Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:58 (GMT +7)
Hải Hà: Nâng cao chất lượng, giá trị nông sản
Thứ 3, 24/12/2024 | 08:03:00 [GMT +7] A A
Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huyện Hải Hà tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất từ số lượng sang sản xuất hàng hóa, chất lượng, có giá trị, góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH của địa phương, nâng cao đời sống người nông dân.
Xác định nông nghiệp là mũi nhọn, là thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, huyện Hải Hà đã vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện để đầu tư cho phát triển nông lâm thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa (chè, rau, mía, gia súc, gia cầm, nhuyễn thể, tôm...); đổi mới, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn kết sản xuất với tiêu thụ và thị trường, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Với định hướng duy trì ổn định sản xuất cây lương thực; tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc sản của địa phương theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung để sản xuất hàng hóa; chú trọng xây dựng nhãn mác, thương hiệu và quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, huyện Hải Hà tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế. Qua xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp, phát huy hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, là tiền đề để tuyên truyền quảng bá, áp dụng rộng rãi trong sản xuất đại trà.
Đơn cử, đối với sản xuất chè, nhận thức được tiềm năng, thế mạnh cây chè của huyện, thời gian vừa qua UBND huyện đã chỉ đạo triển khai các giải đồng bộ pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm chè trên địa bàn huyện. Trong giai đoạn 2022-2025, UBND huyện triển khai dự án tái cơ cấu lại ngành chè trong đó tập trung hỗ trợ thực hiện một số nội dung như: Hỗ trợ đầu tư thâm canh chè theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ nâng cấp cải tạo nhà xưởng, dây chuyền chế biến; đánh giá cấp chứng nhận VietGAP, HACCP cho cơ sở chế biến; chuyển giao quy trình thâm canh và chế biến chè chất lượng cao, hỗ trợ phát triển giống chè mới chất lượng cao…
Từ năm 2022 đến nay, đã thực hiện hỗ trợ thâm canh 35ha chè theo VietGAP được cấp giấy chứng nhận. Việc đưa giống chè mới Hương Bắc Sơn vào thực hiện đã bổ sung thêm giống chè mới có chất lượng vào cơ cấu giống chè của huyện, góp phần phát triển ngành sản xuất chè theo đúng định hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm... Hiện nay, diện tích cây chè trên địa bàn huyện Hải Hà khoảng 850ha. Chè Hải Hà là một trong những sản phẩm định hướng xây dựng sản phẩm OCOP cấp quốc gia của Quảng Ninh.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện triển khai dự án chăn nuôi lợn thịt hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh với quy mô trên 45 ha, tổng kinh phí đầu tư 550 tỷ đồng, công suất thiết kế 5.000 lợn nái, 20.000 lợn cai sữa và 40.000 lợn thịt/lứa/2,3 lứa/năm (tương đương 143.000 lợn giống và 15,18 triệu kg thịt lợn hơi/năm). Đến nay dự án đã cơ bản thi công xong các hạng mục và đủ điều kiện đi vào hoạt động sản xuất. Dự kiến đến hết năm 2024 quy mô sản xuất đạt 2.200 lợn nái và 50 lợn đực. Dự án được triển khai với mục tiêu phát triển mô hình chăn nuôi công nghiệp, khép kín, chủ động từ khâu sản xuất giống đến khâu chăn nuôi thành lợn thương phẩm, tạo ra các sản phẩm cho thị trường với chất lượng cao. Đây sẽ là mô hình điểm để tiếp tục nhân rộng, hoàn thiện mô hình trong tương lai cho các tỉnh lân cận và khu vực, góp phần tăng hiệu suất sử dụng đất, năng suất lao động, cải thiện môi trường tự nhiên, tái sử dụng sản phẩm xả thải phục vụ cho phát triển nông nghiệp sạch.
Trong lĩnh vực thủy sản, huyện chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh khai thác xa bờ, tích cực thực hiện khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo khuyến nghị của EC để gỡ thẻ vàng về khai thác thủy sản, đa dạng hóa đối tượng nuôi. Tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng có lợi thế của huyện như: Tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể...; trên cơ sở tích hợp quy hoạch nuôi biển vào quy hoạch chung của tỉnh, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nuôi biển như cá lồng bè, nhuyễn thể hàu, ngao hai cùi, tu hài...
Việc xác định rõ lợi thế tự nhiên, định vị được nhu cầu thị trường đã giúp Hải Hà có định hướng, giải pháp rõ ràng trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Địa phương chủ động quy hoạch các vùng sản xuất tập trung trên cả 3 lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản), đến nay, hình thành 17 vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi; hình thành và phát triển các trang trại, vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp... Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích canh tác, nhất là phát huy được thế mạnh, xây dựng thương hiệu nông nghiệp của địa phương. Kinh tế hộ nông dân chuyển dịch từ hình thức tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, có quy mô và hiệu quả cao hơn. Năm 2024, giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn ước đạt 1.395 tỷ đồng.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()