổng vốn từ 300-500 triệu USD. Đây là yếu tố quan trọng để khu vực công nghiệp - xây dựng của huyện Hải Hà đạt giá trị khoảng gần 27.000 tỷ đồng trong năm 2025, chiếm khoảng 65% cơ cấu kinh tế, đóng góp vào kết quả tăng trưởng chung của huyện Hải Hà, cũng như của tỉnh.
Theo ông Hồng Thiên Chúc, Chủ tịch Tập đoàn Texhong, trong buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Hải Hà đầu tháng 2/2025 vừa qua, tập đoàn đã đề nghị tỉnh hỗ trợ sớm triển khai thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thủ tục đầu tư cho các dự án phục vụ sản xuất trong KCN; tạo điều kiện cung cấp đủ đất đắp cho công tác san lấp mặt bằng. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp. Với sự chỉ đạo sát sao từ tỉnh đến huyện, các khó khăn, vướng mắc sẽ được tháo gỡ nhanh chóng, tạo điều kiện để Tập đoàn hoàn thiện đầu tư các hạng mục hạ tầng còn lại. Trên cơ sở đó phấn đấu trong năm 2025 và 2026 sẽ cơ bản lấp đầy diện tích quy hoạch của Khu công nghiệp Hải Hà giai đoạn 1.
Cũng nhằm gia tăng năng lực sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, huyện Hải Hà đang đẩy nhanh tiến độ thành lập mới các cụm công nghiệp trên địa bàn. Ông Nguyễn Hữu Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, cho biết: Huyện đã phối hợp tích cực với các sở, ban, ngành, chủ đầu tư triển khai hoàn thiện các thủ tục để thành lập cụm công nghiệp tại xã Quảng Thành. Còn cụm công nghiệp tại xã Quảng Đức, huyện sẽ phối hợp với chủ đầu tư để giải phóng mặt bằng và thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong quý II, III, dự kiến bắt đầu thu hút các nhà đầu tư thứ cấp từ đầu năm 2026. Từ đó, tạo thêm lợi thế trong thu hút các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực công nghiệp, đưa huyện Hải Hà trở thành trung tâm chế biến, chế tạo chiến lược của tỉnh. Ngoài ra, huyện chú trọng thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn.
Ngoài ra, huyện Hải Hà cũng xác định phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ những ngày đầu tháng đầu của năm 2025 làm động lực cho tăng trưởng, phấn đấu trong tháng 10/2025 sẽ hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn với giá trị trên 200 tỷ đồng. Mục tiêu là sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án đầu tư hạ tầng giao thông mang tính động lực, nâng cao khả năng kết nối nội vùng và liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, thu hút nhà đầu tư và thúc đẩy thương mại.
Cùng với lĩnh vực công nghiệp, huyện Hải Hà cũng đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại. Trọng tâm là phát huy lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới. Từ đó, không chỉ đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 mà còn chuẩn bị dư địa phát triển cho cả giai đoạn dài hạn.
Ý kiến ()