Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 22/01/2025 11:15 (GMT +7)
Hạ Long hồi sinh những di tích xuống cấp
Thứ 4, 22/01/2025 | 11:09:38 [GMT +7] A A
TP Hạ Long sở hữu 96/638 di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh. Trải qua nhiều thăng trầm, không ít di tích đã bị xuống cấp, mai một. Mặc dù thành phố đã dành một khoản kinh phí cho công tác tu bổ, nhưng chưa đủ để trùng tu, tôn tạo, mở rộng các di tích. Thành phố đang có phương án đẩy mạnh huy động xã hội hóa, đồng thời có lộ trình tu bổ, tôn tạo di tích một cách hợp lý, khoa học.
Trở thành điểm hẹn của các lễ hội
Theo hồ sơ di tích, đền thờ vua Lê Thái Tổ (vua Lê Lợi) được xây dựng vào cuối thế kỷ XV, tọa lạc trên một gò đất bằng phẳng, xung quanh là sông nước. Đền ngày nay còn lưu giữ được 5 sắc phong các vua triều Nguyễn ban tặng vào năm 1821, 1846. Nội dung các sắc phong nêu rõ: Các vị thần Lê Thái Tổ, Lê Lai, Nguyễn Trãi, thần Núi, thần Sông… đã có công giúp nước che chở cho dân tỏ rõ linh ứng, nay gia tặng Thượng đẳng thần và cho phép xã Trí Xuyên, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên phụng thờ như xưa.
Trải qua thời gian, chiến tranh, đền thờ vua Lê Thái Tổ đã bị huỷ hoại nhiều lần. Qua dấu vết nền móng, các nhà nghiên cứu đã khẳng định đền thờ đã có 5 lần trùng tu lớn. Hiện đền còn 1 pho tượng Lê Lai, 12 chân cột và gạch ngói thời Lê, 14 đồ sành sứ thời Mạc và nghi môn cổ song cũng đủ phản ánh được giá trị của ngôi đền. Năm 2003, đền thờ vua Lê Thái Tổ được UBND tỉnh cấp bằng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Với những giá trị cả về lịch sử và yếu tố tâm linh, đền thờ vua Lê Thái Tổ là nơi thu hút đông đảo nhân dân địa phương và các vùng lân cận đến tham quan, chiêm bái. Tuy nhiên qua nhiều năm, ngôi đền ngày càng xuống cấp.
Cụ Phạm Đăng Khoa (thôn An Biên 2, xã Lê Lợi) cho biết: Đền thờ vua Lê Thái Tổ vốn có diện tích nhỏ hẹp, ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai các hoạt động lễ hội. Con đường vào đền xuống cấp, khi có lượng lớn các phương tiện đổ về những ngày lễ hội và đầu năm thì thường xuyên bị tắc nghẽn. Giá trị lịch sử ngôi đền là di sản ngàn đời cha ông ta vun đắp, xây dựng mà thành, trách nhiệm của chúng ta là phải bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đó để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Vì vậy người dân chúng tôi rất mong muốn thành phố sớm trùng tu, tôn tạo ngôi đền để tạo thuận tiện cho nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.
Trong chuyến khảo sát tại Quảng Ninh năm 2024, PGS.TS Nguyễn Tá Nhí, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chuyên gia hàng đầu về chữ Nôm, đã vô cùng ấn tượng với đền thờ vua Lê Thái Tổ ở xã Lê Lợi. Ông cho biết, sau khi đọc thêm nhiều cứ liệu lịch sử liên quan đến vua Lê Thái Tổ, đoàn khảo sát suy nghĩ và đề xuất cần xây dựng quy hoạch đền thờ vua Lê Thái Tổ cho xứng với tầm vóc của ngài cũng như của TP Hạ Long hiện nay.
Nhiều di tích khác cũng bị xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu chiêm bái, tín ngưỡng ngày một tăng cao của nhân dân và du khách. Dẫn đến một số lễ hội truyền thống mới được tổ chức ở quy mô nhỏ, chưa gắn với các hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch, chưa đóng góp vào sự phát triển của ngành Du lịch.
Theo các chuyên gia, di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa; giữ vai trò là nguồn lực đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Đồng thời là nền tảng tinh thần, yếu tố nội sinh làm nên cốt cách, bản lĩnh của con người Việt Nam, là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.
Với nỗ lực phát triển kinh tế di sản, năm 2024 TP Hạ Long ban hành Đề án “Hạ Long - Thành phố của lễ hội”. Để thực hiện Đề án, bên cạnh tổ chức Lễ hội Carnaval Hạ Long theo quy mô cấp tỉnh, thành phố sẽ duy trì tổ chức các lễ hội, sự kiện đang có và đặc biệt là điều chỉnh lại thời gian tổ chức một số lễ hội, sự kiện, xây dựng thêm các sự kiện văn hóa du lịch mới để các tháng, các mùa trong năm đều có lễ hội, sự kiện, đặc biệt là các mùa thấp điểm của du lịch Hạ Long. Dự kiến có 17 lễ hội, sự kiện văn hóa cấp thành phố; 14 lễ hội du lịch cấp xã.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Để tổ chức những lễ hội này thì trước mắt sẽ phải bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nâng cấp các điểm đến, trùng tu các di tích. Trong năm 2024 Hạ Long đã khởi công xây dựng 4 công trình văn hóa: Cụm văn hóa Núi Bài Thơ, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (phường Hồng Gai); đền Bà Chúa (phường Bạch Đằng); đền thờ vua Lê Thái Tổ (xã Lê Lợi); đình Làng Bang (xã Thống Nhất). Các công trình xây dựng đều phải giữ các giá trị nguyên gốc của di tích, đảm bảo hài hòa giữa không gian văn hóa, bản sắc kiến trúc với cảnh quan môi trường, tạo nên giá trị tổng hòa và đặc sắc của di tích và là điểm nhấn kết nối sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Đặc biệt thành phố xác định sẽ triển khai theo hướng xã hội hóa, tức là đề cao vai trò của nhân dân - các chủ thể di sản văn hóa, trong việc huy động các nguồn lực. Thực tiễn cho thấy, các di tích được giữ gìn chu đáo và phát huy tốt giá trị chỉ khi có sự tham gia, gắn bó mật thiết của cộng đồng sở tại. Tổng mức đầu tư 4 dự án trên khoảng 1.220 tỷ đồng, thành phố sẽ huy động khoảng 354 tỷ đồng xã hội hóa.
Huy động sức mạnh xã hội hoá
Hiện thực hóa mục tiêu đặt ra của Đề án, đã thành lập Ban vận động huy động nguồn lực xã hội hóa để kêu gọi, vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đối với dự án này, gửi thư mời đến các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, dòng họ Lê. Đồng thời bố trí riêng hòm công đức tại các điểm di tích để tiếp nhận nguồn ủng hộ của nhân dân, du khách.
Từ quyết tâm cùng với những cách làm sáng tạo, những ngày đầu năm 2025 thành phố đã tổ chức lễ cất nóc khối nhà tiền tế sau 3 tháng nỗ lực tôn tạo đền thờ vua Lê Thái Tổ tại xã Lê Lợi. Ngay trong buổi lễ cất nóc, thành phố đã tiếp nhận 83 tỷ đồng từ nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; sau đó ít ngày, một cá nhân quyên góp trên 10 tỷ đồng...
Ông Phạm Tuấn Nam, đại diện Công ty CP Xây dựng 205 Hạ Long, cho biết: Đền thờ vua Lê Lợi là một di sản mang giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt của người dân Quảng Ninh. Đây không chỉ là nơi tưởng nhớ một trong những vị vua vĩ đại nhất của dân tộc, mà còn là minh chứng sống động về tinh thần yêu nước và lòng biết ơn của nhân dân đối với những anh hùng dựng nước, giữ nước. Với trách nhiệm của doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố, chúng tôi mong muốn sẽ góp thêm phần nhỏ bé để chung tay cùng thành phố xây dựng, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử.
Bà Bùi Minh Trâm, Tổng Giám đốc Paddington Hotel HaLong BayView, khẳng định: Việc bảo tồn di tích không thể đong đếm hiệu quả bằng vật chất. Quan tâm bảo tồn sẽ mang lại hiệu quả văn hóa cũng như phát triển du lịch rất cao. Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này của thành phố để đưa Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh đầy sức cuốn hút trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới.
Cùng với tổ chức lễ cất nóc khối nhà tiền tế đền thờ vua Lê Thái Tổ, ngày 19/1 vừa qua, thành phố đã tổ chức khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đền Bà Chúa (đường Trần Quốc Nghiễn, phường Bạch Đằng), tổng mức đầu tư khoảng 23,7 tỷ đồng từ xã hội hóa, phần nội thất khoảng 2,18 tỷ đồng đang tiếp tục được huy động từ các tập thể, cá nhân, khách thập phương phát tâm công đức.
Theo các bậc cao niên, cuối thế kỷ XIX đã tồn tại miếu Bà Chúa nằm ở khu vực chân núi Bài Thơ, cạnh lạch nước nhỏ dẫn sâu vào trong đất liền, nơi thuyền bè qua lại nhộn nhịp. Lúc hình thành, đền Bà Chúa chỉ là ngôi miếu nhỏ, diện tích khoảng 2m2, không có mái che, bát hương được đặt vào các gườm đá. Nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, người dân địa phương đã dựng nên ngôi miếu nhỏ trên nền đất trống phía trước gườm đá. Do được xây dựng tại nơi đất bồi ở cửa hang sát biển nên diện tích miếu rất nhỏ. Đến nay, sau khi tu bổ, ngôi đền thờ có diện tích khoảng 132m2; có nghi môn gia công bằng đá, nhà tả-hữu vụ và các hạng mục phụ trợ khác.
Bà Nguyễn Thị Hải (khu phố 4, phường Bạch Đằng) cho biết: Tín ngưỡng thờ mẫu là nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho con người sức mạnh, niềm tin và góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ một ngôi miếu nhỏ, đến nay ngôi đền đã được thành phố tôn tạo một cách quy mô, bài bản, xứng đáng với giá trị lịch sử văn hóa của đền thật sự là một điều rất có ý nghĩa.
Xác định vai trò, ý nghĩa của Cụm di tích lịch sử văn hoá núi Bài Thơ trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố, tháng 4/2024 Hạ Long tổ chức lễ khởi công các dự án: Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá núi Bài Thơ; mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (phường Hồng Gai). Trong đó, dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kết nối khu văn hoá núi Bài Thơ có diện tích gần 1,2ha; gồm các hạng mục chính: Công trình kiến trúc (lầu bát giác, nhà vệ sinh ngầm, nhà dịch vụ); cây xanh, kè; sân, đường giao thông, bậc lên xuống... có tổng mức đầu tư khoảng 213 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Dự án mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được thực hiện bằng nguồn tiền công đức và các khoản huy động xã hội hóa hợp pháp khác. Đến thời điểm hiện tại, Ban vận động đã tiếp nhận được khoảng 1/3 kinh phí dự toán đầu tư xây dựng; trong đó có đơn vị ủng hộ tới 5 tỷ đồng, nhiều cá nhân ủng hộ hàng trăm triệu đồng.
Đối với Dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi đình Làng Bang (xã Thống Nhất), thành phố đã khởi công tháng 12/2024. Theo thiết kế, diện tích khu vực lập dự án là 3.065m2. Dự án sẽ tiến hành phục hồi Đại Đình (trên nền đình cũ) theo kiến trúc của ngôi đình làng truyền thống Bắc Bộ và có các hạng mục phụ trợ khác được bố trí ở các vị trí phù hợp trong tổng thể khu di tích. Đồng thời sử dụng 100% nguồn kinh phí xã hội hóa do UBND xã Thống Nhất làm chủ đầu tư. Hiện Ban vận động đã tiếp nhận được trên 3 tỷ đồng để triển khai Dự án.
Đến thời điểm hiện tại, TP Hạ Long đã tiếp nhận khoảng 140 tỷ đồng tiền xã hội hóa để triển khai 4 công trình nói trên. Với sự quan tâm sâu sắc, sự chung tay góp sức của các tấm lòng hảo tâm, thành phố đang gặt hái thêm những “trái ngọt” trong việc bảo tồn và giữ gìn di sản của cha ông để lại.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2025 thành phố tiếp tục ưu tiên nguồn lực để lập quy hoạch bảo tồn các công trình lịch sử, văn hóa, di tích, từ đó lập danh mục các dự án đầu tư thành phần, phân loại và xác định lộ trình thực hiện, nguồn vốn đầu tư, làm cơ sở để bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, huy động xã hội hóa cho các hoạt động bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc.
Hoàng Nga
- Lễ hội tại Hạ Long có gì đặc sắc?
- Hạ Long: Tổ chức 8 điểm chợ hoa xuân phục vụ Tết Ất Tỵ 2025
- TP Hạ Long: Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đền Bà Chúa
- Lễ cất nóc khối nhà tiền tế và tiếp nhận công đức xây dựng, tôn tạo Đền thờ Vua Lê Thái Tổ
- Khởi công dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi Đình Làng Bang sử dụng 100% nguồn kinh phí xã hội hóa
Liên kết website
Ý kiến ()