Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:38 (GMT +7)
Hạ Long: Chăm lo tốt hơn đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 3, 18/06/2024 | 14:20:16 [GMT +7] A A
Sau sáp nhập huyện Hoành Bồ, TP Hạ Long có trên 23.500 đồng bào với 32 dân tộc thiểu số (DTTS). Việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng bộ và chính quyền các cấp trên địa bàn. Phón viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố (ảnh) xung quanh nội dung này.
- Xin ông cho biết, thời gian qua, công tác chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố được thực hiện như thế nào?
+ Tỷ lệ đồng bào DTTS chỉ chiếm khoảng 7,3% số dân nhưng lại sinh sống trên 70% diện tích của thành phố. Đây là những người dễ bị tổn thương, cuộc sống bấp bênh, xuất phát điểm thấp, sinh kế phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ khó khăn nên những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố luôn quan tâm đặc biệt đến công tác này. Ngay sau khi sáp nhập, thành phố đã tiến hành rà soát thực trạng cũng như tiềm năng, lợi thế của các xã và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này để tăng cường đưa các cán bộ, giáo viên về miền núi, ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng những chính sách đặc thù.
Ngoài những chủ trương, chính sách của trung ương và của tỉnh, thành phố còn ban hành 3 đề án đề ra các giải pháp, chương trình, dự án cụ thể đối với đồng bào DTTS. Bao gồm: Đề án thực hiện Chương trình xây dựng NTM thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án thực hiện Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS gắn với thực hiện mục tiêu quốc gia đến năm 2025; Đề án ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Triển khai các đề án, trong giai đoạn 2019-2023, thành phố đã dành trên 3.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình động lực, mang tính liên kết vùng. Từ ngân sách thành phố, các xã đã triển khai thực hiện trên 550 công trình hạ tầng nông thôn, bê tông hoá trên 80km đường giao thông, cứng hoá gần 48km kênh mương, 24km đường ống nước, lắp đặt trên 11km hệ thống điện chiếu sáng; sửa chữa, xây mới trụ sở UBND xã, nhà văn hoá trung tâm xã, nhà văn hoá thôn, trạm y tế xã. Thành phố cũng đã luân chuyển 191 giáo viên về công tác tại vùng đồng bào DTTS; phối hợp với các đơn vị mở 14 lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho gần 4.300 người DTTS; gần 3.000 người DTTS được vay vốn chính sách…
- Hiệu quả thực tế của các chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS tại TP Hạ Long ra sao, thưa ông?
+ Với sự quan tâm toàn diện cho đồng bào, đến hết năm 2021, thành phố có 12/12 xã đạt chuẩn NTM; được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2021 (hoàn thành sớm 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết). Đến hết năm 2023 có 6/12 xã đạt NTM nâng cao. Số hộ nghèo, cận nghèo người DTTS năm 2019 là 457 hộ thì đến nay thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo và là địa phương đi đầu trong toàn tỉnh hoàn thành 100% hộ khó khăn mới phát sinh được sửa chữa, xây mới nhà ở và hỗ trợ cho trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng đến năm 18 tuổi. Trong lĩnh vực giáo dục, vùng đồng bào DTTS có 22/25 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 25/25 trường đạt cơ sở vật chất mức độ 1. Đối với lĩnh vực y tế, 100% các xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Các xã cũng đã từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với du lịch sinh thái cộng đồng
Những kết quả này đã làm thay đổi sâu sắc đời sống vật chất, tinh thần đồng bào DTTS trên địa bàn. Đặc biệt là những chính sách đặc thù của thành phố đã thúc đẩy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào DTTS tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững.
- Để nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn, trong giai đoạn tới, thành phố tập trung những giải pháp gì?
+ Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố cũng nhận thấy còn rất nhiều hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới. Tại Đại hội đại biểu các DTTS TP Hạ Long lần thứ I năm 2024, trong giai đoạn 2024-2029 thành phố đã đặt ra 10 mục tiêu cụ thể và 5 nhóm giải pháp để triển khai có hiệu quả công tác dân tộc.
Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách an sinh xã hội. Việc triển khai đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt với vùng đồng bào DTTS và miền núi, phù hợp với văn hoá, phong tục, tập quán, điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng dân tộc, tránh tư duy máy móc. Thành phố cũng sẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP gắn với quá trình chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn… Qua đó hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân chung của vùng DTTS sẽ cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh.
Đối với chỉ tiêu về nước sạch, dự kiến trong tháng 7/2024, thành phố sẽ khởi công 4 dự án cấp nước sạch để nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch lên 81,7% (vượt chỉ tiêu 80% của tỉnh đặt ra). Thành phố cũng sẽ làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy tốt vai trò của trưởng thôn, bản, người có uy tín, xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS, nâng cao chất lượng môi trường, đời sống văn hóa… Qua đó giúp bà con từng bước vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng Hạ Long trở thành thành phố kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Nga
- Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hạ Long lần thứ I, năm 2024
- Đa dạng mô hình bảo tồn văn hoá các dân tộc
- Chính sách với người uy tín vùng dân tộc thiểu số
- 75,81% - là tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện đang sử dụng nước sạch
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết ở vùng dân tộc thiểu số
Liên kết website
Ý kiến ()