Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 05:31 (GMT +7)
Hạ Long: Rút ngắn khoảng cách vùng cao với thành thị
Thứ 5, 09/05/2024 | 08:13:22 [GMT +7] A A
TP Hạ Long hiện là thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước, gồm 33 đơn vị hành chính với khoảng 322.700 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu sống tại 11 xã miền núi, vùng cao của thành phố. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực này, một trong những giải pháp được TP Hạ Long quan tâm thực hiện đó là tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển mới sau khi sáp nhập toàn bộ huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, trên cơ sở Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg (ngày 10/2/2023), thành phố đã chỉ đạo các xã nghiên cứu lập Quy hoạch chung xây dựng xã, trình UBND thành phố phê duyệt. Mục tiêu là đảm bảo đồng bộ cấu trúc, hệ thống hạ tầng khung, định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan, đảm bảo tính kết nối giữa khu vực nông thôn với khu vực đô thị, khu vực hiện hữu với khu vực phát triển mới. Qua đó, làm cơ sở đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, các điểm dân cư nông thôn, thu hút đầu tư các dự án thành phần, tạo động lực phát triển bền vững cho các xã nông thôn của thành phố trong giai đoạn mới.
TP Hạ Long đã đầu tư một số dự án giao thông huyết mạch, kết nối khu vực trung tâm thành phố với các xã vùng cao như: Đường nối từ QL279 (xã Tân Dân, TP Hạ Long) đến đường tỉnh 291 - thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang); cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận TP Hạ Long - từ Km13-Km37+500; nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn thôn Trại Me (xã Sơn Dương) đến thôn Đồng Trà (xã Đồng Lâm); nâng cấp, cải tạo tuyến đường liên xã, đoạn đường từ Mỏ Đông (xã Sơn Dương) đi qua thôn Đèo Đọc, Cài (xã Đồng Lâm) đến trung tâm xã Đồng Sơn; cải tạo nâng cấp tuyến đường từ trung tâm thành phố đi Đồng Lâm - Kỳ Thượng; tuyến đường nối từ tỉnh lộ 342 đến QL279 qua trung tâm xã Sơn Dương... Các dự án giao thông huyết mạch được đầu tư góp phần tăng cường liên kết vùng, giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Từng là một trong 2 xã vùng sâu, vùng xa nhất của TP Hạ Long, địa hình đồi núi, dốc cao, đi lại vô cùng khó khăn, Đồng Sơn nay đã có diện mạo mới. Sau khi Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường nối Sơn Dương - Đồng Sơn có chiều dài 19,1km với 2 làn xe hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2023, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong đời sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội địa phương này. Chị Đặng Thị Sen (thôn Tân Ốc 1, xã Đồng Sơn) chia sẻ: Giao thông thuận lợi đã rút ngắn rất nhiều thời gian di chuyển từ xã đến trung tâm TP Hạ Long và các khu vực, đảm bảo đi lại an toàn, thuận tiện. Giờ đây, việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng, đã mở đường cho người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Ông Hà Hữu Trọng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Hạ Long, cho biết: Từ khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long năm 2020, TP Hạ Long đã được ưu tiên dành nguồn lực đầu tư trên 60 dự án với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, chủ yếu các công trình hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, nước sạch… tại các xã miền núi, góp phần đưa miền núi tiến gần miền xuôi; đời sống nhân dân được cải thiện nhiều.
Trong 3 năm từ 2021-2023, các xã vùng DTTS của TP Hạ Long cũng đầu tư 248 công trình hạ tầng nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ gần 202 tỷ đồng, bê tông hoá 30,797km đường giao thông; cứng hoá 28,8603km kênh mương, 23,98km đường ống nước; lắp đặt 11,5km hệ thống điện chiếu sáng; sửa chữa 10 nhà văn hoá, 1 công trình nâng cấp, cải tạo nghĩa trang, 1 công trình đảm bảo vệ sinh môi trường... nhằm duy trì và nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, có 5.347/11.437 hộ dân nông thôn tại khu vực các xã (tập trung ở Thống Nhất, Lê Lợi, Sơn Dương) được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn hiện hành, đạt 46,8%; UBND thành phố đang triển khai 2 dự án: Xây dựng hệ thống cấp nước sạch tại các xã Sơn Dương, Đồng Lâm, Vũ Oai, Hòa Bình; xây dựng hệ thống cấp nước sạch tại các xã Dân Chủ, Quảng La, Bằng Cả, Tân Dân. Dự kiến, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn sau khi đầu tư là 81,7% (9.339/11.437 hộ). Đối với dự án nước sạch tại 2 xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng, UBND thành phố đang chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu khảo sát triển khai trong năm 2024.
Thành phố cũng phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khảo sát, lựa chọn vị trí xây dựng trạm BTS và lắp đặt hạ tầng cáp quang băng thông rộng để thực hiện phủ lõm sóng điện thoại. Lắp đặt 16 trạm wifi miễn phí tại địa bàn các xã. 100% các thôn được phủ sóng điện thoại và hạ tầng băng rộng cáp quang, 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh Quốc gia và tỉnh Quảng Ninh.
Dự kiến, từ nay đến năm 2025, thành phố đầu tư khoảng 40 dự án để phát triển hạ tầng ở các xã vùng cao trên địa bàn nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Thu Phương
Liên kết website
Ý kiến ()