Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:03 (GMT +7)
Hạ Long: Quyết liệt thiết lập trật tự đô thị
Thứ 6, 14/07/2023 | 14:54:14 [GMT +7] A A
Ngày 16/5/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố; ngày 17/5/2023 UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU.
Với Chỉ thị số 20-CT/TU, mục tiêu là xử lý các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh; tận dụng vỉa hè, lề đường để trồng rau, đặt chậu hoa, cây cảnh, đặt vật dụng chứa rác, đặt bàn ghế đá ngồi ngắm cảnh phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình; lấy vỉa hè làm nơi dừng đỗ xe, tập kết vật liệu… buộc người đi bộ phải đi dưới lòng đường, gây mất an toàn giao thông.
Trong quá trình triển khai Chỉ thị số 20-CT/TU, quan điểm nhất quán của TP Hạ Long là công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để phát sinh vi phạm.
Từ sự thống nhất cao độ này, trong 2 tháng qua các đơn vị chức năng của thành phố đã tổ chức kiểm tra, xử phạt đối với các trường hợp cố tình chiếm dụng lòng đường, vỉa hè trái phép; tiến hành cắt dỡ nhiều bảng hiệu, biển quảng cáo, mái che, mái vẩy lấn chiếm vỉa hè lòng đường, che khuất tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông. Các địa phương xây dựng quy chế, quy định về việc quản lý sử dụng lòng đường vỉa hè; xác định rõ các khu vực cấm hoặc giới hạn hoạt động trên lòng đường vỉa hè (đỗ xe, kinh doanh, xếp dỡ hàng hóa); lắp đặt hệ thống camera giám sát để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trên lòng đường vỉa hè, trước mắt lắp đặt tại các điểm nóng như chợ truyền thống, cổng bệnh viện, bến xe, bãi tắm, trường học, nhà hàng, khách sạn.
Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất được xác định là công tác tuyên truyền vận động, khơi dậy ý thức tự giác, chủ động của người dân. Các giải pháp xử phạt chỉ áp dụng cho những trường hợp không hợp tác, cố tình vi phạm và áp dụng linh hoạt những hình thức xử phạt vi phạm hành chính, phạt nguội, đình chỉ hoạt động kinh doanh…
Trên tinh thần này, 33 xã phường của thành phố đang khuyến khích cộng đồng tham gia vào việc quản lý, giám sát, bảo vệ lòng đường vỉa hè thông qua việc thành lập tổ tự quản trong tổ dân, khu phố, tuyến phố; tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, ý thức tự giác trong việc làm sạch môi trường sống, như thực hiện phân loại rác thải, bỏ rác đúng thời gian quy định, không xả rác bừa bãi; tổ chức các hoạt động gắn kết cộng đồng, như dọn vệ sinh, làm đẹp và tạo ra không gian sống xanh, sạch đẹp trên lòng đường, vỉa hè... Các địa phương tổ chức cho người dân ký cam kết không vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.
Cùng với huy động sức dân, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, thành phố đều gắn trách nhiệm của đảng viên và các tổ chức đoàn thể xã hội, gắn trách nhiệm người đứng đầu.
Với cách làm phát huy tinh thần tự giác, chủ động, vai trò chủ thể của người dân; gắn trách nhiệm với đảng viên, với người đứng đầu, với các tổ chức đoàn thể, TP Hạ Long kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả cao nhất, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, tạo nên môi trường sống xanh, sạch, ứng xử văn minh, để Hạ Long thực sự là thành phố du lịch văn minh, thân thiện. Cùng với thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, về lâu về dài thành phố nghiên cứu, xây dựng lòng đường vỉa hè rộng rãi, hợp lý trong quy hoạch đối với các khu đô thị mới, nhằm tăng nhu cầu sử dụng không gian công cộng, giảm áp lực về trật tự lòng đường vỉa hè.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()