Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:25 (GMT +7)
Hạ Long - Thành phố của những lễ hội
Chủ nhật, 10/03/2024 | 06:46:48 [GMT +7] A A
Đến Hạ Long ngày nay, du khách không phải chỉ để thăm vịnh hay tắm biển mà còn là để vui chơi, hòa mình vào các lễ hội. Và mùa nào cũng có lễ hội.
Trên địa bàn TP Hạ Long hiện có 10 lễ hội truyền thống. Các lễ hội tiêu biểu có thể kể ra như: Lễ hội chùa Long Tiên, Lễ hội đền bà Men, Lễ hội đền Trần Quốc Nghiễn, Lễ hội làng Bằng Cả, Lễ hội đại kỳ phúc đình nghè Vạn Yên, Lễ hội đình Giang Võng... Lễ hội đền Bà Men mang đậm tín ngưỡng và văn hóa đặc trưng của làng chài trên Vịnh, được tổ chức hàng năm vào ngày 19 và 20 tháng Giêng. Vào thời gian này, ngư dân các làng chài Hạ Long và Cát Bà (Hải Phòng) tụ về đền Bà Men để tổ chức lễ hội cùng hội Phật tử và du khách đến dâng hương hoa lễ vật. Từ trưa ngày 20 tháng Giêng, phần hội diễn ra với cuộc thi đua chải giữa các làng chài.
Lễ hội chùa Long Tiên được tổ chức vào ngày 24/3 âm lịch. Chùa Long Tiên được xây dựng từ năm 1941, là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở thành phố với phong cách kiến trúc độc đáo hiếm thấy. Lễ hội với nhiều hoạt động độc đáo không chỉ dành riêng cho phật tử mà còn mang ý nghĩa tâm linh với mọi người dân, du khách.
Lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn tổ chức vào ngày 29/4 dương lịch hằng năm. Lễ hội diễn ra long trọng với hành trình rước kiệu từ đền qua cổng chợ Hạ Long, dâng hương ở Cung Văn hóa Lao động Việt - Nhật rồi quay trở lại đền. Không khí lễ rước đông vui, náo nhiệt, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Người dân tin rằng, trong đám rước kiệu Đức Ông, người lớn chui qua kiệu sẽ gặp nhiều may mắn, trẻ con chui qua sẽ dễ nuôi.
Lễ hội đình Giang Võng tổ chức vào mùng 9 và 10/11 âm lịch hằng năm tại đình Giang Võng (còn gọi đình Cái Đá) thuộc phường Hà Khánh. Cách đây gần 300 năm, ông cha của 7 dòng họ làm nghề chài lưới đã đoàn tụ về đây lập làng cư ngụ. Khoảng cuối thế kỷ XIX, đình làng được xây dựng, thờ Thành hoàng làng, thần Núi, thần Biển, Đức Thánh Trần và 7 cụ tổ. Hoạt động chính và cũng là nét độc đáo nhất của lễ hội là lễ rước nước, tái hiện nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu của những người dân chài thủy cư trên Vịnh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng Di sản văn hoá phi vật thể, Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiếm có một đô thị nào lại chứa đựng khối lượng phong phú các lễ hội truyền thống của đa dạng tộc người như Hạ Long. Từ những lễ hội cúng đình chùa của người Việt cho tới các lễ hội của các tộc người cộng cư, từ lễ hội cúng thần rừng thần núi cho tới cầu mùa trên biển, từ lễ hội gắn với tín ngưỡng dân gian trên biển cho tới những lễ hội có tính chất tín ngưỡng du nhập. Đặc biệt là lễ cúng các vị anh hùng dân tộc tạo nên một bản sắc văn hoá vừa đặc trưng nhưng lại hàm chứa sự đa dạng văn hoá của một đô thị phồn vinh về cả kinh tế lẫn văn hoá như Hạ Long.
Bên cạnh những lễ hội truyền thống, Hạ Long còn hấp dẫn du khách với những lễ hội hiện đại. Một “thương hiệu du lịch” tiêu biểu nhất là Carnaval thường niên, vào dịp 30/4-1/5. Carnaval Hạ Long được tổ chức lần đầu năm 2007, sau đó mỗi năm một lần như một “bữa tiệc” đầy ấn tượng với không gian nghệ thuật hoành tráng, màn diễu hành đường phố đầy màu sắc, âm nhạc sôi động, những màn trình diễn mãn nhãn và nhiều hoạt động vui tươi khác.
Lễ hội thả diều là một trong những hoạt động độc đáo nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa chào mừng Carnaval. Đến với lễ hội thả diều, bạn sẽ được trải nghiệm các màn biểu diễn thả diều nghệ thuật, diều sáo, trưng bày các con diều sáo, diều cỡ lớn với cách trang trí ấn tượng, mang đậm hình ảnh dân gian Việt Nam, người thợ mỏ Quảng Ninh… của các câu lạc bộ diều tại địa phương.
Lễ hội Hoa anh đào cũng là một trong những lễ hội lớn và được tổ chức thường niên với mục đích tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quảng Ninh với các hiệp hội, cơ quan văn hóa của Nhật Bản. Những năm đầu, lễ hội được tổ chức ở Hạ Long, sau này được đưa về TP Uông Bí và mở rộng nội hàm của lễ hội thành Lễ hội Hoa anh đào - Mai vàng Yên Tử. Một lễ hội hiện đại khác mới được hình thành là Lễ hội Hokkaido. Mỗi năm, lễ hội Hạ Long Hokkaido lại được tổ chức với một chủ đề khác nhau. Tuy nhiên, đều có nhiều hoạt động văn hóa đa sắc màu đến từ hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản.
Hạ Long đã nhìn ra thế giới để thấy lễ hội có vai trò rất lớn trong việc tạo chất "men say” cho ngành công nghiệp không khói từ đó dần định vị mình trở thành điểm đến du lịch lễ hội. Tại Bãi Cháy, không lúc nào thiếu lễ hội hiện đại: Lễ hội kỳ quan muôn sắc hoa, lễ hội ánh sáng, lễ hội hoa xuân hay các lễ hội mùa đông, lễ hội ẩm thực…
Thời gian qua, việc xây dựng quy hoạch, triển khai kế hoạch quản lý nhà nước về lễ hội; phục dựng các lễ hội truyền thống, bảo tồn lễ hội đồng bào các dân tộc, các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa văn nghệ trong lễ hội được thành phố thực hiện tốt. Thành phố triển khai nội dung văn bản quy phạm pháp luật trong việc tổ chức lễ hội truyền thống, lễ tham quan, chiêm bái trong dịp đầu xuân; hướng dẫn thực hiện tốt việc quản lý, duy trì hoạt động của lễ hội truyền thống. Các lễ hội từng bước được nâng tầm quy mô và chất lượng tổ chức, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được tăng cường theo hướng phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Phần lễ trang nghiêm, an toàn. Phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức tươi vui.
Ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long cho biết, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm bảo tồn với các sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng, bản địa. Đặc biệt khẩn trương hoàn thiện việc quản lý quy hoạch các điểm di tích, các dự án, công trình liên quan đến cải tạo di tích, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động xung quanh lễ hội, đền chùa. Quyết tâm xây dựng Hạ Long trở thành thành phố của hoa và lễ hội, bốn mùa đều là điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()