Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:08 (GMT +7)
Hạ Long: Phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ đầu nguồn
Thứ 2, 26/06/2023 | 13:24:55 [GMT +7] A A
Với mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân trong xử lý chất thải rắn, hình thành một cộng đồng có lối sống thân thiện với môi trường, TP Hạ Long tích cực thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Thành phố xác định, đây là một trong những giải pháp căn cơ để giảm sức ép về xử lý chất thải rắn và hướng tới việc tuần hoàn, tái sử dụng chất thải rắn theo đúng chủ trương của tỉnh.
Quá trình đô thị hóa, gia tăng về dân số cộng với nhu cầu cao trong sinh hoạt hằng ngày của người dân dẫn đến phát sinh ngày càng nhiều chất thải rắn sinh hoạt. Theo thống kê, hiện nay lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 350 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom xử lý ở đô thị đạt 99%, ở các xã có hoạt động du lịch đạt trên 97%.
Qua công tác rà soát của thành phố cho thấy, đối với các xã có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình của một hộ dân khoảng 1,4kg/ngày đêm, trong đó có 92% là rác thải hữu cơ (rau, vỏ củ, quả…). Đối với các xã, phường còn lại, lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình một hộ dân là khoảng 1,8kg/ngày đêm và phần lớn cũng là rác thải hữu cơ. Còn tại các trường học, đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp, lượng rác thải trung bình hằng ngày khá lớn (15-100kg/ngày đêm).
Qua khảo sát của các đơn vị chức năng, đa số các hộ dân và những đơn vị nói trên chưa phân loại tại nguồn mà chất thải rắn sinh hoạt được thu gom hỗn hợp với tất cả các loại chất thải khác. Sau đó, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý theo phương thức chôn lấp tại thôn Đồng Lá (xã Hòa Bình). Tuy nhiên, khu vực chôn lấp rác thải sinh hoạt này đã đầy và chỉ là nơi lưu chứa, rác thải vẫn chưa được xử lý đảm bảo các yêu cầu về môi trường.
Nguyên nhân chính khiến cho việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn còn thấp là do việc tuyên truyền để người dân hiểu về tác dụng của việc phân loại rác tại nguồn còn hạn chế. Hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn chưa đồng bộ, nhiều điểm tập kết rác còn tạm bợ, chế tài xử lý vi phạm chưa hợp lý, trong khi đó để phân loại rác phải trang bị ít nhất 2 thùng phân loại rác (hữu cơ, vô cơ) riêng biệt..
Ông Phạm Văn Thế, Phó Phòng TN&MT TP Hạ Long, cho biết: Để hạn chế tình trạng rác phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hạ Long, tháng 7/2022, UBND thành phố ban hành phương án, kế hoạch về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải xây dựng. Mục tiêu cụ thể thành phố đặt ra, đến năm 2025 tỷ lệ phân loại rác thải sinh hoạt ở khu đô thị và các xã có hoạt động du lịch đạt trên 50%, ở các xã còn lại đạt trên 30%. Đến năm 2030, tỷ lệ phân loại rác thải sinh hoạt ở khu đô thị và các xã có hoạt động du lịch đạt trên 60%, ở các xã còn lại đạt trên 40%.
Thực hiện mục tiêu nói trên, từ năm 2022 đến nay, TP Hạ Long đã tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác thu gom, phân loại rác. Thành phố đã phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đưa công tác thu gom, xử lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trở thành tiêu chí thi đua của các đơn vị. Đến nay, nhiều mô hình, cách làm mới trong phân loại rác tại nguồn đã được triển khai ở các xã, phường.
Mới đây, ngày 16/6, Hội LHPN thành phố phối hợp với Hội LHPN xã Dân Chủ tổ chức ra mắt mô hình điểm Chi hội phụ nữ “Xây dựng Gia đình 5 có, 3 sạch”, gồm 20 gia đình hội viên phụ nữ trên địa bàn xã. Triển khai mô hình, các hội viên sẽ cùng trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, phòng chống bạo lực gia đình và đặc biệt là tiến hành phân loại rác tại nguồn ngay tại gia đình các hội viên này. Hay như Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng bố trí thùng đựng rác có ngăn phân loại rác (rác tái chế và không tái chế) đảm bảo vệ sinh môi trường và phân loại rác thải từ nguồn tại các điểm tham quan trên Vịnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người dân, TP Hạ Long cần phân loại đồng bộ và hiệu quả thì mới đạt kết quả như mong muốn, nghĩa là phải đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom đến khâu xử lý. Bởi thực tế hiện nay, có tình trạng người thì phân loại rác tại nguồn, người lại không thực hiện, nơi có thùng rác công cộng, nơi không và chủ yếu là thùng rác một màu, người dân không phân biệt được để thực hiện.
Bà Trương Thị Lương (tổ 6, khu 2, phường Hồng Hải) cho biết: Ngoài việc tuyên truyền cho các hộ gia đình cách phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, thành phố nên sớm trang bị các thùng rác nhiều màu, đặt tại các khu vực công cộng, tập trung đông người, khu vực nhiều khách du lịch… để người dân dần hình thành thói quen phân loại rác.
Ngoài chú trọng trong công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm, TP Hạ Long cũng cần tính toán đến công tác thu gom, thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại. Đặc biệt, thành phố cần xây dựng và nhân rộng các mô hình tái chế chất thải. Từ đó khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia phân loại, thu hồi các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.
Tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/7/2022 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau: Hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Trong đó, quy định cụ thể chất thải rắn sinh hoạt được phân làm ba loại, lộ trình thực hiện chậm nhất đến ngày 31/12/2024. Trong Nghị định 45 có đưa ra hình thức chế tài không phân loại rác tại nguồn theo quy định. UBND cấp tỉnh có quyền quyết định việc phân loại cụ thể. Như vậy, sau này sau khi địa phương ban hành quy định triển khai cụ thể việc cá nhân, hộ gia đình phân loại không đúng sẽ áp dụng chế tài. |
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()