Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 18:04 (GMT +7)
Hạ Long: Để phát triển "xanh", bền vững
Thứ 5, 11/05/2023 | 06:56:56 [GMT +7] A A
Hạ Long là một trong những trung tâm khai thác than và là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất toàn tỉnh. Bên cạnh những mặt tích cực, đây cũng là những thách thức của thành phố trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), biến đổi khí hậu.
Sớm nhận ra những xung đột giữa phát triển kinh tế với BVMT, TP Hạ Long đã tập trung các dự án trồng cây hoàn nguyên môi trường do hoạt động khai thác than gây ra; triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất trên địa bàn; xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải tại các phường Bãi Cháy và Hà Khánh; nhân rộng phong trào chống rác thải nhựa; tập trung trồng rừng gỗ lớn; nạo vét cống rãnh…
Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật về môi trường để chủ động phòng ngừa và kiểm soát toàn diện tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường, tập trung vào các khu vực Vịnh Hạ Long, không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, trên diện rộng. Hàng năm, thành phố đều dành trên 2% tổng chi ngân sách dành cho các hoạt động BVMT, cao hơn mức quy định của Trung ương là không dưới 1% tổng chi ngân sách địa phương.
Những nỗ lực này đã giúp môi trường của TP Hạ Long nhìn chung được cải thiện, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực được kiểm soát. Môi trường không khí đã được quan tâm kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua hệ thống quan trắc môi trường tự động. Các vụ việc gây ảnh hưởng đến môi trường được phản ánh qua hệ thống đường dây nóng, hệ thống smart Hạ Long, truyền thông, kiến nghị cử tri… đã được thành phố tập trung giải quyết; phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân, các đơn vị, doanh nghiệp. Trên địa bàn thành phố hiện không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, công tác BVMT của thành phố vẫn còn những hạn chế cần sớm được khắc phục. Điển hình như đối với việc xử lý rác thải sinh hoạt, hiện công tác duy trì vệ sinh ngõ xóm đã được đơn vị thu gom thực hiện theo giờ với tần suất 1 lần/ngày nhưng hầu hết không thực hiện tốt do một bộ phận người dân ý thức chưa cao, chưa thực hiện bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, vẫn còn bỏ rác bừa bãi tại các nơi công cộng, đường ngõ xóm, các khu dự án chưa có người ở (hoặc người ở ít), các ô bãi đất trống, khu đất xen kẹp. Từ đó, gây mất vệ sinh môi trường, mất mỹ quan đô thị tại các bãi đất trống ở phường như: Hà Phong, Hà Tu, Khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh A, B...; đường dẫn vào KCN Cái Lân, phường Bãi Cháy.
TP Hạ Long cũng chưa hoàn thành quy hoạch các điểm tập kết rác thải sinh hoạt, điểm tập kết xe gom rác dẫn đến việc công nhân phải đẩy xe gom đi quãng đường rất xa, một số điểm tập kết rác thải sinh hoạt chờ thu gom còn để tại các vị trí ngã ba đường, những khu đất trống trong khu dân cư đông đúc, không có tường che chắn, không có hố thu gom nước rỉ rác; chưa hoàn thành quy hoạch khu vực đổ phế thải xây dựng trên địa bàn; các đơn vị cung ứng dịch vụ chưa quan tâm đầu tư phương tiện, thiết bị mới trong quá trình thu gom, vận chuyển, làm chảy nước rỉ rác ra các khu dân cư. Khu vực xử lý rác thải sinh hoạt tại thôn Đồng Lá (xã Hoà Bình) cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn, đặc biệt khu vực chứa rác tạm.
Đối với việc thu gom xử lý nước thải, do hạ tầng thu gom, xử lý nước thải còn thiếu cộng với quá trình đô thị hoá nhanh nên việc nghiên cứu quy hoạch hệ thống thoát nước mặt, nước thải sinh hoạt chưa thống nhất. Thậm chí nước thải sinh hoạt tại một số phường: Cao Thắng, Hà Lầm, Hà Trung, Tuần Châu, Hùng Thắng, Hà Khẩu, Giếng Đáy, Việt Hưng, Hoành Bồ… chưa có hệ thống thu gom tách riêng biệt nước thải sinh hoạt và nước mặt. Việc kết nối các công trình với mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt tuyến thu gom tại tuyến đường Trần Quốc Nghiễn về 2 trạm xử lý nước thải sinh hoạt Cột 5, Cột 8 và Cột 5, Cột 8 mở rộng chưa phù hợp…
Những bất cập này dẫn đến tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt thấp. Hiện tổng khối lượng xử lý của 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải và 50 trạm xử lý nước thải của các dự án trên địa bàn thành phố là gần 21.000m3/ngày đêm. Trong khi đó, tổng khối lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố là gần 50.000m3/ngày đêm. Như vậy, tỷ lệ xử lý nước thải mới đạt 44%, còn khoảng 56% nước thải sinh hoạt tại khu đô thị chưa được thu gom, xử lý. Nước thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn cơ bản chỉ được các hộ dân xử lý sơ bộ bằng bể ba ngăn và đấu nối vào hệ thống thoát nước mặt và thoát ra ngoài, chứ chưa có hệ thống thu gom, xử lý tập trung. Cùng với đó, ô nhiễm bụi, tiếng ồn từ hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, xây dựng, dịch vụ của các công ty than, nhiệt điện, xi măng và hoạt động chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp cũng chưa được thu gom triệt để.
Đánh giá kết quả quan trắc định kỳ do Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TN&MT) thực hiện và Phòng TN&MT thành phố phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện năm 2022 cho thấy, nước biển ven bờ Vịnh Hạ Long bị ô nhiễm NH4+ (amoni) vượt giới hạn cho phép của Quy chuẩn địa phương (QCĐP) 2:2020/QN. Bao gồm: Ven bờ khu đô thị Cenco 5; cửa sông Trới ven bờ KCN Việt Hưng; ven bờ biển phường Hùng Thắng; khu vực biển sau chợ Hạ Long 1 - cầu Bài Thơ Hạ Long; ven bờ khu vực Bến Đoan; ven bờ khu vực Cột 5. Chất lượng nước mặt của các nguồn nước mặt phục vụ nước cấp sinh hoạt cũng đều có ít nhất một thông số nằm ngoài giới hạn cho phép của QCĐP 1:2020/QN, chủ yếu là TSS, COD, BOD5, NH4+, NO2-, Cl-, Fe, Mn, giá trị pH và chỉ tiêu E.coli.
Nếu các chỉ số này không sớm được cải thiện, không chỉ chất lượng cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng mà môi trường du lịch cũng bị tác động lớn. Để phát triển xanh, bền vững, công tác BVMT tiếp tục cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, song trước hết, những thách thức trên cần sớm được TP Hạ Long tập trung tháo gỡ, nhất là về rác thải sinh hoạt và nước thải tại các khu dân cư.
Hoàng Nga
- Khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh B: Nhức nhối nạn đổ rác trộm
- Quyết tâm xử lý dứt điểm rác thải từ nuôi trồng thủy sản
- Chung tay phòng, chống rác thải nhựa
- 2,5 tỷ USD - là ước tính thiệt hại kinh tế thủy sản mỗi năm trên toàn cầu do rác thải nhựa
- Những mô hình cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa
- Tổng kết dự án xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven Vịnh Hạ Long
- Biến rác thải thành nhiên liệu trong sản xuất xi măng
Liên kết website
Ý kiến ()