Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:51 (GMT +7)
Hạ Long: Cần sớm có quy hoạch nuôi trồng thủy sản
Thứ 5, 22/06/2023 | 10:21:27 [GMT +7] A A
Hiện nay, các điểm quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) trên Vịnh Hạ Long được thực hiện theo Quyết định số 1360/QĐ-UBND (ngày 14/10/2009) của UBND thành phố về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển NTTS trên Vịnh Hạ Long giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến 2020. Theo Quyết định, có 51 hộ nuôi và 4 doanh nghiệp làm nghề NTTS với diện tích 93ha. Năm 2018, UBND thành phố thực hiện giao mặt nước NTTS cho 20 hộ dân tại khu Vung Viêng, thời hạn 5 năm để các hộ NTTS kết hợp với du lịch. Như vậy, đến cuối năm 2023, các hộ NTTS trong khu vực Vung Viêng sẽ hết thời gian được cấp quyền sử dụng mặt nước biển.
Nhằm đảm bảo phát triển thủy sản bền vững, tạo sinh kế ổn định cho người dân, từ năm 2019, TP Hạ Long đã chủ động rà soát lại quy mô các điểm NTTS ngoài vùng lõi Vịnh Hạ Long. Đồng thời, rà soát, bổ sung thông tin liên quan đến địa điểm lập quy hoạch khu vực NTTS ngoài vùng lõi Vịnh Hạ Long… báo cáo UBND tỉnh phê duyệt chủ trương lập quy hoạch khu vực NTTS ngoài vùng lõi Vịnh Hạ Long. Mục tiêu là để di dời các hộ dân, cơ sở NTTS trong vùng lõi Vịnh Hạ Long (chỉ giữ lại khu vực Vung Viêng và khu vực Cửa Vạn nhằm phục vụ phát triển NTTS kết hợp du lịch). Tuy nhiên, do vướng mắc các quy định chính sách liên quan đến Luật Di sản văn hóa, tỉnh đang triển khai Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050… nên việc lập quy hoạch NTTS ngoài vùng lõi Vịnh Hạ Long vẫn chưa được phê duyệt.
Từ năm 2021 đến nay, UBND thành phố chưa giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nào khai thác, sử dụng tài nguyên. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố có 83 trường hợp NTTS trái phép và tập trung chủ yếu trên Vịnh Hạ Long.
Ông Nguyễn Văn Tặng, HTX Rồng Biển (phường Tuần Châu, TP Hạ Long), chia sẻ: Nhiều lần HTX viết đơn để đề nghị các cấp chính quyền xem xét giải quyết việc cấp phép mặt nước cho các hộ dân trên địa bàn phường Tuần Châu và 69 thành viên của HTX Rồng Biển. Do chờ đợi lâu và không có nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống, nên tháng 1/2022, các hộ dân quyết định đầu tư hơn 5 tỷ đồng cho 144 dây phao HDPE và tiền con giống để nuôi ở phía Tây Nam của đảo. Vì NTTS trái phép nên từ tháng 4/2023 đến nay, chúng tôi phải dỡ bỏ dần theo yêu cầu của UBND thành phố trong khi phần lớn số tiền đầu tư vẫn chưa kịp thu hồi lại. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là TP Hạ Long sớm có điểm quy hoạch NTTS để các hộ dân yên tâm sản xuất.
Chung nỗi khó khăn như các thành viên HTX Rồng Biển, ông Phạm Văn Nhung (trú tại tổ 59, phường Hà Phong, TP Hạ Long) cho biết: Đầu năm 2022, gia đình đầu tư hơn 300 triệu đồng nuôi trên 20 dây hàu tại khu vực Hòn Đũa. Tháng 4/2023 vừa qua, tôi thu hoạch vụ thứ 2 được khoảng 4 tấn và còn 4 tấn hàu bé dự kiến đến tháng 6/2023 đủ tuổi thu hoạch. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương chung của tỉnh và thành phố, tôi đã cắt bỏ toàn bộ các dây hàu. Gia đình mong muốn sớm có vùng nuôi được quy hoạch để di chuyển lồng bè vào đó và tiếp tục vay vốn ngân hàng tái nuôi trồng, không để lãng phí ngư cụ đã đầu tư, gây lãng phí và thiệt hại kinh tế.
Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TU (ngày 10/8/2021) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững NTTS trên biển tỉnh Quảng Ninh, đồng thời sớm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, ngay sau khi Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 2/2023, UBND TP Hạ Long đã bám sát Quy hoạch để rà soát, xác định cụ thể diện tích, vị trí, tọa độ vùng nuôi biển tập trung. Trong Quy hoạch, tỉnh định hướng quy hoạch các điểm NTTS ngoài vùng lõi Vịnh Hạ Long tại 2 khu vực. Trong đó, khu vực 1 diện tích khoảng 210ha, phía Đông giáp tuyến luồng Tuần Châu - Cát Bà, phía Tây giáp với Khu vực giáp ranh giới xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên), phía Nam giáp luồng Ba Mom, phía Bắc giáp đảo Tuần Châu. Khu vực 2 có diện tích khoảng 50ha, phía Đông giáp hòn Vụng Ba Cửa, phía Tây giáp Hòn Bồ Hung, phía Nam giáp Hòn Trà Hương và luồng Lạch Ngăn, phía Bắc giáp luồng Ba Mom.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, khẳng định: 2 khu vực trên có vị thế thuận lợi, dễ tiếp cận về giao thông, không gây ảnh hưởng đến luồng giao thông chung. Khu vực này còn có vị trí hết sức thuận lợi để kết nối với các khu du lịch đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố, như Tuần Châu, Công viên Đại Dương, Khu phức hợp Hạ Long Xanh... Do đó, đây là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển tiềm năng dịch vụ, du lịch. Hơn nữa, địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch nằm trong vùng ít ảnh hưởng bởi gió bão, lặng sóng, môi trường nước sạch. Các khu vực lân cận ranh giới nghiên cứu quy hoạch thuộc Hải Phòng và Quảng Yên đã cấp cho nhân dân NTTS. Công tác kiểm tra, khảo sát của thành phố cũng cho thấy sinh trưởng và phát triển các đối tượng nuôi rất tốt, cho năng suất cao nên bước đầu đánh giá môi trường khu vực dự kiến quy hoạch phù hợp với mục tiêu NTTS.
Để có cơ sở sớm triển khai công tác di dời các cơ sở NTTS trong vùng lõi Vịnh Hạ Long, giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực vùng lõi, đồng thời đảm bảo cho công tác quản lý ổn định, bền vững đối với các hoạt động về cảnh quan, môi trường, dân sinh, phục vụ phát triển dịch vụ, du lịch, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cần sớm xem xét, nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 NTTS tại các điểm ngoài vùng lõi Vịnh Hạ Long.
Hoàng Nga
- Doanh nghiệp thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn
- Hải Hà: Đảm bảo an toàn cho ngư dân và vùng nuôi trồng thủy sản
- 61.200 tấn - là tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh Quảng Ninh 5 tháng đầu năm 2023
- Bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản
- Tái diễn khai thác thuỷ sản bằng ngư cụ cấm
- Tăng cường phổ biến pháp luật bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- 60.740ha - là diện tích khu vực biển có tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh Quảng Ninh
Liên kết website
Ý kiến ()