Toà phạt bà Bùi Thị Lệ Phi, cựu giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, 8 năm tù về hành vi thông thầu; kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ cáo buộc nhận 3 tỷ đồng của doanh nghiệp.
Chiều 17/2, quyết định trên được TAND TP HCM đưa ra sau hơn một tuần xét xử và nghị án.
Bị cáo Cao Minh Chu (cựu giám đốc Sở Y tế Cần Thơ nhiệm kỳ sau bà Phi) bị phạt 7 năm tù; Hoàng Thị Thúy Nga (Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group) lĩnh 8 năm tù. 17 bị cáo khác bị tuyên từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 5 năm tù cùng về tộiVi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Nga bồi thường toàn bộ thiệt hại còn lại của vụ án là hơn 29 tỷ đồng.
HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi đưa và nhận 3,4 tỷ đồng giữa Nga, Phi, Chu và các bị cáo khác trong quá trình thông thầu.
Bà Phi bị cáo buộc nhận 3,2 tỷ đồng; ông Chu nhận 200 triệu đồng từ Nga, liên quan đến việc đấu thầu. Trong đó, ngày 3/12/2019, bị cáo Nga cùng nhân viên mang 3 tỷ đồng đến đưa cho bà Phi tại nhà. Quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Nga, Phi, Chu đều phủ nhận cáo buộc.
Nga khai mang số tiền này đi Côn Đảo để đầu tư, trên đường đi có ghé thăm bà Phi vì biết mới về hưu. Cơ quan điều tra có thể kiểm tra máy soi chiếu ở sân bay để xác minh bị cáo đã mang tiền ra Côn Đảo.
"Quá trình điều tra còn một số điểm chưa rõ, chưa phù hợp. Việc đưa và nhận tiền là dấu hiệu phạm tội khác nên kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ, cũng là để không làm oan người vô tội", HĐXX nêu quan điểm.
Bản án xác định, từ năm 2017 đến 2019 Sở Y tế Cần Thơ là chủ đầu tư 4 gói thầu cung cấp trang thiết bị cho Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Tim, trị giá 90 tỷ đồng. Bị cáo Phi, Chu đã lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ được giao, can thiệp trái pháp luật vào việc đấu thầu, chỉ đạo nhân viên hợp thức hoá các thủ tục tạo mọi điều kiện để các công ty của Nga trúng các gói thầu, gây thiệt hại gần 33 tỷ đồng.
Theo toà, bà Phi với tư cách đứng đầu ngành y tế Cần Thơ, từ tháng 5/2011 đến tháng 12/2019 trực tiếp quản lý vốn Nhà nước để đấu thầu mua sắm trang thiết bị. Bị cáo còn đại diện chủ đầu tư trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, bố trí vốn cho 4 gói thầu. Do đó, bà Phi có vai trò đứng đầu trong nhóm các bị cáo thuộc Sở Y tế Cần Thơ, tiếp đó là bị cáo Chu.
Đối với bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, toà xác định, sau khi biết Sở Y tế Cần Thơ là chủ đầu tư 4 gói thầu đã thông đồng với hai lãnh đạo Sở Y tế để được trúng thầu với giá ấn định sẵn. Nga đã chỉ đạo nhân viên tiếp cận thông tin, những yêu cầu về các gói thầu; cung cấp thông số kỹ thuật thiết bị, giá thiết bị, các báo giá (được lập khống) cho Sở Y tế Cần Thơ lập dự toán, hồ sơ mời thầu.
Chủ tịch NSJ cũng yêu cầu cấp dưới cung cấp các báo giá do công ty mình lập khống cho Công ty BTCVALUE ban hành Chứng thư thẩm định giá theo giá chỉ định; điều chỉnh nội dung hồ sơ mời thầu với Công ty Mediconsult theo hướng có lợi cho công ty của mình; lập hồ sơ dự thầu cho các công ty "quân xanh".
Hoàng Thị Thúy Nga còn chỉ đạo Kim Trọng Đoàn (Phó tổng giám đốc Công ty NSJ, thành viên góp 20% vốn) thương thảo để độc quyền mua hàng hóa, cản trở các đơn vị khác không mua được hàng, không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư, đồng thời ký các hợp đồng mua hàng giữa các công ty của Nga nhằm mục đích che giấu việc nâng khống giá hàng hóa.
Ngoài vụ án này, bà Nga bị cáo buộc khi là Phó tổng giám đốc Công ty AIC đã thực hiện chỉ đạo củaChủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhànthực hiện nhiều sai phạm trong 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.
Hồi đầu năm, bà Nga bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 12 năm, nộp 15 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án.
Ý kiến ()