Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:22 (GMT +7)
Hà Nội sẽ giãn cách xã hội "đợt 3" như thế nào?
Thứ 7, 21/08/2021 | 20:42:37 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố đến ngày 6/9 để phòng chống dịch Covid-19.
Kiên quyết yêu cầu "ai ở đâu thì ở đó"
Chiều 21/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký, ban hành Công điện số 19/CĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 6/9 trên phạm vi toàn thành phố và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Đặc biệt, ngoài nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường..., Hà Nội kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó" nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội.
Nội dung công điện khẳng định, đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch, đề nghị mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, thôn, xóm… là một pháo đài chống dịch.
Chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của thành phố, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, an ninh trật tự của thành phố và sinh kế, sức khỏe của người dân và cộng đồng.
Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Trung ương và Thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội; cấp và quản lý giấy đi đường cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị.
Chính quyền các cấp và lực lượng chức năng siết chặt công tác quản lý phòng dịch tại chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích… nhất là trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và ngày cuối tuần.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đến từng đối tượng, từng tổ chức được phép hoạt động trên địa bàn bao gồm hoạt động tham gia giao thông, sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; đảm bảo an toàn, chỉ được hoạt động trong các khung giờ quy định; tuân thủ việc khai báo bằng mã QR; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Kiểm soát chặt việc ra đường của người dân
Đề nghị MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để tổ chức tiếp nhận ủng hộ và điều phối hàng hóa, nhu yếu phẩm…; công bố đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời những kiến nghị của người dân; chăm lo, chia sẻ những khó khăn, đặc biệt là đối với những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch, phấn đấu không một hộ dân nào bị thiếu đói, không người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Giao Sở Y tế chuẩn bị sẵn phương án cao để tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; đảm bảo khả năng thu dung điều trị 30.000 F0, chỉ đạo truy vết hiệu quả.
Giao Công an thành phố tổ chức triển khai kịp thời các giải pháp, kiểm tra giám sát chặt chẽ việc chấp hành của người dân khi ra đường và các phương tiện tham gia giao thông.
Yêu cầu chính quyền các cấp, các ngành đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người dân, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc; đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe, tinh thần cho nhân dân ở mọi lúc, mọi nơi khi cần thiết, đảm bảo công tác an sinh xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn…
Trước đó, UBND TP Hà Nội quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6h ngày 24/7 đến 6h ngày 8/8. Tiếp đó, ngày 6/6, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội "đợt 2" từ 6h ngày 8/8 đến 6h ngày 23/8.
Tính từ ngày 29/4 đến trưa 21/8, số mắc ghi nhận tại thành phố Hà Nội là 2.540 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.304 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.236 ca.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()