Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:40 (GMT +7)
Hà Nội đang giải trình tự gen 28 trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron
Thứ 5, 30/12/2021 | 09:15:16 [GMT +7] A A
28 mẫu xét nghiệm các trường hợp mắc COVID-19 và có yếu tố dịch tễ nghi ngờ liên quan đến chủng Omicron đã được TP Hà Nội chuyển lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải trình tự gen...
Chiều tối 29/12, tại phiên họp Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 28/12, tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn là 43.128 trường hợp. Hiện nay, thành phố có 76 điểm phong tỏa với 3.100 người.
Đáng chú ý, TP Hà Nội đã lấy 28 mẫu xét nghiệm các trường hợp mắc COVID-19 và có yếu tố dịch tễ nghi ngờ liên quan đến biến chủng Omicron và chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải trình tự gen xác định chủng virus (sàng lọc nghi ngờ chủng Omicron).
"Việc giải trình tự gen vẫn đang trong quá trình thực hiện và đang chờ kết quả", ông Vũ Cao Cương cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, đến nay thành phố có tổng số 54.045 trường hợp F1 phải cách ly, trong đó đang cách ly tại nhà 22.802 trường hợp F1. Từ 27/4 đến nay, thành phố tiếp nhận quản lý, điều trị tổng số 42.888 bệnh nhân, hiện đang điều trị 20.211 người.
Ông Vũ Cao Cương nhận định, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, có thể vượt ngưỡng 2.000 ca mắc/ngày trong tuần tiếp theo. Do đó, công tác phòng, chống và kiểm soát COVID-19 cần quyết liệt hơn nữa.
Thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm chủng mũi 1, mũi 2 và tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Tiếp tục triển khai đồng bộ việc thu dung điều trị F0 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng tại các khu thu dung điều trị theo mô hình trạm y tế lưu động và tổ chức cách ly điều trị tại nhà; Tổ chức hoạt động có hiệu quả Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà, phối hợp chặt chẽ với mạng lưới thầy thuốc đồng hành để giảm tải cho tuyến y tế cơ sở…
Đặc biệt, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận huyện đôn đốc việc sử dụng phần mềm quản lý người nhiễm COVID-19 để quản lý, tư vẫn theo dõi F0 tại nhà; Phối hợp với Thành đoàn để bố trí các điểm oxy y ế (ATM oxy) sử dụng trong các trường hợp chỉ định thở oxy…
Trước diễn biến mới về dịch COVID-19 tại Hà Nội liên quan đến biến chủng Omicron, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt là có khoảng 140 nghìn người Việt Nam nước ngoài đăng ký trở về nước ăn Tết, sẽ dẫn đến những nguy cơ mắc COVID-19 không nhỏ.
“Trừ các trường hợp theo chỉ định y tế không thể tiêm vaccine được, với các trường hợp khác, Bí thư, Chủ tịch phải đến tận nhà vận động, tuyên truyền, để tiêm vaccine bằng được. Tiêm thêm được 1 người là giảm đi 1 người phải chuyển tầng 3 điều trị, giảm đi một nguy cơ tử vong. Đây là chuyển biến về nhận thức phải xác định rõ là hạn chế chuyển tầng, tử vong, quản trị rủi ro”, ông Nguyễn Văn Phong nói.
Trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 5.000-7000 ca/ngày. Có thể biến chủng Omicron sẽ lan ra cộng động với tốc độ rất nhanh. Sở Y tế Hà Nội phải xây dựng kịch bản mới, dựa trên tỷ lệ chuyển tầng điều trị, tử vong, không để quá tải ở tầng điều trị 2,3. Các quận huyện thị xã cũng cần có kịch bản mới phù hợp với tình hình hiện tại.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu chuyển hướng điều trị F0 về xã phường và điều trị tại nhà, các quận huyện hạn chế việc tiếp tục mở các khu thu dung điều trị tập trung; tận dụng các trường mầm non ở các xã phường để thực hiện việc này; Các quận huyện, thị xã có đông lao động ngoại tỉnh, công trường lớn, cần quản lý chặt di biến động dân cư để rà soát tiêm vaccine cho người chưa được tiêm trên nguyên tắc “không phân biệt người ở đâu, có trên địa bàn phải được tiêm vaccine ngay”.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh: "Thành phố vẫn kiểm soát được dịch bệnh nhưng nếu không kìm chế được sự gia tăng; người dân và cơ quan quản lý lơ là thì chắc chắn dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng, tỷ lệ tử vong cũng sẽ tăng. Do đó, yêu cầu công tác tuyên truyền phải thực chất, hiệu quả hơn để mỗi người dân có ý thức bảo vệ mình và xã hội. Nếu mỗi người trách nhiệm hơn nữa, cùng chung tay thì mới có một dịp Tết bình an”.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()