Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:23 (GMT +7)
Hạ tầng hiện đại thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
Thứ 3, 27/09/2022 | 14:20:17 [GMT +7] A A
Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) và hạ tầng trung tâm dữ liệu. Phát triển hạ tầng số được xác định là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số (CĐS). Là tỉnh không có nền tảng ban đầu về hạ tầng công nghệ nên trong quá trình CĐS, Bình Phước đã tranh thủ huy động nguồn lực đầu tư, phối hợp với các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ để thuê dịch vụ, phát triển hạ tầng CNTT. Cùng với đó, hằng năm tỉnh đều dành nguồn ngân sách đáng kể để đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ theo từng lộ trình, giai đoạn, đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử tới CĐS.
Hạ tầng công nghệ phải đi trước một bước
Trong quá trình triển khai chuyển đổi số, hạ tầng số phải đi trước một bước và xem là yếu tố nền tảng đón đầu, cần được ưu tiên đầu tư sớm. Vì vậy, tỉnh đã triển khai thực hiện thí điểm ở phạm vi hẹp trước khi nhân rộng đại trà. Các dự án đều được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng từng đối tượng, lĩnh vực cụ thể. Hạ tầng CNTT trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu kết nối, sử dụng dữ liệu của chính quyền và người dân.
Trong xây dựng nền tảng CĐS, tỉnh đã mở rộng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo với các tập đoàn lớn về CNTT như: VNPT, Viettel, FPT... để phát triển nguồn nhân lực CNTT và hỗ trợ Bình Phước hiện đại hóa hạ tầng viễn thông, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cung cấp giải pháp số.
Hiện nay, Viettel Bình Phước đang cùng với tỉnh xây dựng nền tảng hạ tầng số, hệ sinh thái số đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Viettel Bình Phước cũng tiên phong đưa viễn thông, CNTT vào mọi lĩnh vực đời sống như: y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ…
Anh Tô Ngọc Hải, Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp, Viettel Bình Phước chia sẻ: “Chi nhánh đã phối hợp với ngành giáo dục tỉnh triển khai các phần mềm quản lý, bài giảng được cập nhật trên trang phần mềm Viettel Study để mở ra không gian cho học sinh tự học. Hợp tác với ngành y tế thực hiện dự án xây dựng hệ thống quản lý điện tử cho người dân theo mã số cá nhân (ID) nhằm nắm bắt sức khỏe từng người, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí khám và điều trị bệnh… Viettel cũng phối hợp với tỉnh đưa vào sử dụng dịch vụ mạng 5G - công nghệ di động băng rộng mới nhất, có khả năng kết nối dữ liệu tốc độ cao gấp 50 lần mạng 4G hiện tại, không chỉ phục vụ con người mà còn kết nối vạn vật (IoT). Nhờ hệ thống trạm thu phát sóng được trải rộng, hệ thống cáp quang vươn đến mọi nơi, từ đó việc kết nối của các cơ quan, đơn vị và các hộ dân ngày càng thuận lợi hơn”.
VNPT cũng đang cùng với tỉnh triển khai phần mềm quản lý đất đai đồng bộ với cổng dịch vụ công, kết nối ngành thuế, thanh toán trực tuyến, đồng thời tiến đến xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn tỉnh. Tham gia phát triển mạng di động, cáp quang khu vực biên giới, trong đó kết hợp lắp đặt hệ thống camera giám sát. Phát triển các chức năng của Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) để phục vụ lãnh đạo, điều hành tập trung các vấn đề trọng tâm như: thông tin báo cáo ngày, tiêu điểm, báo cáo tháng, quý và các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội...
Ứng dụng CNTT là một trong những giải pháp mang lại chuyển biến rõ nét trong công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã hình thành được trục liên thông thủ tục hành chính từ tỉnh xuống các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa tại các huyện, xã. Tại trung tâm phục vụ hành chính công các cấp, người dân và doanh nghiệp được tiếp cận với nhiều tiện ích của dịch vụ công hiện đại, nhiều thủ tục hành chính các đơn vị có thể liên thông với nhau trong giải quyết và trả kết quả.
Ông Bùi Gia Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Ứng dụng thiết bị công nghệ thông tin tạo ra nhiều kết nối tiện ích giữa người dân và chính quyền. Nhờ công nghệ hỗ trợ mà thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn tối đa. Hiện nay, trung tâm vẫn không ngừng đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Công nghệ đồng bộ quyết định thành công chuyển đổi số
Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của Bình Phước đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật trên tất cả lĩnh vực, trong đó có điểm sáng về phát triển CNTT, làm tiền đề để CĐS. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được trang bị mạng nội bộ (LAN), kết nối internet để triển khai các ứng dụng phục vụ công việc; 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính phục vụ công tác chuyên môn. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đã được xây dựng và hoạt động ổn định. Mạng số liệu chuyên dùng được kết nối từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã với 145 cơ quan hành chính nhà nước, 149 cơ quan khối đảng, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh; 310 cơ quan, đơn vị đã được lắp đặt đường truyền cáp quang, thiết bị đầu cuối, hệ thống định tuyến router chuyên dùng.
Nhờ đầu tư hệ thống truyền hình trực tuyến nên hiện nay nhiều cuộc họp của UBND tỉnh với các địa phương, sở, ngành đang được triển khai bằng hình thức trực tuyến, tiết kiệm được khá nhiều thời gian và chi phí so với hình thức họp truyền thống. Hình thức họp trực tuyến đã thực sự phát huy hiệu quả trong hơn 1 năm “sống chung” với dịch Covid-19. Với hệ thống họp trực tuyến, có thể tổ chức họp bất cứ lúc nào, chỉ với một thông báo nhanh.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Cùng với việc đầu tư hạ tầng CNTT, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) liên thông 4 cấp trong quản lý văn bản, hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ cả phần cứng, phần mềm tại 100% UBND cấp huyện, xã, góp phần hiện đại hóa, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả bộ chỉ số DTI vừa công bố, hạ tầng CNTT của Bình Phước đang đứng thứ 8/63 tỉnh, thành".
Để đáp ứng nhiệm vụ CĐS trong từng giai đoạn, tỉnh đang tiếp tục xây dựng và nâng cấp hạ tầng viễn thông mạng 5G, mạng cáp quang, internet, điện toán đám mây, hướng đến mỗi người dân đều có smartphone; duy trì hệ thống mạng LAN, hoàn thiện các nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu ngang dọc 4 cấp. Cùng với đó là tiếp tục đầu tư hạ tầng IoT cho các cơ quan, địa phương. Khi có hạ tầng đủ mạnh thì mọi thủ tục mới được thực hiện trên môi trường số.
Bình Phước xem việc xây dựng hạ tầng CNTT mang yếu tố quyết định trong xây dựng thành công chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Công nghệ số đã và đang được đầu tư sẽ là động lực thúc đẩy quá trình CĐS tại tỉnh có bước tiến nhanh và hiệu quả hơn.
Theo Ngân Hà/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()